Vé khứ hồi 3 triệu nhưng vào phòng chờ thương gia tốn 2 triệu đồng, đây là cách vào miễn phí
Giá dịch vụ phòng chờ có thể thay đổi, tùy theo sân bay đi. Tuy nhiên, chi phí này đa số dao động từ 1-2 triệu đồng/lượt sử dụng trong hai đến ba giờ.
Vé máy bay, gồm cả bay quốc tế và nội địa, hiện được xem khá đắt so với trước đại dịch. Tuy nhiên, nếu chịu khó “săn vé” thì vẫn có cơ hội kiếm được vé khứ hồi khá hời. Chẳng hạn, vé khứ hồi chặng TP HCM - Bangkok (Thái Lan)/Kuala Lumpur (Malaysia) có thời điểm chỉ 1,6-3 triệu đồng - đã bao gồm thuế, phí.
Hiện tại, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, phòng chờ dịch vụ được chia thành hai hình thức: Phòng chờ cho khách bay hạng thương gia hoặc cho thẻ bay thường xuyên và Phòng chờ cho khách bay các hạng khác.
Theo đó, cách đầu tiên để tiết kiệm chi phí mua vé sử dụng dịch vụ phòng chờ là hành khách mua hạng vé bay thương gia, với các hãng hàng không có khai thác hạng đặt chỗ này. Vé bay hạng thương gia thường đắt gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 5, so với hạng vé thấp nhất.
Hoặc cố gắng bay nhiều, tích dặm để sở hữu các dòng thẻ khách hàng cao cấp cũng có cơ hội sử dụng miễn phí dịch vụ phòng chờ thương gia.
Về chi phí mua vé vào phòng chờ thương gia cho khách hàng không có vé bay hạng thương gia, mỗi phòng chờ sẽ có mức giá khác nhau. Tại Việt Nam, mức này phụ thuộc vào điểm khởi hành tại Tân Sơn Nhất (TP HCM) hay Nội Bài (Hà Nội) và bay quốc tế hay chặng nội địa.
Cụ thể, vé vào phòng chờ quốc nội Le Saigonnais (Tân Sơn Nhất, TP HCM) là 490.000 đồng nếu mua trực tiếp, còn 465.000 đồng cho mua trực tuyến. Còn Le Saigonnais tại Ga Quốc tế của Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất là 1 triệu đồng/lượt, giảm còn 945.000 đồng cho mua trực tuyến.
Tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, phòng chờ Sông Hồng Business Lounge tại Ga Quốc tế có giá 800.000 đồng. Và 450.000 đồng cho Sông Hồng Premium Lounge tại Ga Quốc nội của cảng hàng không này.
Còn tại các phòng chờ tại các sân bay bên ngoài Việt Nam, mức phí có thể cao hơn biểu giá bên trên. Chẳng hạn, một phòng chờ sân bay Munich (Đức) thu 54 EUR (khoảng 1,3 triệu đồng) cho mỗi người mỗi lượt. Còn tại sân bay Suvarnabhumi và Don Mueang (Bangkok, Thái Lan) vé vào phòng chờ quốc tế được bán khoảng hơn 1 triệu đồng/lượt…
Các mức giá này có thể còn thay đổi nếu hành khách mua từ hãng hàng không hoặc phòng chờ được sở hữu trực tiếp bởi hãng hàng không.
Chẳng hạn, Bamboo Airways sở hữu trực tiếp phòng chờ tại một số sân bay nội địa. Hãng này chủ động bán vé vào phòng, giá rẻ nhất là 280.000 đồng tại sân bay Điện Biên, các sân bay khác tại Hà Nội, Quy Nhơn, Côn Đảo, Phú Quốc… đa số là 350.000 đồng/lượt. Riêng tại TP HCM hãng bán vé vào phòng chờ Le Saigonnais, giá 425.000.
Bamboo Airways bán vé phòng chờ tại sân bay Narita (Nhật Bản) là 80 USD (khoảng 1,9 triệu đồng).
Hãng hàng không Emirates bán vé vào phòng chờ của họ tại nhiều quốc gia. Trong đó vé đắt nhất là 300 USD/lượt (khoảng 7,2 triệu đồng) tại Dubai. Các phòng chờ khác là 155 USD/lượt (xấp xỉ 3,7 triệu đồng).
Cách vào phòng chờ thương gia miễn phí
Bên cạnh hai cách thức ở trên, mua vé thương gia và tích dặm, chúng ta còn có hai cách để có thể vào phòng chờ thương gia miễn phí.
Cách thứ nhất, trở thành khách thân thiết của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Đa số các “ông lớn” viễn thông trong nước đều cho phép khách hàng thân thiết sử dụng dịch vụ phòng chờ thương gia tại một số sân bay trong nước. Chẳng hạn, chương trình Kết nối dài lâu của MobiFone miễn phí sử dụng không giới hạn phòng chờ Sông Hồng và Bông Sen (Nội Bài, Hà Nội) cho cả chuyến bay trong nước và quốc tế; áp dụng cho thẻ thành viên hạng Kim cương và Vàng.
Cách thứ hai, sở hữu một số loại thẻ tín dụng được thiết kế cho phép sử dụng phòng chờ sân bay miễn phí. Hiện tại, dòng thẻ này trở thành xu hướng và được nhiều ngân hàng tung ra thị trường. Mỗi dòng thẻ sẽ có ưu, nhược điểm riêng.
Tuy nhiên, đa số được chia thành hai dạng. Một là được sử dụng không giới hạn phòng chờ thương gia. Hai là có giới hạn lượt sử dụng phòng chờ thương gia. Tùy theo khả năng của bản thân mà người thường xuyên di chuyển có thể đưa ra lựa chọn riêng.
Chẳng hạn, TPBank có dòng thẻ TPBank Visa Signature, cho phép sử dụng hơn 1.100 phòng chờ sân bay trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, chủ thẻ này được sử dụng dịch vụ phòng chờ cho chuyến bay nội địa tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hoà). Tuy nhiên, chỉ được miễn phí hai lượt mỗi tháng. Các phòng chờ thuộc các sân bay trên thế giới, trong danh sách công bố trên website ngân hàng, được sử dụng miễn phí không giới hạn.
Đây là dòng thẻ cao cấp của ngân hàng này, phí thường niên lên đến 3 triệu đồng.
Loại thẻ giới hạn số lượt sử dụng đang phổ biến hơn trên thị trường thẻ tín dụng. Chẳng hạn, VIB có Mastercard Premier Boundless; trước đó được vào phòng chờ không giới hạn không điều kiện nhưng nay đã thay đổi điều kiện áp dụng. Ngân hàng Shinhan có Shinhan Travel Platinum.
Mới đây, ngân hàng HSBC Việt Nam hợp tác cùng Mastercard giới thiệu thẻ tín dụng HSBC TravelOne. Việt Nam là một trong những nhóm thị trường đầu tiên HSBC giới thiệu sản phẩm này.
Thẻ của HSBC cho phép sử dụng miễn phí phòng chờ sân bay đến 4 lần/năm cho thẻ chính, phí thường niên 1,5 triệu đồng/năm.
Dù sở hữu thẻ tín dụng nào, người sử dụng lượt miễn phí cần kiểm tra đúng phòng chờ trong danh sách được phép sử dụng vì một số sân bay có hơn hai phòng chờ. Sau đó xuất trình thẻ lên tàu bay (boarding pass), thẻ tín dụng hoặc ứng dụng phòng chờ trên di động.
Đồng thời, lưu ý và tự kiểm soát thời gian lưu lại phòng chờ. Nhân viên phòng chờ có thể “phạt” nếu hành khách ở quá thời gian quy định trong điều khoản sử dụng được công bố.