Về già, có 3 "thứ" cha mẹ càng "tiết kiệm" với con cái càng tốt: Yên tâm gia đình ấm êm, thịnh vượng
Ở tuổi xế chiều, người khôn ngoan sẽ "keo kiệt" với với con cái 3 điều này.
Là đấng sinh thành, cha mẹ luôn yêu thương và sẵn sàng làm những điều tốt nhất cho con cái. Ngay cả khi đã bước sang tuổi xế chiều, họ vẫn muốn để lại nhiều tiền bạc của cải để thế hệ sau bớt vất vả. Tuy nhiên, có câu dạy con cách câu cá, chứ đừng tặng cá cho con. Trong vấn đề này, cha mẹ chỉ nên hỗ trợ chứ không nên thay con cái lo toan vấn đề tài chính vì sẽ gây ra nhiều hệ lụy không đáng có.
Theo đó, những đứa con sống trong cảnh đủ đầy đôi khi không ý thức được sự vất vả của cha mẹ mà nảy sinh thói sống hoang phí, đua đòi. Việc họ không biết kiểm soát chi tiêu sẽ dễ kéo theo nhiều tai họa. Do đó, cha mẹ thương con nhưng đừng nên cho con cháu những khoản tiền cho những việc không thiết thực vì rất dễ làm hư con cháu.
Không những thế, việc được cha mẹ chu cấp, hỗ trợ tài chính sẽ khiến con cái không muốn lao động mà trở nên lười biếng, thui chột ý chí phấn đấu. Dần dần họ sẽ xem việc bố mẹ cho tiền mình là điều đương nhiên và đòi hỏi điều đó nếu không được đáp ứng. Thói quen sống dựa dẫm này sẽ khiến những đứa con này khi gặp khó khăn mà không còn có bố mẹ giúp đỡ sẽ khó tự lập và gặp nhiều thất bại khi đối mặt với sự khắc nghiệt của xã hội ngoài kia. Vậy mới thấy, cha mẹ quá nuông chiều, bảo bọc con cái quá mức cũng không tốt, nhất là ở phương diện tiền bạc.
Ngược lại, cha mẹ tập cho con cái thói quen tự lập từ khi còn nhỏ sẽ giúp con sớm trưởng thành, thấu hiểu được giá trị đồng tiền và giá trị của việc lao động. Từ đó, những đứa con sẽ biết nâng niu và tiết kiệm những đồng tiền kiếm được, đồng thời có thêm động lực, sự tự tin để kiếm tiền và kéo dài sự thịnh vượng của gia đình.
Bên cạnh đó, khi về già, thay vì để lại hết tiền bạc cho con cái, cha mẹ cũng nên “tiết kiệm” cho riêng mình, chuẩn bị cho mình một khoản tài chính thật vững chắc. Con cái khi lớn lên sẽ không thể luôn kề cận bên để chăm sóc. Lúc này, nếu chẳng may bạn đổ bệnh hay gặp chuyện cấp bách thì vẫn có thể tự lo liệu mà không cần đến con cái. Có như vậy, những năm tháng sau này, bạn mới đỡ muộn phiền, âu lo.
2. Sự thiên vị
Thiên vị trong gia đình đã và đang âm thầm diễn ra trong không ít gia đình theo nhiều cách thức và mức độ khác nhau. Điển hình nhất có lẽ là tình trạng cha mẹ thiên vị con cái hoặc tạo cảm giác cho con thấy rằng cha mẹ đang có sự thiên vị giữa các anh chị em trong nhà dù đôi khi, cha mẹ không thực sự thiên vị hay cố tình tỏ ra yêu thương một đứa con nào hơn. Tuy nhiên, điều này đã vô tình gây ra những mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm giữa các thế hệ, thậm chí nhiều người còn từ mặt nhau, không bao giờ nói chuyện nữa.
Vì vậy, trong mọi trường hợp, ngay cả khi đã già, cha mẹ cũng không nên thể hiện sự thiên vị trong lời nói cũng như hành động đối với bất cứ người con nào. Sự yêu thương, quan tâm đồng đều của cha mẹ với những đứa con của mình chính là “liều thuốc chữa lành”, giúp con cái phát triển lành mạnh. Vì chỉ khi mỗi đứa trẻ tin rằng mình được yêu thương thì chúng mới có thể yêu thương người khác, khi đó gia đình mới hòa thuận, khăng khít.
3. Nhà cửa
Không chỉ mỗi tiền bạc, cha mẹ khi về già cũng nên cân nhắc việc để lại nhà cửa cho con cái bởi điều này cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Đặc biệt, đây có thể là nguồn cơn khiến không ít trường hợp tình anh em trong nhà tan nát vì tranh giành tài sản của cha mẹ để lại. Nhiều người con vì lòng tham, bị vật chất chi phối rồi quên mất giá trị tình thân, gây ra mâu thuẫn trong gia đình. Tuổi xế chiều, nếu phải chứng kiến cảnh gia đình "tan đàn xẻ nghé", chắc hẳn chẳng có cha mẹ nào có thể yên lòng. Cũng vì thế mà những năm tháng cuối đời, họ chẳng thể có trọn vẹn sự yên vui.
Do đó, nếu có gia sản để lại cho thế hệ sau, bạn cũng nên tính toán kỹ lưỡng để tránh việc xảy ra tranh chấp trong nội bộ gia đình. Việc tiết lộ cho con cháu chuyện “thừa kế” quá sớm sẽ có những việc mà cha mẹ không lường trước được.
Thay vì hào phóng để lại cho con cái 3 điều trên, cha mẹ có tầm nhìn xa nên “tiết kiệm” của cải với con cháu và hào phóng để lại cho các con cái 2 loại "tài sản" khác là một trái tim biết ơn và thái độ sống tích cực, lạc quan. Điều này sẽ giúp con cái tích lũy sự thịnh vượng về sau, cũng là giúp bản thân có một tuổi già an nhàn, hạnh phúc.
(Tổng hợp)