Xin lạc đề một chút.
Cũng tầm này năm ngoái, Văn Toàn tạo ra một cú sốc nho nhỏ cho giới truyền thông khi anh ghi bàn vào lưới U22 Macau và… tốc áo lên, để lộ dòng chữ “Đừng buồn nhé TN!!”. Gọi là sốc, bởi cho đến thời điểm ấy, anh chàng quê Hải Dương này được mặc định bẽn lẽn, kín tiếng, thậm chí là nhút nhát. Công khai tên… viết tắt của một nhân vật được cho là bạn gái, chắc hẳn phải dũng mãnh vô song, Toàn mới dám làm.
Đấy cũng là lần duy nhất Văn Toàn cố ý để người ta phải nhắc đến mình. Thường thì tên anh chỉ xuất hiện trên bảng tỉ số, trong những thống kê về đi bóng, chuyền bóng, hoặc cùng lắm là được các HLV đối thủ đánh dấu vào cuốn cẩm nang kèm người.
Văn Toàn là cặp bài trùng với Công Phượng từ nhỏ. Nhưng nếu “đường showbiz” của Phượng được giới truyền thông dọn sẵn thì dường như với Toàn, sức hấp dẫn của anh không đủ lớn để người ta bằng mọi giá thổi lên. Cũng nhờ thế, Văn Toàn được sống những ngày êm ả, toàn tâm toàn ý mà chơi bóng, đúng với tính cách của anh.
Nhắc lại chuyện này để thấy việc Toàn đột nhiên hiện ra với tóc bạch kim trước Asiad 18 là cả một quyết định “liều mình” đến thế nào. Hỏi, thì Toàn trả lời rằng anh muốn thay đổi bản thân. Đúng là lúc ấy, Toàn có quá nhiều thứ không hài lòng với chính mình. Anh từng có trong tay tất cả, nhưng lại đang đứng trước nguy cơ rơi vãi và mai một, chính bởi sự tĩnh lặng, lững lờ…
Toàn sống không hề tẻ nhạt. Nhưng anh lành và thuần quá. Cuộc sống vốn đa dạng và phức tạp đã đành, ngay trong bóng đá cũng không thể cứ chân phương mà thành tài được. Ở HAGL hay trên các cấp độ tuyển Việt Nam, Văn Toàn chưa bao giờ bị loại, nhưng chính anh cũng chẳng biết mình đánh mất vị thế “kép chính” tự khi nào…
Văn Toàn từng là một cái gạch nối quan trọng giữa hai triều đại Miura và Hữu Thắng. Trong giai đoạn đầu tiên mới nắm quyền, ông Thắng dùng Văn Toàn như một động cơ chạy cánh siêu hạng, vừa biết tạo cơ hội vừa chăm chỉ ghi bàn. Lúc ấy, Văn Toàn, chứ không phải Công Phượng, mới là người sát cánh cùng đàn anh Công Vinh ở tuyến đầu.
Nhưng Hữu Thắng dần dần đánh mất niềm tin ở Văn Toàn, vì những áp lực thành tích khiến ông dùng thường xuyên hơn các cầu thủ giàu kinh nghiệm. Và ở CLB, trong bối cảnh những ngôi sao sáng nhất xuất ngoại, Văn Toàn buộc phải cáng đáng cả một đội bóng non nớt và thiếu nhiều thứ để tồn tại ở sân chơi đầy sỏi đá như V.League. Nhiệm vụ này quá nặng nề so với tuổi của Toàn.
Như một người “lao lực”, Văn Toàn chìm dần trong nỗi thống khổ của HAGL. Anh trải qua chuỗi 24 trận tịt ngòi của mùa giải 2017, dù là tiền đạo đầu tàu. Nó làm hằn lên một vết rất sâu trong sự tự tin và tự tôn – thứ cần nhất ở một chân sút. Nó làm biến dạng đi một Văn Toàn mà người ta từng thấy ở độ tuổi U19: nhanh nhẹn, lắt léo và nhảy múa cùng quả bóng. Văn Toàn ở tuổi mấp mé 22 bỗng cùn mòn, tù túng và thiếu ý tưởng đến ngạc nhiên.
Ngay sau đấy là một vệt sáng mờ ở Thường Châu. Giải đấu với U23 Việt Nam là kỳ tích, nhưng với cá nhân Văn Toàn, nó chỉ đơn thuần là một dịp đánh trống ghi tên. Anh xuất hiện nhạt nhoà (tổng cộng 114 phút, chủ yếu từ băng ghế dự bị). Trong xúc cảm dồn nén của một người không bao giờ ngừng đòi hỏi ở bản thân mình, như thế là thất bại!
Thất bại thì phải đổi thay. Toàn nhuộm tóc, như tất cả chúng ta đều thấy.
Nhưng mái tóc thì không làm nên được ngôi sao.
Văn Toàn, dù đã hao hao một minh tinh Hàn Quốc, vẫn cứ ngồi dự bị dưới tay một ông thầy Hàn Quốc thứ thiệt. Triền miên và mòn mỏi. Anh vẫn vui cười, đùa giỡn cùng đồng đội ở giải giao hữu tại Mỹ Đình hay những trận đầu tiên trên đất Indonesia, nhưng nhìn vào mắt Văn Toàn, không khó để nhận thấy cả một bầu trời khát khao mà chứa chan buồn tủi.
Ông Park Hang-seo, dĩ nhiên là cảm nhận được đến chân tơ kẽ tóc. Nếu ông dùng Công Phượng giống một nét bút lông, khi thanh khi đậm, thì với Văn Toàn, ông chọn cách “gò” anh lại bằng một chữ Nhẫn thật dài.
Người ta ngợi khen Park Hang-seo vì nhiều thứ, trong đó có thuật đắc nhân tâm. Không dễ để một công thần thất sủng lại đang bức bối như Văn Toàn giữ được trạng thái cân bằng khi phần lớn quỹ thời gian đá giải sắm vai người ngoài cuộc. Nhưng ông thầy “ngủ gật” rõ ràng là rất tỉnh.
Ông không bao giờ để Văn Toàn có cảm giác như một người thừa. Một trận đá chính trước đối thủ này, vài phút vào sân trước đối thủ kia, ông tạo cho Toàn niềm tin rằng anh vẫn là một thứ vũ khí đặc biệt. Đúng, đích thực là đặc biệt, vì chỉ được mang ra dùng ở những thời điểm khó khăn.
Hơn ai hết, ông Park hiểu Văn Toàn lợi hại đến mức nào khi được tung vào tàn phá hàng thủ đối phương bắt đầu rệu rã. Ông khai thác những bước rút đường của anh, nhưng khai thác một cách dè xẻn và đúng chỗ.
Chỗ của Văn Toàn là ở những trận knocked-out, nơi chỉ một nhịp nhanh hơn đối thủ đã có thể tách phân thành bại và khiến kẻ ở người về. Anh đã làm điều đó trước Olympic Bahrain, với một cú căng ngang gián tiếp tạo cơ hội để Công Phượng hoá người hùng. Và anh lại một lần nữa làm điều đó trước Olympic Syria, để bản thân mình đi vào lịch sử.
Buổi tối hôm qua, Anh Đức thiếu một chút may mắn nên bóng tìm đến xà ngang, nhưng đấy lại cũng là cách vị thần công bằng mỉm cười với Văn Toàn. Bao nhiêu đợi chờ, thất vọng và kìm hãm đã bị ném lại phía sau đôi cánh giăng ngang và ánh mắt như thắp lửa. Một sự đáp đền xứng đáng cho nỗ lực, quyết tâm và cả sự nhẫn nại âm ỉ cháy suốt những tháng ngày dài.
Bây giờ thì mái đầu chất nghệ đã sáng lên đúng màu của nó. Văn Toàn chủ động thay đổi bản thân, nhưng ông Park Hang-seo mới là người thay đổi số phận cho anh.
Trí Thức Trẻ