Trái phiếu vẫn sẽ là sân chơi của các ngân hàng thương mại

14/03/2016 20:17 PM | Kinh tế vĩ mô

Với độ mở ngày càng lớn của kênh trái phiếu, các chuyên gia dự báo rằng, chắc chắn trái phiếu vẫn tiếp tục là sân chơi thu hút các Ngân hàng thương mại (NHTM) trong thời gian tới.

Thị trường trái phiếu Việt Nam từng chứng kiến những thời điểm mà các NHTM là khách hàng chính. Đó là khi tín dụng đạt mức tăng trưởng thấp. Như năm 2012, tín dụng chỉ tăng 7%, còn năm 2013 khá hơn cũng chỉ 12%, nên các NHTM đã đua nhau mua trái phiếu Chính phủ để tìm kiếm thêm lợi nhuận.

Chính thị trường này đã “cứu thua” cho các nhà băng. Khi các hoạt động khác khó khăn thì nguồn thu từ kinh doanh trái phiếu có vai trò quan trọng đối với các NHTM, vào những thời điểm họ luôn phải “đốt đuốc” đi tìm khách hàng vay vốn.

Một chuyên gia của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, với danh mục của các nhà đầu tư trên thị trường, với điều kiện thị trường trái phiếu còn khá non trẻ của Việt Nam, thì thời gian vừa qua đối tượng nhà đầu tư đóng vai trò chủ đạo là các NHTM cũng dễ hiểu.

Thống kê cho thấy, chỉ trong năm 2014 các NHTM đã nắm giữ 85% khối lượng trái phiếu lưu hành trên thị trường, số ít còn lại là các nhà đầu tư như quỹ đầu tư công ty chứng khoán, bảo hiểm và một số DN nước ngoài.

Tiềm năng phát triển của thị trường trái phiếu còn khá lớn và cũng là cơ hội cho các NHTM “năng nhặt chặt bị”. Thống kê cho thấy, mặc dù thị trường trái phiếu của Việt Nam tăng trưởng nhanh, nhưng so với GDP thì chỉ chiếm 20%, trong khi đó với nhiều nước đang phát triển khác thị trường trái phiếu chiếm tới 100%, hay Nhật Bản thậm chí chiếm tới 200% GDP.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký VBMA cho biết, theo định hướng phát triển thì đến năm 2020 thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 38-40% GDP, nên dư địa thị trường trái phiếu còn nhiều tiềm năng. Đây là điểm quan trọng trong tái cơ cấu thị trường tài chính , với chủ trương đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu để nâng quy mô.

Đặc biệt, trái phiếu Chính phủ thời gian qua được Bộ Tài chính phát hành kỳ hạn càng ngày càng dài. Nếu như năm 2012-2014, kỳ hạn vay bình quân trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường chỉ 3,1 năm thì đến cuối năm 2015 là 4,44 năm. Chính quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đạt kết quả tích cực đã tạo niềm tin tốt hơn cho các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức.

Trước đây, giai đoạn đầu, các tổ chức thích đầu tư vào trái phiếu kỳ hạn ngắn, nhưng khi nền kinh tế có khả năng hồi phục tích cực và niềm tin trở lại thì nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào trái phiếu có kỳ hạn dài hơn.

Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường trái phiếu hiện cũng đã khá tích cực. Nếu năm 2010 khối lượng trái phiếu giao dịch chỉ 354 tỷ đồng/ngày, thì năm 2014-2015 con số này tăng lên khoảng 2.500 tỷ đồng/ngày; 2 tháng đầu năm 2016 cũng cho thấy diễn biến thị trường tích cực, với hầu hết các trái phiếu phát hành thì số lượng đăng ký mua đều vượt mức phát hành của Bộ Tài chính.

Lãnh đạo một NHTM cho biết, mấy ngày gần đây các NH đã rục rịch mua lại trái phiếu. Bởi trừ thời điểm khủng hoảng, đa số các NH luôn thừa vốn. Phần vốn dư thừa này phải tìm đến các công cụ đầu tư như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc… để hưởng lãi suất, khi cần có thể bán bất cứ lúc nào.

Với độ mở ngày càng lớn của kênh trái phiếu, các chuyên gia dự báo rằng, chắc chắn trái phiếu vẫn tiếp tục là sân chơi thu hút các NHTM trong thời gian tới.

Theo Chí Kiên

Cùng chuyên mục
XEM