Vì sao ăn, ngủ cùng F0 vẫn không mắc Covid? Nghiên cứu mới chỉ ra một điều kiện quan trọng của cơ thể

05/03/2022 22:58 PM | Sống

Có rất nhiều các cặp vợ chồng, gia đình, nhóm đồng nghiệp thường xuyên tiếp xúc gần với nhau. Thế nhưng, khi trong nhóm có người trở thành F0, không phải ai cũng bị nhiễm bệnh. Nghiên cứu công bố mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) đã giải thích lý do.

Trong thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng cao. Đặc biệt, không ít gia đình, công ty có đa số thành viên đều mắc Covid-19.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là nhiều trường hợp thường xuyên tiếp xúc gần với F0, chẳng hạn như cùng ăn, cùng ngủ, nói chuyện không đeo khẩu trang trong thời gian nhất định nhưng vẫn không bị lây nhiễm.

Nghiên cứu công bố mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) được công bố trên tạp chí Nature đã giải thích nguyên nhân mà họ tìm được.

Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London - Danny Altmann đã chia sẻ với CNBC rằng, các nghiên cứu chỉ ra khả năng bị nhiễm bệnh trong một hộ gia đình khi một trường hợp dương tính “không cao như bạn tưởng tượng”.

Nhờ phản ứng của tế bào T

Theo kết quả nghiên cứu, điều kiện quan trọng để một số người không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 mặc dù tiếp xúc với F0 có thể là nhờ phản ứng của tế bào T. Đây là tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Chúng đã học được cách “phản ứng lại” từ những lần nhiễm virus corona dạng cảm lạnh trước đó.

Tiến sĩ Rhia Kundu, tác giả đầu tiên của nghiên cứu từ Viện Tim và Phổi Quốc gia của Imperial, nói rằng: “Việc tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 không phải lúc nào cũng dẫn đến nhiễm bệnh và chúng tôi rất muốn hiểu tại sao. Đó là lý do mà nghiên cứu này ra đời.”

Bà cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng lượng tế bào T tồn tại từ trước, được tạo ra bởi cơ thể khi bị nhiễm các virus corona khác ở người như cảm lạnh thông thường, có thể bảo vệ cơ thể, chống lại sự lây nhiễm của Covid-19.”

 Vì sao ăn, ngủ cùng F0 vẫn không mắc Covid? Nghiên cứu mới chỉ ra một điều kiện quan trọng của cơ thể  - Ảnh 1.

Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu vào tháng 9/2020. Đây là thời điểm hầu hết người dân ở Anh chưa bị nhiễm bệnh cũng như chưa được tiêm vaccine Covid-19. Trong đó, có 52 người bị phơi nhiễm SARS-CoV-2 do sống cùng với F0 (đã được xác định bằng xét nghiệm PCR). Những người bị phơi nhiễm này được xét nghiệm lại vào đúng thời điểm sau 4 ngày và sau 7 ngày để xác định xem họ có bị lây nhiễm hay không.

Những người tham gia nghiên cứu cũng có thể họ đã từng phơi nhiễm với các loại virus thuộc họ corona như virus gây bệnh cảm lạnh thông thường.

Nghiên cứu chỉ ra, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập, tế bào T kích hoạt giúp cơ thể ghi nhớ những bệnh trước đây, tạo thành hệ thống bảo vệ, giúp cơ thể tiến hành đào thải virus ngay trước khi nó gây ra các triệu chứng.

Các tế bào T này không nhắm vào protein gai trên bề mặt của virus mà tập trung mục tiêu vào các protein bên trong của virus SARS-CoV-2, nhờ đó tăng sức mạnh bảo vệ, chống lại sự lây nhiễm. Điều này có thể giải thích cho kết quả xét nghiệm âm tính ở một số người dù họ tiếp xúc với mầm bệnh.

 Vì sao ăn, ngủ cùng F0 vẫn không mắc Covid? Nghiên cứu mới chỉ ra một điều kiện quan trọng của cơ thể  - Ảnh 2.

Nghiên cứu công bố mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) đã giải thích lý do vì sao nhiều người ăn, ngủ cùng F0 cũng không nhiễm Covid. Ảnh: Getty Images

Tiến sĩ Lucy McBride (một bác sĩ ở Washington, D.C, Mỹ) cho hay, không phải ai tiếp xúc gần với F0 cũng mắc COVID-19. Theo bà Lucy, có thể lấy virus cúm làm ví dụ để so sánh với virus SARS-CoV-2 có biến thể mới nhất là Omicron.

Mặc dù 2 virus này khác nhau nhưng vẫn có tương đồng nhất định. Vẫn có những trường hợp người trong gia đình mắc cúm mà không lây cho người khác. Tương tự, SARS-CoV-2 cũng có thể chỉ lây cho một số đối tượng và “bỏ qua” cho những đối tượng khác.

Tuy nhiên, tiến sĩ Kundu cũng cảnh báo rằng, “Tuy đây là một khám phá quan trọng nhưng nó chỉ đóng vai trò như một hình thức bảo vệ. Mọi người không nên chủ quan mà ‘phó mặc hết’ cho tế bào T của cơ thể. Thay vào đó, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước Covid-19 là tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả tiêm liều nhắc lại.”

Yếu tố di truyền

Một câu hỏi khác được đặt ra trong đại dịch là tại sao hai người cùng mắc Covid lại có những triệu chứng khác nhau, một người có các triệu chứng nặng, còn người kia chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí là không có triệu chứng.

“Câu trả lời có thể nằm ở gen của chúng ta”, Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann nói với CNBC.

 Vì sao ăn, ngủ cùng F0 vẫn không mắc Covid? Nghiên cứu mới chỉ ra một điều kiện quan trọng của cơ thể  - Ảnh 3.

Nhiều nghiên cứu tiến hành xoay quanh virus SARS-CoV-2 được thực hiện. Ảnh: Getty Images

Giáo sư cho biết mình và các đồng nghiệp đang tiến hành nghiên cứu về mối quan hệ giữa di truyền và hệ thống miễn dịch có liên quan tới Covid-19. Họ đã có một số phát hiện cho rằng, sự khác biệt giữa hệ thống miễn dịch của mỗi người sẽ “tạo ra sự khác biệt ít nhiều”.

Nghiên cứu tập trung vào các gen HLA (kháng nguyên bạch cầu ở người) khác nhau và đang xem xét các gen này có thể ảnh hưởng như thế nào đến phản ứng của một người với Covid. Với một số loại HLA ít nhiều có khả năng bị nhiễm trùng có triệu chứng hoặc không có triệu chứng, ông cho biết.

“Các gen quan trọng kiểm soát phản ứng miễn dịch của bạn được gọi là gen HLA. Chúng góp phần xác định phản ứng của cơ thể bạn khi gặp phải SARS-CoV-2. Ví dụ, những người có gen HLA-DRB1 * 1302 có nhiều khả năng bị nhiễm trùng có triệu chứng hơn, ”Altmann nói thêm.

Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố khác có thể quyết định một người có nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc gần với F0 hay không. Điều kiện trong không gian, lượng virus do F0 thải ra, hệ thống miễn dịch và tình trạng tiêm chủng của người bị phơi nhiễm… đều là những nhân tố cần cân nhắc.

*Theo CNBC

Theo Thuý Phương

Cùng chuyên mục
XEM