Vì sao 2 lần hoãn phiên tòa xử vụ kiện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng?
Phiên tòa thứ hai xét xử vụ tranh chấp quyền tác giả giữa nhạc sĩ Nguyễn Trường Nhân và Đàm Vĩnh Hưng lại bị hoãn.
Sáng 27/12, TAND quận 10 (TP.HCM) lần thứ 2 mở phiên tòa xét xử vụ nhạc sĩ Nguyễn Trường Nhân (SN 1983) kiện ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, SN 1971) vi phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc. “Ông hoàng nhạc Việt” không có mặt tại phiên tòa mà ủy quyền cho luật sư Lê Quang Vy tham gia tố tụng.
Trong đơn kiện, nhạc sĩ Trường Nhân cho rằng ca khúc “Chút tình phai” trong album Góc khuất (2012) của Đàm Vĩnh Hưng giống hệt bài “Chút tình” thuộc tuyển tập tác phẩm “Vị Ngọt” do nguyên đơn là tác giả kiêm chủ sở hữu, được Cục bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả vào năm 2006. Đáng nói, người sáng tác “Chút tình phai” là ông Nguyễn Anh Huy (nghệ danh là Trương Tuấn Huy).
Nhạc sĩ Trường Nhân cho rằng, Đàm Vĩnh Hưng đã và đang sử dụng bài hát trên để công bố, biểu diễn, phân phối tác phẩm trên thị trường mà không được sự đồng ý hay cho phép của chủ sở hữu, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.
Dù ông Trường Nhân nhiều lần liên hệ, nhắc nhở nhưng Đàm Vĩnh Hưng vẫn không chấm dứt việc xâm phạm, không thể hiện thiện chí khắc phục. Do đó, vị nhạc sĩ đã đâm đơn kiện ra toà.
Nguyên đơn yêu cầu Đàm Vĩnh Hưng đăng cải chính công khai xin lỗi, cam kết chấm dứt vi phạm 4 kỳ báo liên tục trên 4 tờ báo, cũng như bồi thường 150 triệu đồng (đã giảm so với mức 300 triệu đồng ban đầu).
Tại phiên tòa ngày 27/12, luật sư của Đàm Vĩnh Hưng lập luận, việc có sự tương đồng giữa hai ca khúc là xuất phát từ Công ty TNHH Tiếng hát Việt, không phải do nam ca sĩ 48 tuổi.
Theo đó, phía công ty mua bản quyền bài “Chút tình phai” từ Trương Tuấn Huy do không biết nhạc sĩ Trường Nhân là tác giả thật của ca khúc. Hợp đồng cũng có điều khoản, ông Tuấn Huy phải chịu trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra liên quan đến bản quyền ca khúc. Luật sư Lê Quang Vy nhấn mạnh, Đàm Vĩnh Hưng chỉ là thành viên của công ty, chỉ nhận lời mời thu âm, không liên quan đến việc mua bán, kinh doanh và thu lợi nhuận từ ca khúc.
Phía nguyên đơn phản bác, Đàm Vĩnh Hưng nắm giữ đến 75% cổ phần công ty Tiếng hát Việt, nên không thể nói nam ca sĩ không liên quan đến các hoạt động mua bán, sử dụng và phân phối ca khúc.
Nhạc sĩ Trường Nhân cho biết, trong suốt quá trình khởi kiện, Đàm Vĩnh Hưng chưa một lần gặp mặt với nguyên đơn tại tòa, mà chỉ thông qua đại diện pháp luật.
Theo vị nhạc sĩ, Đàm Vĩnh Hưng từng mời anh đến nhà, khẳng định ca khúc là của anh, đồng thời hứa sẽ tổ chức họp báo công khai đính chính nhưng không thực hiện. Không những thế, Đàm Vĩnh Hưng còn sử dụng những ngôn từ ảnh hưởng đến uy tín của nhạc sĩ Trường Nhân.
Tác giả “Chút tình” nói thêm, đồng ý hòa giải nếu phía Đàm Vĩnh Hưng có thiện chí, bởi vì Đàm Vĩnh Hưng cũng từng là thần tượng của anh và việc ca khúc của anh được người nổi tiếng lựa chọn tức là nó có giá trị. Tuy vậy, nam nhạc sĩ khẳng định, dù hòa giải, phía Đàm Vĩnh Hưng vẫn phải trả phí bản quyền sử dụng bài hát, cụ thể bao nhiêu sẽ do hai bên thương lượng mức hợp lý.
“Tôi không có yêu cầu như trong đơn là phải công khai xin lỗi, mà yêu cầu anh phải có sự đính chính trên các phương tiện truyền thông hoặc trên trang Facebook của anh cũng được”, nhạc sĩ Trường Nhân nói.
Luật sư Lê Quang Vy phủ nhận cáo buộc bị đơn làm tổn hại đến uy tín nguyên đơn, yêu cầu cung cấp bằng chứng nếu không sẽ khởi kiện. Khi HĐXX đưa ra những bài báo đăng tải một số câu nói được cho là phát ngôn của ông Hưng đối với ông Nhân, đại diện bị đơn bác bỏ với lập luận bằng chứng không có giá trị, chỉ chấp nhận ghi âm cụ thể lời nói của Đàm Vĩnh Hưng.
Vẫn cho rằng đây là trách nhiệm của Tiếng hát Việt, luật sư Lê Quang Vy cho rằng, những đề nghị của nguyên đơn cần câu trả lời trực tiếp từ Đàm Vĩnh Hưng, nên xin HĐXX gọi điện thông báo với bị đơn. Tuy nhiên, Đàm Vĩnh Hưng đang ở nước ngoài nên chưa thể liên lạc được.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên bố tạm hoãn phiên tòa để hai bên thu thập, bổ sung thêm chứng cứ. Thời gian mở lại tòa sẽ được thông báo sau.
Trước đó, TAND quận 10 từng xét xử vụ việc vào ngày 29/11. Tuy nhiên, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan do HĐXX triệu tập là Trương Tuấn Huy vắng mặt nên toà quyết định hoãn phiên xử. Trong phiên tòa mới đây, ông Tuấn Huy lại tiếp tục vắng mặt.