Venezuela: Thiên đường của đồng USD

11/01/2020 10:36 AM | Xã hội

Số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy lạm phát của Venezuela năm 2019 lên đến 6.567%. Một cốc cà phê tại đây chỉ có giá 450 Bolivare đầu năm thì vào cuối năm đã nhảy lên 30.000 Bolivare.

Với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong lịch sử, Venezuela đang phải gồng mình chống chọi với mức lạm phát siêu phi mã cũng như đà mất giá không phanh của đồng nội tệ. Tại quốc gia này, hàng đổi hàng hoặc giao dịch bằng đồng USD đã trở thành phương thức giao thương chính bởi đồng nội tệ mất giá quá nhanh.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là việc đồng USD tràn lan trên thị trường lại đang khiến mọi người gặp nguy hiểm hơn.

Thời kỳ của chợ đen

Với tỷ lệ lạm phát siêu phi mã và đồng nội tệ mất giá, đồng USD dần thay thế trở thành phương tiện thanh toán chính của người dân Venezuela. Tại chợ đen, giá 1 USD đổi được khoảng 60.000 Bolivare. Dẫu vậy điều trớ trêu là ngân hàng nước này không nhận tiền gửi bằng đồng USD theo luật định.

Hệ quả là người dân phải tự giữ những khoản tiền USD mà mình kiếm được trong những két sắt khổng lồ hay các ngóc ngách của ngôi nhà họ sống. Nhiều doanh nhân Veezuela cũng phải mang hàng nghìn USD, cao nhất là 9.900 USD để có thể qua cửa khẩu nước ngoài như Mỹ, sang các quốc gia khác làm ăn bởi họ không chấp nhận đồng Bolivares.

Cựu cục trưởng cục tư pháp Venezuela, ông Luis Godoy cho biết dù những đồng USD mà người dân giao dịch, vận chuyển hay cất giấu hiện nay hoàn toàn kiếm được hợp pháp nhờ công sức lao động chính đáng, nhưng họ lại phải che giấu như những kẻ rửa tiền.

Venezuela: Thiên đường của đồng USD - Ảnh 1.

Người dân đang phải giấu USD vì ngân hàng không nhận mở tài khoản cho đồng tiền này

Trong năm 2019, đồng Bolivare đã mất giá 99% so với đồng USD còn nền kinh tế thì chìm vào suy thoái tháng thứ 21 liên tiếp. Những lệnh cấm vận như cấm xuất khẩu dầu mỏ vào Mỹ hay hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế đang khiến tình hình tại Venezuela trở nên tồi tệ hơn. Số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy lạm phát của Venezuela năm 2019 lên đến 6.567%. Một cốc cà phê tại đây chỉ có giá 450 Bolivare đầu năm thì vào cuối năm đã nhảy lên 30.000 Bolivare.

Hiện tại, đồng Bolivare chỉ được dùng để chi trả cho một số mặt hàng được nhà nước trợ cấp như xăng dầu hay vé tàu điện ngầm, còn lại người dân chủ yếu dùng đồng USD, từ tiệm làm tóc, đồ uống, thực phẩm hay bất cứ thứ gì khác.

Venezuela: Thiên đường của đồng USD - Ảnh 2.

Anh Jose Gomez kinh doanh rượu bia ở thủ đô Caracas cho biết 70% doanh số của mình là bằng đồng USD. Tương tự, anh Juan Carlos chuyên kinh doanh hàng xa xỉ cũng chỉ nhận USD do phí khách hàng hầu như không chấp nhận đồng nội tệ. Hàng ngày, anh Juan phải chứa ít nhất 3.000 USD trong quầy hàng để thanh toán tiền lẻ cho khách.

"Cứ như chúng tôi đang quay lại thời thập niên 1920 vậy, khi mọi người phải giấu tiền mặt trong quầy hàng của mình", anh Juan ngán ngẩm nói.

Theo quy định, các ngân hàng tại Venezuela không được phép nhận tiền gửi hoặc tạo tài khoản bằng đồng USD. Dẫu vậy nhiều ngân hàng vẫn chấp nhận tạo những tài khoản ký gửi bằng đồng USD cho khách hàng nhưng thu phí 2% cho mỗi lần rút tiền.

Thiên đường trộm cướp

Khủng hoảng kinh tế và việc sử dụng quá nhiều tiền mặt khiến nạn trộm cướp ở Venezuela bùng phát dữ dội. Những vụ cướp giật, bắt cóc, bạo lực diễn ra ngày một nhiều trong khi các băng đảng vác súng đi trên xe máy soi mói những con mồi trên phố.

Vào tháng 12/2019, anh Andres Gutierrez bị cướp ngay trước cửa nhà sau khi đi chơi tối về. Chúng dí súng vào đầu anh và lột chiếc iPhone, nhưng chàng trai này đã điều đình để xin chuộc lại với giá 100 USD. Câu chuyện cũng dễ hiểu khi tiêu thụ iPhone bị trộm chẳng có lời bằng việc nhận ngay tiền mặt.

Venezuela: Thiên đường của đồng USD - Ảnh 3.

Các cửa hàng ở Venezuela giờ đây hầu như chỉ nhận đồng USD

"Nếu tôi không có tiền USD chắc đã chẳng chuộc lại được. Tôi không nghĩ rằng lũ cướp sẽ chấp nhận đồng Bolivare", anh Andres nói.

Với lượng tiền USD ngày càng được lưu thông nhiều trong xã hội, các băng đảng tại Venezuela càng có lý do để cướp bóc và hành động. Hậu quả là giờ đây người dân phải vất vả lo nghĩ xem họ sẽ vận chuyển và cất giữ tiền bạc của mình ra sao. Rất nhiều người đã phải mang vũ khí phòng thân hoặc đào các đường hầm để chôn tiền.

"Chính phủ đã bỏ qua cho việc sử dụng đồng USD tràn lan trong xã hội, nhưng chúng tôi đang phải sống trong cảnh lo sợ vì nạn cướp giật", anh Gomez nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM