Venezuela “chảy máu” toàn diện
Dân số Venezuela sụt giảm nhanh chóng giữa lúc hàng loạt công dân nước này tháo chạy vì thực phẩm và thuốc men cạn kiệt
Không tiền, không công việc ổn định nhưng sau khi từ Venezuela chạy tới Colombia hồi đầu tháng 7, người đàn ông gọi mình là Eduardo cũng bắt đầu có da có thịt, trở lại phong độ như lúc quê nhà chưa chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế . Ông không dám tiết lộ tên thật bởi vẫn đang là dân nhập cư bất hợp pháp.
Tìm đường thoát thân
Ở thị trấn quê nhà Barquisimeto - Venezuela, viên kỹ sư 44 tuổi nêu trên kiếm 18 USD/tháng, không đủ trang trải cuộc sống của bản thân và cậu con trai do lạm phát tăng vọt trong khi thực phẩm, thuốc men khan hiếm triền miên. Ông Eduardo cho biết từ khi tìm đường sang thủ đô Bogotá - Colombia, ông cũng chỉ làm mấy việc lặt vặt nhưng ít nhất vẫn có cái để ăn.
“Trở về Venezuela thì tất cả chúng tôi chẳng có gì ăn. Hầu hết gia đình ở Venezuela ngày nay đều hy vọng có thành viên nào đó tới được miền đất khác để gửi tiền về nhà” - ông Eduardo trải lòng với báo Financial Times (Anh).
Cùng cảnh ngộ, một nhân viên kế toán đồng hương với ông Eduardo đến Colombia cuối tuần qua và đang vật lộn để bám trụ dù “phải đứng ở góc đường suốt ngày bán bánh arepas (một loại bánh bắp phổ biến ở cả Colombia và Venezuela)”.
Theo một quan chức cấp cao của cơ quan di trú Colombia, số người Venezuela vượt biên sang Colombia, cả hợp pháp và bất hợp pháp, đang tăng mạnh. Trong 2 tháng qua, gần 300.000 người từ quốc gia từng là “thiên đường dầu mỏ” đã đổ sang biên giới Colombia để mua thực phẩm và thuốc men. Chính phủ Colombia ước tính một phần không nhỏ trong số đó không quay về.
Dòng di dân Venezuela, chủ yếu ở tầng lớp trung lưu trở lên, không chỉ đến Colombia mà còn chạy sang Tây Ban Nha và Panama. Ngay cả Guyana, một trong những nước nghèo nhất Mỹ Latin, cũng phải ráo riết trục xuất người Venezuela sang tìm thức ăn.
Khủng hoảng nhân đạo
Kể từ khi Tổng thống Hugo Chávez nắm quyền năm 1999, người dân Venezuela bắt đầu ra đi, ban đầu là những ông chủ dầu mỏ, kế đó là các doanh nhân muốn thoát khỏi tình trạng kiểm soát tiền tệ, rồi tới giới sinh viên tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Giờ đây, ngày càng nhiều người thuộc đủ tầng lớp liều mình chạy trốn điều mà giới quan sát gọi là “một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang định hình”. Những người ở lại phải đối mặt hằng ngày với tình trạng khan hiếm thực phẩm và thuốc men, tỉ lệ giết người gia tăng, lạm phát nhảy vọt…
Số người Venezuela xin tị nạn ở Mỹ tăng tới 168% kể từ năm ngoái, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ). Trong khi đó, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết số người Venezuela xin tị nạn nhảy vọt từ 127 người năm 2000 lên tới 10.300 người hồi năm ngoái. Giáo sư xã hội học Tomás Páez-Bravo thuộc Trường ĐH Trung tâm Venezuela cho biết khoảng 1,8 triệu người Venezuela đã rời bỏ đất nước trong 17 năm qua và làn sóng này diễn ra mạnh hơn trong những năm gần đây.
Thực trạng Venezuela hiện nay khiến sức ép lên Tổng thống Nicolas Maduro không ngừng gia tăng, trong đó có nỗ lực của phe đối lập nhằm tổ chức cuộc trưng cầu ý dân để lật đổ ông. Hãng tin Reuters hôm 22-8 dẫn lời lãnh đạo Đảng Xã hội cầm quyền Jorge Rodriguez cho biết ông Maduro đã ấn định thời hạn 48 giờ để 5 bộ trưởng sa thải những viên chức ủng hộ kiến nghị tiến hành cuộc trưng cầu ý dân nêu trên. Theo một số tổ chức nhân quyền và truyền thông địa phương, hàng trăm người phản ánh họ đã bị đuổi việc vì ký tên vào kiến nghị.
Mặt khác, trong nỗ lực xoa dịu dư luận, ông Maduro cam kết mở rộng chương trình chăm sóc y tế đến tất cả các bang vào đầu năm 2017. Chương trình “Misión Barrio Adentro” này do cố Tổng thống Chavez khởi xướng năm 2003 nhằm cung cấp dịch vụ y tế công cho các cộng đồng người nghèo trong nước.
Những kết quả khả quan ban đầu của chương trình trong việc giảm tỉ lệ chết non của trẻ em từng được Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF ghi nhận. Thế nhưng, những năm gần đây, hiệu quả của chương trình đi xuống khi hàng ngàn cơ sở y tế bị bỏ phế và các chuyên gia - chủ yếu từ Cuba - bỏ đi.