Vào địa hạt hữu cơ, bà chủ TH lại “đòi” luật chơi minh bạch
Như việc đấu tranh để có được hai chữ “minh bạch” cho thị trường sữa trước đây, nay, bước chân vào địa hạt nông nghiệp hữu cơ, điều đầu tiên bà Thái Hương đề nghị Chính phủ vẫn là một luật chơi rõ ràng thông qua các bộ quy chuẩn sản phẩm.
Diễn đàn quốc tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển và hội nhập diễn ra ngày 16/12/2017 là sự kiện có ý nghĩa “súng lệnh” cho xu hướng nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam.
Trước sự hiện diện của Thủ tướng và hơn 400 quan khách trong nước và quốc tế, không cầu kỳ, lễ tân, bà Thái Hương đi thẳng vào vấn đề: “Chính phủ đang yêu cầu sự liêm chính, công bằng, minh bạch. Sản xuất theo quy chuẩn quốc gia, làm rõ các tiêu chí sản xuất chính là sự minh bạch, liêm chính nhất. Đó là việc làm rõ thông tin hàng hóa từ nguồn gốc để người tiêu dùng lựa chọn”.
Nữ doanh nhân dạn dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, được bình chọn vào Top 50 doanh nhân quyền lực Châu Á lý giải: “Bản chất của một nền kinh tế là sản xuất hàng hóa, muốn một nền kinh tế phát triển bền vững, có sức mạnh thì sức mạnh hàng hóa là nền tảng. Do đó, qua diễn đàn này, đề xuất của tôi là cần công bằng, minh bạch trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hữu cơ”.
Theo bà, sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là tạo văn hóa, văn minh trong nông nghiệp- bởi theo đúng định nghĩa về hữu cơ được các chuyên gia viện dẫn: “là hệ thống sản xuất bền vững cho sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Sản xuất hữu cơ kết hợp truyền thống, đổi mới và khoa học để có lợi cho môi trường chung, nâng cao chất lượng sống” (phát biểu của bà Jenifer Chang- Phó Chủ tịch IFOAM quốc tế). Với bà Thái Hương, sự văn minh của sản xuất hữu cơ chính là “vì sức khỏe cộng đồng”- trong đó đặc biệt là sức khỏe của nông dân, chủ trang trại và người tiêu dùng.
Vườn gấc hữu cơ nguyên liệu sản xuất ra nước uống thảo dược TH true Herbal
Nông nghiệp hữu cơ là lĩnh vực mới, nhân văn nhưng nhiều khó khăn, đòi hỏi sự kỳ công, cống hiến. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đề nghị những hỗ trợ về khoa học công nghệ, tài chính, hạ tầng… để phát triển.
Nhưng bằng những trải nghiệm trong sản xuất hữu cơ, bà Thái Hương cho rằng, khó khăn lớn nhất một doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam chính là “Sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới doanh nghiệp tranh nhanh nhau nói, đưa lên truyền hình để quảng cáo bán sản phẩm “khoác áo” hữu cơ, kết quả là sản phẩm rất đắt đỏ”.
Phát biểu này làm người ta nhớ ngay tới thời điểm bà bắt đầu gây dựng TH true MILK năm 2009. Lúc đó, thị trường sữa dạng lỏng hầu hết là sữa bột nhập khẩu pha thành sữa nước, sữa tươi và sữa bột lẫn lộn, nhập nhằng. Bằng một chữ “tươi sạch” bắt nguồn từ niềm kiêu hãnh từ hệ thống trang trại đẳng cấp nhất thế giới tại Nghệ An, bà đã làm “nóng mặt” các hãng sữa trong nước.
Đàn bò organic của Tập đoàn TH
Trang trại bò sữa hữu cơ của TH cũng đã được tổ chức Chứng nhận Quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu. TH hiện đang sở hữu đàn bò sữa hữu cơ là 1.000 con với 328 ha đồng cỏ/ngô hữu cơ tại tỉnh Nghệ An và đã cho ra mắt sản phẩm TH true MILK organic.
Rồi bà là doanh nghiệp duy nhất dám lên tiếng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế sửa quy chuẩn sữa dạng lỏng. Trong đó, kiến nghị quan trọng nhất là không dùng khái niệm “sữa tiệt trùng” để gọi sữa dạng lỏng làm từ sữa bột pha lại khiến cho người tiêu dùng không thể phân biệt, nhầm lẫn với sữa tươi.
Quay trở lại với đề xuất quy chuẩn cho sản phẩm hữu cơ nêu trên, nữ doanh nhân từng trải này vẫn tự răn mình và những người cùng chí hướng: “Cuối cùng sự cam kết của doanh nghiệp vẫn là quan trọng nhất. Hãy để cho doanh nghiệp tự đăng ký làm sản phẩm gì. Nhà nước không cầm tay chỉ việc mà thực hiện việc giám sát. Bộ tiêu chí, quy chuẩn sẽ là căn cứ để giám sát người sản xuất hữu cơ thực hiện. Đơn vị giám sát còn là các hiệp hội và người tiêu dùng”.
Bà cũng chia sẻ thẳng thắn: ‘Làm hữu cơ rất khó. Không phải đưa một con bò hữu cơ về là làm được hữu cơ. Môi trường xung quanh phải sạch, nguồn đất, nguồn nước sạch, toàn đàn và chuồng trại cũng phải sạch. Không thể chỉ nuôi vài con để làm thương hiệu, điều đó không được”.
“Từ thực tế sản xuất, tôi thấy nếu sản xuất có tiêu chuẩn, có chứng nhận minh bạch thì cũng không phải xuất khẩu, chỉ cần bán trong nước đã ‘cháy’ hàng. Tôi bán rau hữu cơ, sữa hữu cơ tại Việt Nam lúc nào cũng cháy hàng. Chúng tôi phải chia sữa, chia rau cho các đại lý” – Chủ tịch Tập đoàn TH nói.