Vận động hành lang: Thị trường tỷ USD đầy tranh cãi

05/10/2020 13:06 PM | Xã hội

Nghiên cứu của The Sunlight Foundation với hơn 14 triệu hồ sơ trong khoảng 2007-2012 cho thấy cứ mỗi 1 USD chi cho vận động hành lang và quyên góp cho tranh cử, doanh nghiệp sẽ thu về 760 USD lợi nhuận nhờ các chính sách có lợi từ chính phủ.

Vận động hành lang (Lobbying) là một trong những ngành lâu đời nhất tại Mỹ và cũng gây nhiều tranh cãi nhất. Năm 2019, khoảng 12.000 chuyên gia vận động hành lang đã giúp các khách hàng "tiêu" tới 3,5 tỷ USD cho các chính sách tại Mỹ. Thị trường này có sự tham gia của vô số tổ chức, đoàn thể cũng như liên quan đến lợi ích của rất nhiều người trong xã hội.

Nghiên cứu của The Sunlight Foundation với hơn 14 triệu hồ sơ trong khoảng 2007-2012 cho thấy cứ mỗi 1 USD chi cho vận động hành lang và quyên góp cho tranh cử, doanh nghiệp sẽ thu về 760 USD lợi nhuận nhờ các chính sách có lợi từ chính phủ.

Vận động hành lang: Thị trường tỷ USD đầy tranh cãi - Ảnh 1.

Số nhà vận động hành lang tại Mỹ

Năm 2019, các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Facebook, Google hay Apple đã chi tới hơn 50 triệu USD cho vận động hành lang.

Đối với cộng đồng, nhiều người chỉ trích rằng vận động hành lang không hợp pháp và chúng khiến nạn tham nhũng, hối lộ trở thành công khai, qua đó khiến chính phủ ra những quyết định có lợi cho doanh nghiệp hơn là người dân. Trái ngược lại, phe ủng hộ cho rằng nếu không có kiến thức và tiềm lực tài chính của vận động hành lang, các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể làm việc hiệu quả.

Vậy sự thực là gì?

Ngành nghề gây tranh cãi

Vận động hành lang là một trong những yếu tố ảnh hưởng chính đến các chính sách của Mỹ nhưng nhiều người vẫn còn khá mù mờ về nó.

"Tôi nghĩ rằng nhiều người vẫn bị hiểu nhầm về nghề vận động hành lang như kiểu chúng tôi cầm túi tiền đi loanh quanh, kêu gọi mọi người bỏ phiếu cho cái này hoặc chống lại chính sách kia, thế nhưng điều đó không chính xác", Chuyên gia vận động hành lang Marcie Mc Swane của Tập đoàn The McSwane nhấn mạnh.

Vận động hành lang: Thị trường tỷ USD đầy tranh cãi - Ảnh 2.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần những thông tin chính xác về tình hình thực tế để có thể đưa ra các quy định hợp lý nhất. Bởi vậy họ sẽ cần những chuyên gia trong những ngành nghề liên quan cũng như cần tài chính cho các chương trình khảo sát. Đây là lúc những chuyên gia vận động hành lang vào cuộc.

Điều gây tranh cãi ở đây là không có quy định hay một cơ chế giám sát nào với thị trường vận động hàng lang. Hệ quả là nhiều chính sách được đưa ra nhằm có lợi cho các tập đoàn lớn ở Mỹ. Những liên hiệp, tổ chức súng đạn, dược phẩm, ngân hàng, hàng không… đều có những đội ngũ vận động hàng lang vô cùng mạnh tại Mỹ. Nhờ đó mà rất nhiều vụ bê bối về súng, giá thuốc quá cao, ngân hàng vỡ nợ hay rơi máy bay nhưng các công ty vẫn tồn tại được tại nền kinh tế số 1 thế giới.

Quay ngược dòng lịch sử, nghề vận động hàng lang tại Mỹ xuất hiện từ thời Hiến pháp của nước này được tạo ra vào năm 1787. Với mục đích không làm cho một cá nhân, tổ chức hay tầng lớp nào nắm giữ quá nhiều quyền lực, những nhà vận động hành lang xuất hiện để bảo vệ quyền lợi cho từng nhóm mà họ đại diện.

Vận động hành lang: Thị trường tỷ USD đầy tranh cãi - Ảnh 3.

Tiền chi cho vận động hành lang cao gần gấp đôi ngân sách cho Nghị viện Mỹ

Nước Mỹ vốn nổi tiếng là quốc gia tự do với những nhóm người và tầng lớp khác nhau từ nhiều dân tộc. Bởi vậy họ cần những nhà vận động hành lang để có thể đề nghị chính phủ nên ra những quy định nào và nên chống lại chính sách gì nhằm bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng.

Năm 2019, khoảng 12.170 điều khoản, quy định, chính sách đã được Nghị viện Mỹ thông qua và hàng nghìn dự án luật khác đã bị bác bỏ hoặc xóa sổ. Tất cả những động thái này đều có sự tham gia của những nhà vận động hành lang.

Tranh luận, tiệc tùng và quyên góp

Trên thực tế, những nhà vận động hành lang sẽ xây dựng mạng lưới quan hệ trong Nghị viện, chính phủ cũng như cộng đồng. Công việc chính của họ là đi tranh luận, thuyết phục, tổ chức các bữa tiệc xã giao, quyên góp nhằm đảm bảo lợi ích của thân chủ được giữ vững.

Số lượng nghị sĩ tại Mỹ là có hạn và họ không có đủ thời gian để tìm kiếm những giải pháp tốt nhất cho một vấn đề. Họ cũng không phải toàn trí toàn năng để hiểu hết các lĩnh vực. Chúng ta có thể thấy rõ qua những câu hỏi kém hiểu biết về công nghệ của một vài Nghị sĩ trong cuộc điều trần với nhà sáng lập Mark Zuckerberg của Facebook.

Vận động hành lang: Thị trường tỷ USD đầy tranh cãi - Ảnh 4.

Tiền cho vận động hành lang quý I/2020 (triệu USD)

Bởi vậy, những nhà vận động hành lang cho rằng họ nên tham gia vào quá trình hoạch định chính sách bởi chỉ có họ mới đủ kiến thức chuyên môn trợ giúp các nghị sĩ, thay vì để những đại biểu này ra quyết định mà không hiểu mình đang bỏ phiếu cho cái gì.

Như đã nói ở trên, khoảng 3,5 tỷ USD Mỹ đã được chi cho vận động hành lang tại Mỹ, cao gần gấp đôi so với ngân sách của Nghị viện nước này là 2,16 tỷ USD. Các tập đoàn là những người chi nhiều nhất cho vận động hành lang tại Mỹ. Trong số 100 tổ chức vận động hành lang lớn nhất Mỹ, khoảng 95% là đại diện cho những tập đoàn, liên hiệp hoặc các ngành lớn.

Trước năm 1970, hầu hết các doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa liên quan nhiều đến vận động hành lang hoặc các quyết sách của chính phủ. Chính công đoàn hoặc những tổ chức phi chính phủ mới là khách hàng chính của thị trường này.

Thế nhưng khi doanh nghiệp nhận ra vận động hành lang có thể đem lại lợi thế lớn với sự bùng nổ của toàn cầu hóa. Các tập đoàn đã tích cực đổ tiền vào đây với những bữa tiệc sang trọng, rượu và thức ăn hạng sang cùng những cuộc họp kín.

Tình hình nghiêm trọng đến mức vào năm 2006-2007, chính phủ Mỹ phải ban hành các quy định nhằm siết chặt quản lý vận động hành lang. Các quan chức bị giới hạn số quà có thể được nhận để không bị liệt vào tội tham nhũng và các cựu quan chức cũng bị giới hạn khi muốn trở thành nhà vận động hành lang khi nghỉ hưu. Một nghiên cứu cho thấy có đến 60% nghị sĩ hoặc ứng cử viên nghị sĩ trở thành nhà vận động hành lang nhờ các mối quan hệ mà họ có được.

Vận động hành lang: Thị trường tỷ USD đầy tranh cãi - Ảnh 5.

Những ngành chi vận động hàng lang nhiều nhất (triệu USD) nhận nhiều trợ giúp trong dịch Covid-19 (tỷ USD)

Dẫu vậy, Mỹ vẫn chưa có một cơ chế hay cơ quan hành pháp nào kiểm tra, giám sát vận động hành lang. Mọi quy định công khai đều dựa trên sự tự nguyện. Số vụ vi phạm quy định vận động hành lang bị chế tài cho đến nay tại Mỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Nếu một nghị sĩ nào nói với bạn họ không biết các nhà vận động hành lang quyên góp bao nhiêu tiền cho chiến dịch tranh cử của họ thì đó là một lời nói dối", Cựu chuyên gia vận động hành lang Jimmy Williams cười nói.

Phần lớn những công ty tham gia vận động hành lang đều quyên góp cho các chiến dịch tranh cử của nghị sĩ tại Mỹ. Ví dụ trong đợt bầu cử năm 2016, những doanh nghiệp Phố Wall đã đóng góp hơn 2 tỷ USD cho các chiến dịch tranh cử.

Năm 2020 có lẽ là một năm bận rộn cho vận động hành lang khi cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ lại bắt đầu. Riêng trong quý I/2020, khoảng 937,9 triệu USD đã được chi cho vận động hành lang, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Những ngành như y tế, hàng không, nông nghiệp là chi mạnh tay nhất và họ cũng nhận được nhiều khoản trợ cấp nhất từ chính phủ trong dịch Covid-19.

AB

Cùng chuyên mục
XEM