Vì lý do này, bạn nên tranh thủ đi biển bởi những miền cát vàng sẽ chỉ còn tồn tại trong vài chục năm nữa

28/05/2019 16:45 PM | Xã hội

Bộ xây dựng Việt Nam cho biết đến năm 2020, chúng ta sẽ không còn cát xây dựng cho những công trình nếu tiến độ khai thác cát vẫn như hiện nay. Trong khi đó, hàng loạt bãi biển sẽ biến mất trong vài chục năm tới.

Nhắc đến đất cát, chúng ta lại nghĩ đến những bãi biển gợn sóng với dải cát vàng mộng mơ. Chẳng có gì khó hiểu khi con người khai thác cát vô tội vạ bởi chúng dường như là loại tài nguyên vô tận.

Nhưng không, Bộ xây dựng Việt Nam cho biết đến năm 2020, chúng ta sẽ không còn cát xây dựng cho những công trình nếu tiến độ khai thác cát vẫn như hiện nay. Thậm chí tại nhiều quốc gia như Singapore, cát còn trở thành loại tài nguyên chiến lược cần dự trữ và nhập khẩu đều hàng năm.

Theo các báo cáo, cát và sỏi đã trở thành loại tài nguyên được khai thác nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả dầu khí. Hàng năm thế giới bình quân khai thác 40 tỷ tấn cát, cao gấp 9 lần lượng dầu mỏ được bơm lên.

Vì lý do này, bạn nên tranh thủ đi biển bởi những miền cát vàng sẽ chỉ còn tồn tại trong vài chục năm nữa - Ảnh 1.

Phun cát để làm đầy bãi biển tại Australia, phục vụ cho du lịch

Cát là thành phần chính cho sản xuất xi măng, xây dựng đường xá, làm kính hay nguyên liệu cho nhiều thiết bị điện tử. Bạn có biết cát là thành phần cho kem đánh răng , chip điện tử hay các tấm năng lượng mặt trời không. Với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ IV, cát rõ ràng ngày càng quan trọng.

Cát còn được khai thác khối lượng lớn cho các dự án lấn biển hay cải tạo đất đai, khai thác dầu đá phiến cần cát, xây dựng bãi biển nhân tạo cần cát… Trong khi mảng dầu đá phiến Mỹ khiến giá dầu giảm sâu thì ít ai biết rằng chúng đã tiêu tốn 127 triệu tấn cát năm 2018.

Thậm chí các dự án chống lụt ở Ấn Độ, Mỹ, Nepal cũng cần lượng lớn cát. Đó là chưa kể đến thị trường xây dựng đang bùng nổ mạnh mẽ ở hàng loạt quốc gia, từ Trung Quốc cho đến Việt Nam.

Năm 2014, thế giới khai thác khoảng 15 tỷ tấn cát chỉ cho xây dựng và chưa tính đến những mảng khác, tương đương tổng giá trị khoảng 70 tỷ USD. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương khai thác nhiều nhất, sau đó là Châu Âu và Bắc Mỹ. Riêng tại Mỹ, thị trường khai thác và kinh doanh cát sỏi cho xây dựng có tổng trị giá 8,9 tỷ USD năm 2016. Tốc độ tăng trưởng khai thác cát tại Mỹ đã đạt 24% trong vòng 5 năm qua.

Bạn có lẽ không biết không phải cát nào cũng được dùng cho xây dựng. Chỉ chưa đến 5% lượng cát cung cấp trên thế giới là đủ tiêu chuẩn dùng cho sản xuất xi măng. Cát sa mạc quá trơn để dính nên người ta chỉ dùng cát biển cho sản xuất xi măng. Đó là lý do ngay cả những nơi nhiều cát như Dubai cũng cần nhập khẩu cát.

Vì lý do này, bạn nên tranh thủ đi biển bởi những miền cát vàng sẽ chỉ còn tồn tại trong vài chục năm nữa - Ảnh 2.

Thế giới "ăn" cát càng ngày càng khỏe

Bình quân mỗi ngôi nhà tại Mỹ sử dụng khoảng vài tấn đến 200 tấn cát để xây dựng nếu chia bình quân. Mỗi bệnh viện tại Mỹ cần khoảng 3000 tấn cát, còn 1 dặm đường (khoảng 1.610km) cần 45.000 tấn cát.

Thậm chí số liệu trên chẳng đáng bao nhiêu với con số khai thác thật. Các quan chức thường không liệt kê lượng cát khai thác trái phép trong thống kê cũng như việc sử dụng cát cho nhiều dự án ngoài xây dựng.

Trước đây, cát sỏi vốn là loại nguyên liệu tự nhiên được khai thác và sử dụng tại địa phương nhưng do nhiều nơi xây dựng quá đà cũng như lệnh cấm khai thác của nhiều vùng mà chúng trở thành loại hàng hóa nóng bỏng trên toàn cầu.

Số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy tổng giá trị thương mại cát sỏi trên thế giới đã tăng 6 lần trong 25 năm qua. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu cát cũng đạt 360% trong 30 năm qua và sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Phần lớn nhu cầu cát sẽ đến từ Trung Quốc, nơi có thị trường xây dựng bùng nổ mạnh.

Lợi nhuận quá lớn của cát đã sản sinh ra nhiều tệ nạn xã hội như tham nhũng, các băng đảng cát tặc. Sự phức tạp thậm chí đã khiến cho 1 nền kinh tế như Hong Kong phải ra quyết định độc quyền nhà nước trong khai thác cát từ đầu thập niên 1900 cho đến tận năm 1981.

Vì lý do này, bạn nên tranh thủ đi biển bởi những miền cát vàng sẽ chỉ còn tồn tại trong vài chục năm nữa - Ảnh 3.

Vùng hồ Poyang-Trung Quốc năm 1995, nơi khai thác 980.000 tấn cát/ngày, cao gấp 3 lần tổng số khai thác tại Mỹ

Vì lý do này, bạn nên tranh thủ đi biển bởi những miền cát vàng sẽ chỉ còn tồn tại trong vài chục năm nữa - Ảnh 4.

Và đây là hình ảnh của nó năm 2013.

Hiện nay, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam, Italy… vẫn tồn tại những băng nhóm cát tặc hoành hành khai thác trái phép, trong khi Singapore lại nhập khẩu đất cát số lượng lớn làm dự trữ chiến lược, gây ra hàng loạt các tranh cãi và phản ứng từ Indonesia, Malaysia và Campuchia.

Bất chấp những phản đối, nhu cầu cát vẫn ngày 1 tăng khi ngành công nghệ bùng nổ. Trong khi đó, mảng xây dựng cũng chẳng thể ngừng lại khi vào năm 2100, dân số thế giới sẽ tăng 47% và 2/3 dân cư sẽ sống tại thành phố, những nơi ngập tràn các công trình.

Hậu quả tai hại

Thông thường, những quốc gia nghèo phải khai thác trộm cát đem bán sẽ là nạn nhân trực tiếp của việc bới cát quá đà. Đường ven biển và ven sông sẽ bị xói mòn nghiêm trọng. Hiện tượng sạt lở sẽ diễn ra thường xuyên. Hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn và đi kèm với đó là những trận lũ không mong muốn.

Hàng loạt những loài cá, thủy sản tại các con sống và vùng biển đang chết dần vì hiện tượng khai thác cát quá đà. Người dân các vùng ven sông, ven biển thì chịu thiệt vì không đánh bắt được cá hoặc chịu các đợt lũ, sạt lở bất ngờ.

Thậm chí nghiên cứu của Water Intergrity Network cho thấy việc khai thác cát là 1 trong những nguyên nhân chủ chốt khiến Sri Lanka gặp trận sóng thần lịch sử năm 2004 từ vùng biển Ấn Độ Dương.

Tại vùng sông Mê Kông, khai thác cát đang làm giảm lượng phù sa đem về cho các khu vực trồng trọt, gián tiếp gây nên sự xói mòn đất đai và ảnh hưởng đến mùa vụ. Chúng cũng khiến tình trạng ngập mặn gia tăng, khiến người nông dân mất đất trồng trọt.

Hiện nay, khoảng 75-90% các bãi biển trên thế giới đang dần biến mất. Tại Indonesia, 24 hòn đảo đã hoàn toàn mất tích do hoạt động khai thác cát và sự dâng lên của mực nước biển. Đến năm 2100, vùng Maldives nổi tiếng sẽ không còn tồn tại. Tại bang Florida-Mỹ, khoảng 9/10 bãi biển sẽ hoàn toàn biến mất.

Trớ trêu thay, các chính phủ hiện chưa có giải pháp gì để ngăn chặn hiệu quả. Những loại nguyên liệu mới thay thế cho cát, xi măng, thủy tinh đã được phát minh, hệ thống tái chế cát cũng được nghiên cứu thành công nhưng chẳng mấy ai quan tâm vì lợi nhuận. Khai thác cát quá dễ và quá rẻ trong khi sử dụng nguyên liệu mới lại đắt, cát tái chế thì càng khỏi nói khi chúng cần chi phí xử lý lại. Hệ quả là cát tặc vẫn lộng hành, còn nạn nhân gánh chịu hậu quả chắc chắn không phải những nhà lãnh đạo đương nhiệm hiện nay.

Vì lý do này, bạn nên tranh thủ đi biển bởi những miền cát vàng sẽ chỉ còn tồn tại trong vài chục năm nữa - Ảnh 5.

Hãy nhớ những vùng biển đầy cát vàng này nhé, bạn sẽ chỉ còn được ngắm chúng qua ảnh trong vài chục năm tới thôi

AB

Cùng chuyên mục
XEM