Vị giáo sư trẻ tuổi và mong ước tìm ra liệu pháp chữa ung thư giá rẻ cho người Việt
Thứ ba do người bệnh có ý thức thăm khám kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn nên phát hiện cũng tốt hơn.
Một người Việt trẻ đầy tâm huyết
Anh Nguyễn Đăng Hùng là giáo sư y học tại đại học University of Central Florida, Hoa Kỳ. Anh là 1 trong các nhà khoa học trẻ gốc Việt được phong hàm giáo sư tại Mỹ.
Năm 2007, tốt nghiệp đại học Dược Hà Nội, anh Hùng được cấp học bổng học tiến sĩ ở Hàn Quốc. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Hàn Quốc, anh Hùng sang Mỹ và quyết định tham gia vào nghiên cứu các liệu pháp miễn dịch mới trong điều trị ung thư.
Anh Hùng chia sẻ từ khi còn đi học chứng kiến người bá ruột của mình bị ung thư vú, anh đã hiểu thế nào là nỗi đau mất người thân vì đại dịch ung thư. Đây chính là nguyên nhân góp phần nhen nhóm trong anh mong ước được nghiên cứu sâu về các liệu pháp điều trị ung thư để góp phần công sức của mình vào con đường dài của y học.
GS Nguyễn Đăng Hùng
GS Nguyễn Đăng Hùng đã xuất bản hơn 30 bài báo khoa học và hơn 40 posters. Anh đã giành được nhiều giải thưởng của Hiệp hội Huyết học Mỹ (American Society of Hematology), Hiệp hội Phát triển khoa học Mỹ (American Association for Advancement of Science), và bộ y tế Mỹ (NIH).
Anh làm phản biện cho nhiều tạp chí chuyên ngành uy tín như: Journal of Transplantation (SSN: 1600-6143), Frontiers in Immunology (ISSN, 1664-3224), Theranostics (ISSN: 1838-7640), Journal of Immunology Research and Therapy (ISSN: 2472-727X), Experimental Hematology & Oncology (ISSN 2162-3619), BMC Cancer (ISSN: 1471-2407).
Những ngày đầu sang Mỹ, vợ chồng anh trải qua rất nhiều gian khó. Anh ở trong lab nghiên cứu suốt ngày tới mức vợ anh vào viện sinh anh cũng không thể vào cùng vợ. Một câu chuyện "để đời" mà vợ anh vẫn hay nhắc lại, là lúc chị gọi điện nói anh về vì chị sắp sinh thì anh nói đợi thêm 1 chút để anh... tiêm nốt cho con chuột, vì nếu không sẽ lỡ mất thời gian. Nhưng đau đẻ thì đâu có chờ được nên chị đành đến viện 1 mình.
Tại Mỹ, anh Hùng bắt đầu nghiên cứu về vắc xin phòng chống ung thư tiền liệt tuyến sử dụng các tế bào tua đã được chỉnh sửa. Sau đó, anh lại chuyển sang nghiên cứu về tế bào gốc trong điều trị ung thư máu. Hiện tại lab anh đang nghiên cứu về liệu pháp truyền tế bào T - đặc hiệu, tế bào chimeric antigen receptor (CAR)-T, và các ức chế điều hòa ngược (Immune Checkpoint Blockade PD-1 và CTLA-4).
Mong muốn được đóng góp cho quê hương
Ba hướng nghiên cứu kể trên anh đã nghiên cứu từ 2-3 năm nay và đang có những kết quả đầu tiên. Anh Hùng cho biết có những cơ sở dữ liệu đầu tiên nhưng chưa công bố, mỗi hướng nghiên cứu xây dựng trong 10 năm, hướng nghiên cứu của anh không phải là để cho trước mắt mà là trong vòng 20 năm tới.
Liệu pháp miễn dịch trị ung thư đang được GS Hùng nghiên cứu bước đầu kết quả khả quan
“Một thuốc khi thử nghiệm thành công trên phòng thí nghiệm phải trải qua 4 quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt trên bệnh nhân từ quy mô nhỏ tới lớn để kiểm tra về hiệu quả cũng như độ an toàn trước khi ra thị trường.
Số thử nghiệm sử dụng liệu pháp điều trị miễn dịch trong điều trị ung thư miễn dịch đang đứng đầu bên Mỹ nên thành quả nghiên cứu của chúng tôi sẽ dễ dàng được chuyển hóa sang thử nghiệm trên lâm sàng. Tôi có kế hoạch thành lập các thử nghiệm bằng cách phối hợp với nhóm chuyên thử nghiệm thuốc của trung tâm và các đối tác cũng như công ty”- anh Hùng bộc bạch.
Sau 7 năm đến Mỹ, anh Hùng đã được cấp ngân sách chủ trì một phòng thí nghiệm. Trở về Việt Nam lần này, anh đang tuyển chọn 2 ứng viên tới Mỹ học sau tiến sĩ, học bổng sẽ do Phòng thí nghiệm do anh chủ trì cấp.
"Tôi đang mong muốn đưa các tiến sĩ Việt Nam tới Mỹ học sau tiến sĩ và nghiên cứu điều trị ung thư trong vòng từ 2-10 năm. Ngoài phòng thí nghiệm Hùng Nguyễn còn có các phòng thí nghiệm do các nhà khoa học y sinh gốc Việt khác hỗ trợ. Chúng tôi muốn đào tạo hệ thống nhân lực các bác sĩ thay vì chỉ đào tạo cho các bác sĩ về phương pháp điều trị.
Phương pháp thì có thể lạc hậu sau một thời gian, nhưng nếu có đủ hệ thống nhân lực thì sẽ luôn cập nhật được kỹ thuật y khoa mới để điều trị cho bệnh nhân Việt Nam" - Anh Hùng chia sẻ.
Song song với việc tuyển chọn bác sĩ từ Việt Nam sang Mỹ theo chương trình đào tạo, anh Hùng cho biết anh đang bắt đầu tìm kiếm sự hợp tác để xây dựng ngân hàng tế bào gốc cũng như áp dụng những phương pháp mới cho điều trị ung thư ở Việt Nam.
5 nguyên nhân ung thư tăng
GS Nguyễn Đăng Hùng cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ gia tăng của ung thư trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Vì ung thư có nguyên nhân do di truyền cũng như do yếu tố môi trường ngoại cảnh, những nguyên nhân sau có thể là nguyên nhân chính:
Thứ nhất do sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ: Thực phẩm không an toàn (có nhiều chất gây ung thư), thói quen sử dụng rượu bia, và thói quen sử dụng thực phẩm không khỏe mạnh (nhiều mỡ và thịt tối màu nhưng ít rau), môi trường không trong sạch.
Thứ hai các phương tiện chẩn đoán hiện đại và nhạy cảm hơn, các bác sỹ có chuyên môn cao hơn trong chẩn đoán ung thư.
Thứ ba do người bệnh có ý thức thăm khám kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn nên phát hiện cũng tốt hơn.
Thứ tư do tuổi thọ trung bình cao hơn, nhiều ung thư phơi nhiễm khi tuổi tăng cao (khoảng 77% tất cả các loại ung thư được phát hiện ở bệnh nhân ngoài 55 tuổi)
Thứ năm các bệnh của xã hội phát triển như là béo phì, đái đường, bệnh liên quan đến viêm nhiễm có thể là cơ chế phát sinh của nhiều loại ung thư.
Do vậy GS Hùng khuyến cáo khi cơ thể thấy mệt mỏi, suy nhược kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân, nổi hạch to trên cơ thể, đau mơ hồ và không giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường, ... mọi người nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm bệnh ung thư.