Chẳng vui gì khi xuất khẩu gạo top thế giới, Thái Lan đang muốn giảm sản lượng lúa càng nhiều càng tốt

11/03/2016 16:57 PM | Kinh tế vĩ mô

Chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch giảm sản lượng lúa xuống 27 triệu tấn bắt đầu từ tháng 5/2016, thấp hơn 25% so với mức bình quân trong 5 năm vừa qua.

Hạn hán

Báo cáo của ngân hàng TMB, hiện tượng El Nino gây ra hạn hán sẽ khiến nền kinh tế Thái Lan thiệt hại khoảng 84 tỷ Bath (2,4 tỷ USD) và làm giảm nhu cầu tiêu thụ các thiết bị nông nghiệp như máy cày, máy bơm nước, máy phát điện...

Ngoài ra, những công ty hoạt động trong lĩnh vực liên quan như nhà máy phân phối thuốc trừ sâu, sản xuất phân bón, cung cấp giống...cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng trước tình hình trên.

Bộ trưởng Apisak nói rằng ngành nông nghiệp chiếm khoảng 8% GDP Thái Lan. Tuy nhiên, số liệu của Credit Suisse cho thấy sản lượng nông nghiệp nước này đang giảm 7-8% mỗi năm trong vòng 2 năm qua và tỷ lệ vay nợ trên thu nhập của người nông dân tại Thái Lan đã tăng lên gần 100%.

Bên cạnh đó, những chương trình hỗ trợ của chính phủ Thái Lan dường như không đem lại nhiều hiệu quả. Chị Prapatpon Rungsatien, một nông dân 48 tuổi cho biết chị hầu như không áp dụng được những gì đã học từ các chương trình đào tạo vào thực tế.


Chị Prapatpon Rungsatien

Chị Prapatpon Rungsatien

Sản lượng ruộng lúa của chị Prapatpon mới đây chỉ bằng 1/10 so với thông thường và hầu như bị chuột gặm.

“Tôi nghĩ đến việc trồng đậu, nhưng hiện nay cánh đồng nhà tôi còn không đủ nước cho loại cây này. Ruộng nhà tôi đang bị khô cằn và nứt nẻ. Làm sao tôi có thể trồng thứ gì khi thậm chí đất trồng còn không có nước?”, chị Prapatpon nói.

Hỗ trợ

Trường hợp của chị Prapatpon cho thấy sự khó khăn trong vấn đề giải quyết nạn hạn hán cho người nông dân.

Chính quyền Bangkok đã phải thông qua khoản hỗ trợ 11,2 tỷ Bath nhằm khuyến khích người dân trồng giống lúa cần ít nước và gia hạn thêm thời gian trả nợ. Ngân sách nhà nước cũng đã phải chi 10,1 tỷ Bath nhằm ổn định giá lúa gạo và đào tạo lại cho người nông dân về cách trồng lúa khoa học tốn ít nước.

Trồng lúa là một nghề truyền thống tại Thái Lan, nhưng người dân nơi đây lại sử dụng quá nhiều nước tưới để tăng sản lượng. Hiện các đập chứa nước chính cho đồng bằng miền trung Thái Lan là Bhumibol và Sirikit đang có mức nước thấp nhất kể từ năm 1994.


Lượng dự trữ nước trong 2 hồ đập chức nước chính là Bhumibol và Sirikit đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1994 (triệu m khối)

Lượng dự trữ nước trong 2 hồ đập chức nước chính là Bhumibol và Sirikit đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1994 (triệu m khối)

Trước tình hình này, chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch giảm sản lượng lúa xuống 27 triệu tấn bắt đầu từ tháng 5/2016, thấp hơn 25% so với mức bình quân trong 5 năm vừa qua.


Sản lượng lúa hạng 1 (màu tím than) và hạng 2 (màu đỏ) của Thái Lan đang giảm dần (triệu tấn).

Sản lượng lúa hạng 1 (màu tím than) và hạng 2 (màu đỏ) của Thái Lan đang giảm dần (triệu tấn).

Trong hơn một thập kỷ qua, người trồng lúa Thái Lan đã nhận được rất nhiều trợ cấp từ chính phủ và đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và em gái Yingluck Shinawatra luôn ở mức cao.

Sự hỗ trợ này đã khiến sản lượng lúa tại nước này tăng 20% và dự trữ lúa đạt mức kỷ lục 17,8 triệu tấn, qua đó khiến chính phủ gặp một số khó khăn trong quá trình tiêu thụ.

Việc Thái Lan dự định cắt giảm sản lượng lúa có thể hỗ trợ tình trạng dư cung trên thị trường và giá lúa gạo ở mức thấp hiện nay, nhưng những hệ lụy đem lại đối với người nông dân là rất lớn khi nguồn thu của họ phụ thuộc chủ yếu vào nghề này.

Những người nông dân Thái Lan đóng vai trò khá quan trọng đối với chính trường nước này khi 2 lần đảng của ông Shinawatra đã chiến thắng trong cuộc tranh cử nhờ những là phiếu của người nông dân.

Tuy nhiên, với sự điều hành của chính phủ quân đội hiện nay, Thái Lan đang tăng cường thúc đẩy người nông dân giảm sản lượng lúa. Tình hình hạn hán kéo dài và mùa mưa không đến đúng hẹn, chính phủ quân đội đang ngày càng thúc ép người nông dân thay đổi thói quen sản xuất của mình.

Dẫu vậy, để thay đổi thói quen canh tác là điều không dễ dàng. Hơn nữa chương trình tài trợ của chính phủ chỉ đủ cho một bộ phận người nông dân tham gia các khóa đào tạo lại. Điều này khiến nhiều hộ nông dân nhỏ thất vọng với chính phủ và cho rằng họ bị bỏ rơi.

Trong khi đó, nhiều hộ nông dân cũng đã bị thuyết phục bởi các chương trình đào tạo của chính phủ để chuyển sang sản xuất những loại cây trồng vật nuôi khác.

Ông Chaiyapoj Phakon, một nông dân 50 tuổi cho biết mình vấn thích trồng lúa nhưng các chương trình của chính phủ đã giúp ông có động lực để chuyển hướng sản xuất.

“Có nhiều cách khác để kiếm sống ngoài trồng lúa. Chúng tôi vẫn còn có hy vọng”, ông Chaiyapoj nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM