Vì sao 8 năm trời Dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền- Lương Điền vẫn "tắc"?

02/04/2016 21:16 PM | Kinh tế vĩ mô

Dự án KCN Cẩm Điền- Lương Điền được thành lập từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành vì gặp nhiều vướng mắc.Trong tháng 4 này, tỉnh Hải Dương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai bảo vệ thi công dự án.

Liên quan đến việc triển khai dự án Khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền- Lương Điền tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, chiều 31/3, Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đã có buổi làm việc với báo chí để cung cấp thông tin.

KCN Cẩm Điền- Lương Điền được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập theo văn bản số 692/TTg-KTN ngày 08/8/2008 với tổng diện tích quy hoạch là 205,28ha. Ngày 05/8/2008, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2886/QĐ-UBND thu hồi 208,1149ha đất, cho công ty Phúc Hưng thuê 137,784ha để xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN.

Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng , gặp một số vướng mắc. Một số hộ đề nghị bồi thường, hỗ trợ ở mức cao hơn quy định của Nhà nước.

Khi có một số hộ không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và có nhu cầu nhận đất để sản xuất nông nghiệp, tháng 1/2010, UBND tỉnh đã thu hồi lại 20,2ha đất KCN để giao lại cho các hộ dân có nhu cầu tiếp tục sản xuất nông nghiệp.

Đến năm 2010, trong tổng số 1.339 hộ của 2 xã có đất nông nghiệp bị thu hồi có 1.224 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Còn lại 115 hộ thuộc xã Cẩm Điền chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Trong 115 hộ còn lại có 15 hộ đã nhận đất canh tác ở vị trí mới, 30 hộ còn nguyên đất canh tác ở vị trí cũ (tổng diện tích khoảng 2,7ha) trong khu đất 20,2ha đã thu hồi lại từ KCN; chỉ còn 70 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phê duyệt hoặc nhận đất để canh tác.

Năm 2015, KCN đã được chuyển nhượng cho Công ty TNHH VSIP Hải Dương. Tuy nhiên tháng 5/2015, khi VSIP Hải Dương triển khai thi công, một số người dân lại ra cản trở khiến việc thi công bị đình trệ cho đến nay.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo.

Ông Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, một số hộ dân của xã Cẩm Điền tiếp tục tái cải trở và đòi hỏi nhà đầu tư phải bồi thường ở mức cao hơn. Một số hộ dân đòi đền bù ở mức 150- 240 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần quy định tiền bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước; có hộ không nhận tiền đền bù mà yêu cầu trả lại ruộng đúng vị trí cũ để canh tác…

Liên quan đến việc một số hộ dân vẫn chưa chấp nhận phương án bồi thường, ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hải Dương cho biết: “Việc bồi thường hỗ trợ là theo đúng đơn giá quy định tại thời điểm thu hồi đất. Việc vướng mắc đến nay là do một số hộ dân có suy nghĩ có quan điểm, nhận thức chưa đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ”.

Cụ thể, trong số 1.300 hộ trên địa bàn hai xã Lương Điền, Cẩm Điền thì đã có hơn 1.000 hộ đã chấp hành phương án bồi thường, hỗ trợ, chỉ có gần 100 hộ không đồng tình. Vướng mắc thứ hai là một số hộ dân đòi hỏi trả lại đất theo đúng vị trí cũ đã bị thu hồi, điều này là không khả thi.

“Theo quy định của Luật Đất đai 2003, không có chuyện thỏa thuận giữa người sử dụng đất với nhà nước. Đã thu hồi là không có thỏa thuận. Thu hồi thì việc bồi thường, hỗ trợ phải theo đúng trình tự và quy định pháp luật. Nếu giải quyết cho họ thì còn hơn 1000 hộ dân đã nhận tiền thì giải quyết thế nào. Họ đòi bồi thường hơn những người đã nhận tiền bồi thường trước đây là không thể thực hiện được”, ông Lộc cho hay.

Mặc dù UBND huyện Cẩm Giàng đã phối hợp với các ban ngành kiên trì tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân chấp hành đầy đủ quy định của Nhà nước, các quyết định của các cấp thẩm quyền trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, GPMB…nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất.

Ông Vương Đức Sáng cho biết, đây là dự án lớn, nhiều năm chưa triển khai được gây lãng phí đất đai. Chính vì thế tỉnh rất mong muốn dự án KCN sớm được triển khai, khắc phục tình trạng lãng phí đất kéo dài nhiều năm, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương.

Sẽ bảo vệ thi công dự án trong tháng 4

Theo ông Sáng, việc xây dựng và hoàn thiện sớm hạ tầng KCN đến thời điểm này là rất cấp bách và cần thiết để phục vụ sự phát triển KT- XH của địa phương. Việc triển khai sớm cũng để tạo niềm tin của cán bộ nhân dân địa phương, là giải pháp giữa chân nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thu hút đầu tư tiếp.

Lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục An ninh và tỉnh đã ấn định thời gian triển khai bảo vệ thi công trong tháng 4/2016. Dự báo tình hình khi triển khai hỗ trợ thi công sẽ có một số người kéo ra cản trở, gây mất an ninh trật tự, sự việc có thể diễn biến phức tạp nếu bị các phần tử tiêu cực lợi dụng kích động. Để chủ động giải quyết, lực lượng Công an đã xây dựng phương án chủ động, bố trí lực lượng để triển khai đảm bảo ANTT, hỗ trợ thi công.

“Quan điểm của tỉnh là kiên trì, vận động tới cùng, bằng mọi biện pháp để đến hôm thi công người dân sẽ không ra cản trở thi công”, Phó chủ tịch Vương Đức Sáng nói.

Liên quan đến việc bà Lê Thị Châm bị thương khi va chạm với máy xúc của đơn vị thi công ngày 10/7/2015, ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, công an huyện Cẩm Giàng đã phối hợp với các cơ quan ra quyết định khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra và khi nào có kết luận sẽ thông tin cụ thể.

Theo Diệu Thùy

Cùng chuyên mục
XEM