Vẫn nghỉ việc dù thưởng Tết 30 triệu

26/12/2024 08:30 AM | Sống

Đằng sau sự lựa chọn nghỉ việc dứt khoát vào cuối năm của những nhân sự này là gì?

Cứ đến cuối năm, những vấn đề xoay quanh thưởng Tết lại được thảo luận rôm rả. Thưởng Tết được xem là một trong những lý do quan trọng níu giữ nhân sự với công việc cũ, đặc biệt ở thời điểm cuối năm khi nhiều người cần dùng nó để trang trải cho các chi phí sinh hoạt và mua sắm mùa lễ hội. Tuy nhiên, có nhiều dân văn phòng chấp nhận bỏ đi khoản thưởng Tết này để nhanh chóng sang môi trường mới. Đằng sau lựa chọn "dứt áo ra đi" dứt khoát này của họ là những tính toán gì?

Bỏ thưởng Tết 30 triệu nhưng không thấy lỗ

Nguyễn Quỳnh (SN 1992, Hà Nội) có ngày làm việc cuối cùng ở công ty cũ vào ngày 30/11 vừa qua. Cô chia sẻ lý do lớn nhất đi đến quyết định này là vì tìm thấy cơ hội làm việc tốt hơn và môi trường ở công ty cũ không còn phù hợp với định hướng cá nhân.

Nguyễn Quỳnh làm việc trong mảng biên phiên dịch và trợ lý cá nhân. Thời điểm nộp đơn xin nghỉ việc trước Tết Nguyên đán thì cô cũng chấp nhận mất đi khoản thưởng Tết và tiền thưởng cuối năm là khoảng 30 triệu đồng.

"Thời điểm này, mình vừa nhận việc ở công ty mới và họ cần mình đi làm việc ngay", Nguyễn Quỳnh nói. Cô cũng cho biết, công ty mới có mức lương cao gấp rưỡi ở công ty cũ, cũng như chế độ phúc lợi tốt hơn. Dù vẫn còn đắn đo với tiền thưởng Tết cuối năm nhưng Nguyễn Quỳnh vẫn chọn dứt khoát rời đi vì không muốn đánh mất cơ hội tốt trong sự nghiệp.

Vẫn nghỉ việc dù thưởng Tết 30 triệu- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

"Nhảy việc là nắm bắt cơ hội và mình buộc phải hy sinh một vài thứ khác. Mình cũng đắn đo khá nhiều khi chọn nghỉ việc cuối năm, vì điều này đồng nghĩa với mất tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc thì mình thấy tiền thưởng quan trọng

Nhưng không có nó thì tài chính của mình cũng không bấp bênh. Trong khi đó, nếu mình trì hoãn thêm một thời gian thì sẽ làm hồ sơ già thêm một tuổi. Ngoài ra, nếu mình tìm việc cuối năm thì sẽ có nhiều cơ hội hơn, chứ đợi sau Tết thì khả năng là sự cạnh tranh trong thị trường lao động ngày càng gay gắt

Ở khía cạnh khác, về công ty cũ, mình nghĩ nếu cố chấp làm việc ở nơi đã quá nhàm chán thì không chỉ đánh mất thời gian và cơ hội, mà còn gia tăng stress. Sau khi cân nhắc các yếu tố trên thì mình thấy chi phí cơ hội bỏ ra để từ chối mức thưởng cuối năm là xứng đáng" , Nguyễn Quỳnh chia sẻ.

Nhìn chung, dù còn tiếc nuối vì phải bỏ khoản tiền thưởng Tết 30 triệu nhưng Nguyễn Quỳnh cho hay cô vẫn không thấy mình bị lỗ. Bởi lẽ, cô coi số tiền thưởng không được nhận là để tri ân công ty cũ. Vì dù hiện tại Nguyễn Quỳnh không còn thích môi trường làm việc nhưng cô đã gắn bó với công ty này được hơn 6 năm, nên vẫn còn nhiều tình cảm với nơi đây.

Bỏ thưởng Tết để tránh mang tiếng xấu

Hoàng (SN 1995, trưởng phòng phát triển sản phẩm ở Hà Nội) chia sẻ anh đã nghỉ việc vào cuối tháng 10 để chuyển sang công ty mới với mức lương 35-40 triệu/tháng - thu nhập cao gấp rưỡi ở công ty cũ, có lộ trình thăng tiến rõ ràng.

Hoàng nhớ lại từ trước thời điểm nghỉ việc khoảng nửa năm, anh đã tìm kiếm cơ hội mới và luôn sẵn sàng nhảy việc, bất chấp có thể mất tiền thưởng Tết là 1 tháng lương. Thời điểm nghỉ việc, mặc dù tiếc thưởng Tết là công sức một năm bỏ ra nhưng anh cho rằng đó là quyết định đúng đắn. Bởi anh không muốn bỏ lỡ cơ hội tìm được việc làm mới tốt hơn.

"Khi nghỉ việc, mình cân nhắc những yếu tố sau: Công ty mới có đưa ra nhiều yêu cầu khó khăn hơn không? Loại hình hợp đồng như thế nào? Lộ trình thăng tiến mà cấp trên đưa ra? Tình hình kinh doanh của công ty trong vài năm trở lại đây?.... Sau khi cân nhắc những yếu tố này, mình thấy 1 tháng lương thưởng Tết bỏ ra đủ để mình chấp nhận rủi ro để nghỉ việc. Mình nghỉ việc vì biết bản thân đã chán với công ty cũ rồi. Mình hiểu điều gì sẽ chờ đợi bản thân sau khi nhận được thưởng Tết và cơ hội nào sẽ vẫy gọi", Hoàng chia sẻ về những cân nhắc của anh khi lựa chọn nghỉ việc vào dịp cuối năm.

Ngoài ra, một trong những lý do quan trọng nhất khiến Hoàng chọn nghỉ việc cuối năm vì không muốn mang tiếng vừa nhận được thưởng Tết đã chuyển sang công ty khác. Anh cho biết thêm: "Môi trường ngành khá hẹp khiến mình không muốn bị mang tiếng vừa nhận thưởng Tết đã nghỉ việc. Điều này có thể làm hồ sơ của mình xấu đi, cũng như gia tăng rủi ro đánh mất một vài mối quan hệ với đồng nghiệp cũ".

Vẫn nghỉ việc dù thưởng Tết 30 triệu- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Chuẩn bị tài chính thế nào cho nhảy việc?

Khi chọn nhảy việc vào cuối năm, nhân sự không chỉ đối mặt với việc mất khoản tiền thưởng Tết mà còn phải cân nhắc về các kế hoạch tài chính do sự thay đổi môi trường làm việc có thể ảnh hưởng đến tổng thu nhập nhận được.

Nguyễn Quỳnh chia sẻ đằng sau quyết định nhảy việc dứt khoát là vì cô nàng không cần đến khoản thưởng Tết mới đủ chi tiêu. Khi cân nhắc nghỉ việc, cô đã tham khảo ý kiến của chồng về tình hình tài chính của gia đình và nhận được sự ủng hộ từ đối phương.

"Dù công việc mới nhận được có mức lương cao hơn so với vị trí cũ nhưng mình vẫn phải trải qua thời gian thử việc. Nói cách khác, nếu chuyển sang làm ở công ty mới thì tổng thu nhập trước Tết vẫn thấp hơn thu nhập mà mình nhận được nếu còn làm ở công ty cũ. Cuối năm là thời điểm cần chi tiêu nhiều, vì có Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, việc chi tiêu cuối năm của gia đình mình đã đủ nên không cần quá phân vân về quyết định nhảy việc. Còn với những bạn khác, mình nghĩ là nên có sự chuẩn bị tài chính đủ cho chi tiêu cuối năm và dịp Tết, đặc biệt là với những người đã kết hôn", Nguyễn Quỳnh nhắn nhủ.

Trong khi đó, Hoàng chia sẻ anh cũng đã chuẩn bị đủ tiền sinh hoạt cho ít nhất nửa năm nghỉ việc. Công việc mới cũng cho anh một khoản vừa đủ để lo lắng cho chi tiêu cá nhân.

"Một trong những đắn đo khi nhảy việc của mình là tiêu tiền vào ngày Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do đã tìm được công việc mới với có mức lương cao hơn nên mình không quá lo lắng về chi tiêu Tết. Còn về kế hoạch tài chính khi nghỉ việc, mình luôn chuẩn bị ít nhất là nửa năm chi phí sinh hoạt. Vì giờ mình đã trưởng thành, độc lập tài chính nên không thể về xin tiền bố mẹ trang trải quãng thời gian thất nghiệp được. Thời điểm nghỉ việc không quan trọng, quan trọng là bạn đánh giá công việc mới có triển vọng hay không và bản thân có thể chịu được rủi ro về tài chính khi quyết định chuyển sang vị trí mới", Hoàng bày tỏ.

Theo Vân Anh

Cùng chuyên mục
XEM