Vải thiều Việt Nam được nhiều quốc gia "mê tít": Xuất khẩu hàng nghìn tấn, giá bán có thể lên tới 550k/kg
Dù trong khó khăn của bệnh dịch, vải thiều Việt Nam vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao tại các thị trường khó tính trên thế giới.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đang hoành hành và Bắc Giang là 1 trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng dịch lần thứ 4 thế nhưng năm nay vẫn là một năm với những tín hiệu đáng mừng đối với người nông dân trồng vải thiều tại Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng. Dự kiến trong mùa vải năm nay, sản lượng quả vải trên cả nước sẽ đạt khoảng 340.000 tấn, tăng khoảng 30.000 tấn so với năm 2020. Trong đó, hai địa phương trồng vải lớn nhất cả nước (gồm Bắc Giang và Hải Dương) cũng cho ra năng suất cao.
Cụ thể, Bắc Giang có 28.000 ha vải thiều, sản lượng ước tính đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với năm trước. Còn tại Hải Dương, dự kiến 9.168 ha vải thiều sẽ cho sản lượng 55.000 tấn vải quả.
Một mùa vải thiều bội thu cho người nông dân. Nguồn: Báo Chính Phủ
Tuy nhiên, để người dân có niềm vui trọn vẹn thì sản lượng cao chưa bao giờ là đủ mà còn phải giải quyết một bài toán nan giải - bài toán tiêu thụ. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc thu hoạch cũng như tiêu thụ vải của bà con gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại khu vực "tâm dịch" Bắc Giang. Điều này khiến nhiều người lo lắng và cho rằng cần chung tay "giải cứu" vải thiều.
Thế nhưng, trên thực tế, việc kêu gọi "giải cứu" này có phải là hành động cần thiết? Ngay khi vừa xuất hiện những tin tức "giải cứu", những chiếc xe ô tô "giải cứu" vải thiều Bắc Giang tại những thành phố lớn trên cả nước, UBND tỉnh Bắc Giang đã phải ban hành công văn đề nghị không dùng từ "giải cứu" đối với đặc sản này của địa phương. Thậm chí, UBND còn cho biết, việc kêu gọi này có thể ảnh hưởng tới giá của các mặt hàng nông sản của tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và thu nhập của người nông dân.
Xe "giải cứu" vải thiều Bắc Giang (Ảnh: Báo Lao động)
Chưa một người nông dân trồng vải nào than vãn về vấn đề tiêu thụ. Hàng ngàn tấn vải mỗi ngày vẫn được tiêu thụ với giá thành vẫn luôn được giữ ở mức cao và ổn định. Những trái vải tươi đỏ ngọt lịm giữa tâm dịch đúng là đã gặp phải khó khăn nhất định khi tiêu thụ, nhưng chúng chỉ cần sự hỗ trợ của người dân chứ chưa cần "giải cứu".
Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, việc xuất khẩu vải thiều ngày càng được mở rộng tại các thị trường trong và ngoài khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Singapore ... và mới gần đây nhất, vải Thanh Hà (Hải Dương) đã thành công gia nhập là thị trường Thái Lan.
Vải thiều Việt Nam cực đắt giá tại Nhật, có thể lên tới 550.000 đồng/kg
Tại Nhật, vải thiều Hải Dương đang được bán với giá từ 350.000 - 500.000 đồng/kg. Vải thiều Tân Yên - Bắc Giang cũng đã lên kệ siêu thị Nhật Bản với giá bán tương đương. Không chỉ ở các siêu thị mà trên các gian hàng trực tuyến, vải thiều Việt Nam cũng được bày bán với giá 7.800 yên cho 3kg, tương đương gần 550.000 đồng/kg.
Vải thiều Bắc Giang được bày bán trên các gian hàng trực tuyến của Nhật (Nguồn: Báo Bắc Giang)
Dù có giá thành khá "chát" nhưng một số lượng lớn vải đã được tiêu thụ và gần như luôn trong tình trạng "cháy hàng" đã chứng tỏ sự yêu thích của người dân xứ mặt trời mọc đối với loại trái cây nhiệt đới này.
Ngay trong ngày đầu tiên lên kệ (27/05), 20 tấn vải thiều Bắc Giang đã nhanh chóng được tiêu thụ. Tính đến ngày 04/06, sản lượng vải Bắc Giang tiêu thụ đã lên đến 70 tấn. Dự kiến mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu sẽ xuất khoảng 2.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản, trong đó Bắc Giang và Hải Dương mỗi địa phương là 1.000 tấn.
Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị Nhật Bản (Ảnh: Vietnamnet)
Tuy nhiên, để có thể đưa hàng ngàn tấn vải thiều từ "tâm dịch" đến một thị trường khó tính như Nhật Bản mà vẫn đảm bảo được chất lượng, giữ được giá thành cao không phải là một hành trình dễ dàng.
Có thể nói đến quá trình vận chuyển vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản vào cuối tháng 05 vừa qua. Tất cả vải thiều xuất khẩu đều được xử lý bằng Methyl Bromide. Sau khi đã xử lý xong được vận chuyển bằng dòng tàu bay có thân rộng, trang bị hiện đại và sức tải lớn nhất trong đội bay của Vietnam Airlines nhằm đảm bảo hiệu quả vận tải hàng tươi sống ở mức độ cao nhất.
Vải thiều được tập kết tại kho hàng không (Ảnh:VNA)
Hơn nữa, các chuyến bay vận chuyển vải này còn phải tuân theo những tiêu chuẩn phòng chống dịch bệnh hết sức chặt chẽ để ngăn ngừa ảnh hưởng của COVID-19, như khử khuẩn tàu bay sau mỗi chuyến bay, phi hành đoàn, nhân viên hàng hóa đều trang bị bảo hộ y tế khi tác nghiệp.
Chinh phục thị trường Singapore đầy khắt khe
Không chỉ ở Nhật, vải thiều Việt Nam còn chinh phục một thị trường không kém phần "khó tính" là Singapore. Dự kiến, từ nay đến hết mùa vải, mỗi tuần Singapore sẽ tiêu thụ ít nhất 1 container 40 feet, dự kiến đến cuối tháng 7, khối lượng xuất khẩu có thể lên đến 100 tấn.
Bộ Công Thương vừa công bố, năm nay, giá vải u hồng của Việt Nam tại thị trường Singapore cao hơn năm trước, từ mức giá 105.000 đồng/kg trong tuần đầu khuyến mãi sẽ được nâng lên mức khoảng 120.000 đồng/kg trong những tuần tiếp theo.
Vải thiều Thanh Hà bày bán tại Singapore (Ảnh: Báo Chính phủ)
Trong các hộp vải U hồng Thanh Hà lên kệ siêu thị ở Singapore có một chi tiết khá đặc biệt là đều có tem truy xuất nguồn gốc của Vietrade do Cục Xúc tiến thương mại phát triển để hỗ trợ bà con nông dân, nhà xuất khẩu áp dụng.
Bên trong tem truy xuất nguồn gốc này có đầy đủ thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, xử lý kiểm dịch, kiểm tra chất lượng sản phẩm cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Với tem truy xuất này giúp người tiêu dùng Singapore yên tâm về nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chính nhờ sự chất lượng của sản phẩm cũng như hợp lý của giá thành mà vải thiều Việt Nam đã nhận được sự yêu thích và tin tưởng từ những khách hàng khó tính thị trường Singapore.
Trung Quốc - thị trường tiêu thụ vải lớn nhất của Việt Nam
Trung Quốc từ trước tới nay vẫn luôn là một thị trường lớn tiêu thụ vải thiều Việt Nam. Đến 02/06, tỉnh Bắc Giang đã xuất khẩu trên 9.000 tấn vải thiều sang Trung Quốc, mỗi ngày trên 1.000 tấn vải thiều được xuất đi qua cửa khẩu biên giới.
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho biết: Mùa vải thiều 2021, tỉnh Bắc Giang đặt kế hoạch phấn đấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 47.000 tấn quả tươi.
Thương lái Trung Quốc được tạo điều kiện nhập cảnh (Ảnh: KH&PT)
Cùng với đó, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Thọ cho biết, hiện tình hình xuất khẩu quả vải qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn rất thuận lợi. Giá bán vải thiều sớm tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc dao động 20 - 25 nhân dân tệ/kg (tương đương 72.000 - 90.000 đồng/kg).
Tại Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc (khu vực tiếp giáp tỉnh Lào Cai), giá bán vải thiều sớm Bắc Giang dao động 22 - 30 nhân dân tệ (72.000 - 108.000 đồng/kg).
Đối với tình hình tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang, đến hết ngày 24/05, tổng sản lượng tiêu thụ vải ước đạt 3.716 tấn, giá bình quân 20.000 - 27.000 đồng/kg, có nơi 35.000 đồng/kg.
Cùng với đó, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vải với thị trường Trung Quốc, UBND tỉnh Bắc Giang đã đồng ý cho phép 190 thương nhân vào thu mua vải theo phương án tỉnh đề xuất. Tỉnh Bắc Giang sẵn sàng đón thương nhân Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu về tổ chức cách ly theo quy định và nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. UBND huyện Lục Ngạn còn có phương án chuẩn bị 8 khách sạn, nhà nghỉ để đón các thương nhân Trung Quốc đến mua vải cách ly phòng dịch Covid-19.
Thái Lan và vươn xa hơn thế nữa
Bên cạnh những thị trường quen thuộc thì năm nay vải thiều Hải Dương đã xuất khẩu sang một thị trường mới - Thái Lan.
Được biết, mới đây, vào ngày 5/6, công ty cổ phần Ameii Việt Nam đã xuất khẩu 10 tấn vải thiều tươi sang Thái Lan bằng đường biển. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã xuất khẩu 1 tấn vải thiều tươi sang Thái Lan bằng đường hàng không. Đây là lần đầu tiên vải thiều Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan.
Dự kiến, mỗi tuần công ty sẽ xuất khẩu khoảng 20 tấn vải thiều tươi để cung cấp cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng tại Thái Lan.
Vài Thanh Hà (Hải Dương) vào thị trường Thái Lan (Ảnh: Báo Lao động)
Để tiến đến được thị trường này, Hải Dương đã làm chủ được quy trình sản xuất vải đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tập trung thu mua. Các doanh nghiệp cũng đã tiến hành lắp đặt các buồng xông Methyl bromide ngay tại vùng vải thiều Thanh Hà để đảm bảo chất lượng vải.
Như chúng ta vẫn biết, Thái Lan được coi là vựa trái cây nhiệt đới lớn không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Việc sản phẩm vải thiều Hải Dương được xuất khẩu và đón nhận tại thị trường này càng khẳng định những giá trị đặc biệt và nổi trội của sản phẩm. Đây chính là dấu hiệu đáng mừng cho vải thiều Việt Nam trên con đường vươn tới những thị trường rộng lớn và phát triển hơn trên toàn thế giới bất chấp những khó khăn của dịch bệnh.
Tổng hợp