Vi phạm pháp luật thuế trên môi trường mạng có thể sẽ bị tạm dừng, thu hồi giấy phép hoạt động
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 889/CĐ-TTg về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Công điện nêu rõ: Trong thời gian qua, nhiều biện pháp cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, triển khai hóa đơn điện tử đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến.
Với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Sự phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức mới của TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với các hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một loạt nhiệm vụ.
Trong số đó, một số yêu cầu đáng chú ý như:
Bộ Tài chính tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh TMĐT kê khai, nộp thuế theo quy định; phối hợp, hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ pháp luật khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Nghiên cứu, xây dựng nội dung tham gia đàm phán các Hiệp định đa phương về quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể thực hiện tạm dừng, thu hồi giấy phép hoạt động trên môi trường mạng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.
Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT để tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của các cá nhân trên Sàn giao dịch TMĐT.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để nghiên cứu sử dụng định danh xác thực điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử; gắn định danh điện tử với mã số thuế để quản lý thống nhất định danh công dân trên toàn bộ các hệ thống của ngành thuế theo mã định danh công dân; từng bước cung cấp một số dịch vụ về thuế cá nhân trên ứng dụng công dân số quốc gia VNeID.
Nghiên cứu phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử hiện có tại Việt Nam lên ứng dụng công dân số quốc gia VNeID để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc cung cấp thông tin của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ các nền tảng xuyên biên giới theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
Chỉ đạo ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khi tham gia phối hợp thu thuế và thu các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo quy định của Luật Quản lý thuế.