Về đất rừng phương Nam thưởng thức tinh túy của muôn hoa

16/10/2023 10:41 AM | Sống

Mật ong rừng U Minh là một trong những đặc sản nổi tiếng mà bất cứ ai khi đến với đất rừng phương Nam cũng muốn mua một ít về làm quà.

Những ngày gần đây, truyền thông Việt rộn ràng trước thông tin bộ phim Đất rừng phương Nam ra rạp được dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình Đất phương Nam vào năm 1997.

Đất rừng phương Nam có rừng hoa tràm

 Đất rừng phương Nam, người ta tìm thấy hình ảnh người dân vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang - Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Trong Đất rừng phương Nam, người đọc sẽ thấy cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, những cánh đồng bát ngát mênh mông, sông nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú cùng với thú rừng hoang dã muôn loài. 

Trong những thú vị bất cứ ai đọc và xem thấy ở Đất rừng phương Nam, có lẽ người ta cũng phải ấn tượng với một trong rất nhiều đặc sản của nơi này, đó là mật ong rừng U Minh.

Về đất rừng phương Nam xem món quà "sứ giả bình minh" chắt chiu từ tinh túy của muôn hoa - Ảnh 1.

Ở đất rừng phương Nam, có quá nhiều thứ đặc sản khắc ghi dấu ấn của thiên nhiên nơi đây, mà đi dọc khắp đất nước chẳng tìm được hương vị ấy. Trong Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, người ta ấn tượng với những món ăn "đặc sệt" người miền Tây, quen thuộc tới mức "Con nít ở đây đều nếm mùi thịt rắn từ hồi còn trong bụng mẹ". Chẳng hạn như món cháo hổ đất nấu đậu xanh nước dừa, rắn nhóc rắn bông ướp xì dầu nướng chấm muối ớt, món long hổ hội (rắn hổ đất, mèo mun chưng thuốc bắc), rắn băm xào sả ớt, rắn nấu cà ri nước dừa,... Tuy vậy, phổ biến hơn cả vẫn là rắn rằn ri.

Ngay với rắn có nhiều món như một cuốn từ điển, còn với ong thì lại mang màu sắc thi ca và rất tình. Ở đoạn đi lấy mật trong Đất rừng phương Nam, nhà văn Đoàn Giỏi có miêu tả thế này: "Buổi sáng, đất rừng thật là yên tĩnh. Trời không gió, nhưng không khí vẫn mát lạnh. Cái lành lạnh của hơi nước sông ngòi, mương rạch, của đất ẩm và dưỡng khí thảo mộc thở ra từ bình minh. Ánh sáng trong vặt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như là nó bao qua một lớp thủy tinh". 

Chỉ với vài câu chữ ấy thôi, người ta cũng tưởng tượng ra được rừng tràm thơm nức mùi hoa, tinh khiết trong sương sớm - thứ tinh túy mà ong cần mẫn mang về làm mật. Thứ mật ong tinh túy được chắt chiu từ những chùm hoa tràm la đà trên cành lá.

Về đất rừng phương Nam xem món quà "sứ giả bình minh" chắt chiu từ tinh túy của muôn hoa - Ảnh 2.

Ở miệt rừng U Minh, người ta đi ăn ong dùng cách gác kèo ong mà chỉ người kỳ cựu nuôi ong ở vùng đất này mới làm. Ong ở rừng U Minh được mệnh danh là "sứ giả của mình minh" - theo cách gọi của nhà văn Đoàn Giỏi và để tìm được đường ong làm tổ không hề dễ.

Rừng mênh mông, biết bao là cây, mỗi cây lại biết bao nhiêu nhánh, đâu phải bạ chỗ nào nó cũng gửi mật. Mùa xuân tràm kết nhiều hoa, thợ ăn ong mới định chỗ gác kèo. Người ta phải xem hướng gió, tính trước đường bay của ong mật. Chỗ nào ấm, cây dày, không bị ngọn gió thốc thẳng vào và ít khi có dấu chân người thì ong tụ lại.

Kèo chính là những nhánh tràm, chỗ ong tụ chính là chỗ có nhiều kèo kín nhưng lại có nhiều bóng nắng, ong không thích ở chỗ rợp. Ở những nơi này, mật sẽ chua và dễ bị ẩm. Thợ ăn ong gác những chiếc kèo lên cây tràm, chặt bớt những nhánh nhỏ để khi lấy mật khỏi vướng. Kèo chặt vào khoảng giữa tháng Mười Một - khi ấy những cơn mưa muộn sẽ rửa hết mùi dao rựa chặt vào cành cây và chúng đủ thời gian khô đi. Cành nào còn mùi sắt thì ong chúa không đóng tổ.

Về đất rừng phương Nam xem món quà "sứ giả bình minh" chắt chiu từ tinh túy của muôn hoa - Ảnh 3.

Ảnh: Mia.vn

Đến gần tổ ong, người thợ đứng phía trên hướng gió, từ từ hun khói gần tổ ong, sau khi "ong vỡ tổ" bay tán loạn thì gỡ mật. Người La Mã xưa kia nuôi ong trong những cái tổ bằng đồng hình chiếc vại, người Ai Cập nuôi ong trong những chiếc tổ bằng sành hình ống dài xếp chồng lên nhau và đặt trên bãi cỏ,... Nhưng chẳng có xứ nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như rừng U Minh cả. Để lấy được những gùi mật được chắt chiu từ bóng nắng và hoa tràm, người ăn ong cũng phải mất nhiều công sức. Bởi vậy, cho đến bây giờ, đây là thứ đặc sản mà bất cứ ai khi đến với đất rừng phương Nam đều muốn mua về làm quà.

Mật ong rừng U Minh vàng cam trong suốt, đặc quánh, vị ngọt thanh dịu, thơm phảng phất mùi hoa tràm no bóng nắng, khiến người ta nếm thử một lần thì chẳng bao giờ quên được.

Những tảng mật ong đầy dinh dưỡng

Mật ong rừng tràm U Minh Hạ của Cà Mau từ lâu đã là một đặc sản nổi tiếng và quý hiếm. Chúng không chỉ chứa nhiều dinh dưỡng, thơm ngon mà còn là vị thuốc bồi bổ sức khỏe. Chẳng có mật ong nơi nào lại đậm đà mùi hoa tràm đến thế, từ màu cam sáng trong suốt, để lâu năm mật sẽ se đậm lại nhưng không đổi màu, không bị đọng đường, không biến chất.

Về đất rừng phương Nam xem món quà "sứ giả bình minh" chắt chiu từ tinh túy của muôn hoa - Ảnh 4.

Ảnh: thamhiemmekong

Theo những người kỳ cựu theo đuổi nghề gác ong, nếu ong chỉ chuyên cần hút nhụy hoa tràm, mật sẽ có màu cam ngả hơi đỏ. Ở khu U Minh hạ, ong có thể hút nhụy của nhiều loài cây nên màu mật vàng óng. Những nơi trồng keo lai, mật ong cũng sẽ có xu hướng đỏ nhẹ nhưng càng để lâu màu sẽ càng sậm. Dù có mang màu đậm hay nhạt thì chất lượng vẫn là tuyệt hảo. Với sự đặc biệt và quý hiếm như vậy, mật ong rừng U Minh đã lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020 - 2021) do Vietkings tổ chức.

Qua những áng văn của nhà văn Đoàn Giỏi, ta cũng đã phần nào hình dung được cách ăn ong lấy mật như thế nào. Sau này, với nhiều năm kinh nghiệm đi gác ong, người ta hình thành nghề gác kèo ong, tìm những chỗ đẹp để dẫn mồi ong về làm tổ. Làm như vậy giúp người dân thu hoạch được nhiều mật hơn. Đây cũng là một nghề ăn nên làm ra một thời ở rừng U Minh. 

Về đất rừng phương Nam xem món quà "sứ giả bình minh" chắt chiu từ tinh túy của muôn hoa - Ảnh 5.

Mật ong hoa tràm rừng U Minh trong và vàng cam sóng sánh. Những giọt mật được chắt chiu từ mùa hoa tràm nở rộ (từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau), cũng là mùa cho mật ong chất lượng nhất. Mật ong ở đây thu hoạch bằng phương pháp thủ công nên cũng giữ được nguyên vị ngọt tự nhiên và hoàn toàn nguyên chất. 

Mật ong hảo hạng rừng U Minh vốn từ lâu đã được nhiều người ưa thích. Mật ong rừng U Minh vị đầu ngọt hơi gắt, đọng lại hậu vị ngọt hơi hơi chát của hoa tràm. Mật ong này thu hoạch thủ công, không qua quá trình xử lý độ ẩm, vắt thủ công nên đôi khi còn lẫn ít phấn hoa và sáp ong. Đây cũng là lý do loại mật này nhiều bọt và khí ga hơn thông thường.

Nếu có dịp đến Đất Mũi, nhất định phải mua mật ong làm quà. Không chỉ mật ong, tổ ong khi thu hoạch còn linh hoạt tận dụng nhiều thứ khác như ong non có thể làm gỏi, tàng ong non có thể mang chấm mật, chiên bột,... Chính vì chất lượng tuyệt hảo như vậy mà mật ong rừng U Minh đã được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là nhãn hiệu tập thể vào cuối năm 2011. Đồng thời, nhiều công ty du lịch cũng tổ chức các tour trải nghiệm thưởng thức tàng ong và mật ong rừng U Minh khi vào mùa.


Theo Kỳ Vân Dương

Cùng chuyên mục
XEM