Vất vả gây dựng Kinh Đô từ 3 chỉ vàng, anh em doanh nhân Trần Kim Thành gây sốc khi "bán đứa con tinh thần" và cái kết khiến ai cũng bất ngờ
Năm 2015, Kinh Đô bán lại mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International trong một thương vụ trị giá gần 10.000 tỷ đồng. Quyết định này đã gây nhiều tiếc nuối với những người yêu mến thương hiệu.
Ở Việt Nam, mỗi khi nhắc đến bánh kẹo thì không thể không nhắc đến thương hiệu Kinh Đô. Đây chính là "gương mặt thân quen" với mọi gia đình, gắn bó thân thiết với tuổi thơ ngọt ngào của rất nhiều thế hệ.
Đứng sau thành công của thương hiệu này chính là anh em doanh nhân người Việt gốc Hoa Trần Kim Thành. Ông đã dày công gây dựng và đưa Kinh Đô lọt vào top những thương hiệu mạnh Việt Nam trước khi quyết định "bán con" cho doanh nghiệp ngoại vào năm 2015.
Ít ai biết, đế chế bánh kẹo Kinh Đô lừng lẫy được doanh nhân Trần Kim Thành gây dựng nên từ 'nguồn vốn' chỉ vỏn vẹn có 3 chỉ vàng và một lò bánh mì tư nhân. Không chỉ thế, câu chuyện khởi nghiệp của ông với 'đứa con' của mình cũng là một hành trình dài nhiều thách thức đáng để học hỏi.
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống sản xuất bánh kẹo nhưng mong ước ngày bé của 'vua bánh kẹo Việt' Trần Kim Thành là tìm tòi, khám phá lĩnh vực khoa học thay vì trở thành doanh nhân.
Vào đại học, ông theo học ngành vật lý để tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ đó. Tuy nhiên, tính cách ưa thích sự thử thách đã thúc đẩy người đàn ông này rẽ hướng và dấn thân vào con đường kinh doanh.
Để theo đuổi tham vọng của mình, ông đã tìm mọi cách để thuyết phục gia đình cho ra ngoài kinh doanh nhưng không được tán thành. Bởi vậy, mỗi lần muốn làm việc riêng thì ông phải lo chu toàn việc trong nhà mới được đi.
Tại thời điểm đó, ông cùng với người anh em Kao Siêu Lực (CEO ABC Bakery) đi bán bột mì, nhưng sau một thời gian thì bị thua lỗ.
Sau thất bại đó, với 3 chỉ vàng dành dụm trong tay, ông Thành tự xây lò, thử nghiệm làm bánh nhiều lần rồi nhờ người đánh giá và góp ý. Ông thử và sửa sai liên tục trong 6 tháng để hoàn thiện sản phẩm.
Cũng nhờ sự kiên trì và bền bỉ đó, ông đã có đơn hàng 3 kg bánh đầu tiên. Khi công xưởng đã dần ổn định, ông Thành cùng em trai đi tìm đầu ra, phân phối cho bốn đại lý lớn, thân quen ở miền Tây và sau đó tìm đến những nhà phân phối khác để mở rộng khắp Việt Nam.
Doanh nhân Trần Kim Thành. Ảnh: Internet
Tiếp nối sự thành công có được, năm 1993, ông Thành chính thức sáng lập công ty xây dựng và chế biến thực phẩm Kinh Đô. Khi đó chỉ Kinh Đô chỉ là 1 phân xưởng nhỏ tại Phú Lâm, Quận 6 với vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng.
Không chỉ làm bánh, công ty còn lấn sân sang làm snack và nhanh chóng đánh bật sản phẩm snack của Thái Lan ra khỏi thị trường, sau đó dần thâm nhập vào thị trường bánh cookie, cracker, bánh trung thu,...
Đến năm 1998, bắt nhịp cùng ngành hàng bánh kẹo sôi động, Kinh Đô chính thức gia nhập thị trường với sản phẩm bánh trung thu. Có thể nói đây là sản phẩm mang tính bước ngoặt trong chặng đường phát triển của Kinh Đô bởi nếu ở ngành hàng bánh kẹo, Kinh Đô chỉ chiếm hơn 30% thị phần thì với riêng sản phẩm bánh trung thu, thời điểm đỉnh cao Kinh Đô hoàn toàn chiếm lĩnh với hơn 70% thị phần tại Việt Nam.
Năm 2002, Kinh Đô chính thức chuyển thể từ công ty TNHH sang hình thức Công ty Cổ Phần Kinh Đô với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Năm 2003, Kinh Đô mua lại thương hiệu kem Wall’s từ tập đoàn Unilever và thành lập Công ty cổ phần kem KIDO, chính thức dấn thân vào ngành hàng đông lạnh.
Đến năm 2004, khi phất lên từ việc kinh doanh bánh kẹo, ông Thành cùng em trai lấy lợi nhuận thành lập CTCP địa ốc Kinh Đô và CTCP Kinh Đô Bình Dương, đồng thời đưa cổ phiếu NKD của Kinh Đô Miền Bắc lên niêm yết trên sàn chứng khoán.
Biểu tượng của Kinh Đô là hình vương miện màu đỏ. Khởi nguồn là một công ty gia đình, hiện nay, Kinh Đô đã được biết tới là một trong những doanh nghiệp M&A tiêu biểu. Chưa hết, bằng việc đầu tư chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đa dạng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, thương hiệu bánh kẹo này đã “bám rễ” sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt và 'xưng vương' trên thị trường. Thậm chí, cứ hễ nhắc đến bánh kẹo là nhắc đến Kinh Đô.
Thế nhưng, một sự kiện lớn vào năm cuối năm 2014 đã khiến cục diện này thay đổi.
Đầu năm 2014, Kinh Đô vẫn được mệnh danh là một ông hoàng trong ngành bánh kẹo Việt Nam. Nhưng kể từ tháng 10/2014, đế chế này chính thức “chia tay” mảng bánh kẹo, vốn được coi là “linh hồn” của công ty, khi bán tới 80% cổ phần cho tập đoàn Mondelez International với giá 370 triệu USD (7.846 tỷ đồng) và tiếp tục bán nốt 20% cổ phần vào tháng 7/2015.
Sau khi thương vụ hoàn tất, phía Mondelēz International đã đổi tên thương hiệu Kinh Đô thành Mondelez Kinh Đô. Còn Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO vào tháng 10/2015.
Chấp nhận từ bỏ “ngôi vương” ngành bánh kẹo, từ bỏ “ngôi vương” mùa trung thu là nước đi được đánh giá là táo bạo của hai anh em Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên, khiến giới tài chính bất ngờ và không khỏi tiếc nuối. Thế nhưng động thái này lại thể hiện quyết tâm chuyển đổi lĩnh vực của KIDO, chính thức gia nhập vào ngành hàng thực phẩm và gia vị có quy mô 193.500 tỷ đồng.
Nói về quyết định mang tính cách mạng trên, Chủ tịch Trần Kim Thành giải thích rằng dù đang dẫn đầu thị trường trong nước ở ngành hàng bánh kẹo nhưng Kido nhận thấy ngành hàng này hiện không còn nhiều cơ hội phát triển như những năm đầu mới thành lập công ty, nên đã tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số ngành hàng khác theo chiến lược "thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu (Food & Flavor).
Ông chia sẻ: "Tôi chủ động rao bán chứ không phải bị thâu tóm. Tôi không hài lòng với lợi nhuận 6.000 tỷ, mà phải 20.000-30.000 tỷ. Nhưng tôi đã 60 tuổi rồi, với kinh nghiệm đã có của mình, chỉ dừng ở 6.000 tỷ thôi. Phải M&A để tăng lợi nhuận. Hy vọng đến năm 2017 các bạn sẽ thấy rõ kết quả của sự chuyển mình này như thế nào".
Nói về việc tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành hàng thực phẩm và gia vị, theo ông Trần Lệ Nguyên - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, là bởi KIDO có thể tận dụng được hệ thống kênh phân phối dày đặc hiện có trên khắp cả nước. Đây là lợi thế lớn nhất giúp công ty nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên, hai năm sau khi bán mảng bánh kẹo, Kido có những lúc lâm vào cảnh khó khăn, chông chênh khi lợi nhuận giảm sút bởi các ngành nghề mới chưa đem lại hiệu quả. Công ty phải gấp rút tìm kiếm các kênh đầu tư mới từ ngân hàng, chứng khoán, cho đến ngành hàng thực phẩm thiết yếu để bù đắp sự thiếu hụt nhưng cũng không thực sự thành công. May mắn thay, mảng kem và dầu ăn khá phát triển giúp đóng góp hơn 90% vào cơ cấu doanh thu của tập đoàn.
Khi những bước tiến mới của KIDO không thực sự gây được tiếng vang lớn, nhiều người vẫn nhắc đến thương vụ ''bán con'' của ''vua bánh kẹo Việt'' với sự tiếc nuối và hy vọng về việc Kido quay lại mảng bánh kẹo.
Quả đúng như kỳ vọng, nhân duyên giữa Kido với ngành bánh kẹo chưa bao giờ chấm dứt khi công ty "vẫn lấy và bán giùm" bánh trung thu của Mondelez Kinh Đô vì các đối tác thân thiết tìm đến.
Chưa hết, nhờ nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều cổ đông, nhà đầu tư, người tiêu dùng nên KIDO quyết định quay lại ngành bánh trung thu ngay năm 2020, khi mà thời điểm cam kết 5 năm không được tham gia thị trường bánh kẹo giữa Kido và đối tác ngoại hết hiệu lực.
Lần trở lại này, Kido sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu bánh trung thu Kingdom nhằm mục tiêu đánh trúng mùa tiêu thụ bánh kẹo sôi động nhất năm. Đây cũng được xem là kế hoạch khôn ngoan khi tận dụng "dư âm cũ" để giới thiệu thương hiệu mới tới người dùng.
Bên cạnh đó, khi thị trường bánh kẹo đã có nhiều thay đổi, KIDO cũng đổi mới, chọn những sản phẩm có nhu cầu lớn, không đi theo hướng đại trà như trước đây. Cụ thể, bên cạnh các dòng bánh khô, Kido đẩy mạnh hơn các sản phẩm bánh tươi vì mức độ cạnh tranh trên thị trường của loại bánh này chưa gay gắt. Hơn nữa, các sản phẩm ngoại nhập cũng khó cạnh tranh do hàng tươi không thể vận chuyển xa, dài ngày.
KIDO trở lại với thị trường bánh kẹo. Ảnh: Internet
Thay vì tung ra các dòng sản phẩm truyền thống thông thường, công ty chọn cách đưa ra các dòng mới, hướng tới nhóm khách hàng cao cấp, sành điệu. Trong lần trở lại này, hãng cho ra mắt 3 nhóm sản phẩm bánh mì hoa cúc, bánh trân châu lava trứng muối và bánh chà bông xốt Singapore.
Trước đó, theo lãnh đạo Kido, với những kế hoạch đổi mới của mình, KIDO kỳ vọng có thể trở thành doanh nghiệp bánh kẹo lớn thứ 2 của ngành, chỉ sau Mondelez Kinh Đô.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 doanh thu thuần của Kido vẫn đạt 7.444 tỉ đồng, hoàn thành 65% kế hoạch năm và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 480 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 488 tỉ đồng, tăng mạnh 92% so với cùng kỳ năm trước.
(Tổng hợp)