Vài giây tiết kiệm của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và chuyện nghị trường thời 4.0
Điều hành phiên họp ngày 23/5, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết sẽ dừng đọc tên đại biểu phát biểu tiếp theo để “tiết kiệm vài giây cho Quốc hội”. Thay vào đó, các bảng điện tử sẽ hiển thị thông tin này.
Quốc hội thời 4.0
Ngày 23/5, trong bối cảnh hàng loạt vụ việc gây nhức nhối dư luận xã hội liên quan tới rượu, bia, đặc biệt là lái xe gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trong tình trạng say xỉn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Điều hành phiên làm việc, sau khi mời đại biểu phát biểu, thay vì nhắc tên người tiếp theo chuẩn bị như thông lệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết sẽ bỏ bước này khi những thông tin đó đã được hiển thị trên màn hình điện tử trong phòng họp.
"Tôi sẽ bỏ đọc tên đại biểu tiếp theo để tiết kiệm mấy giây cho Quốc hội", bà Phóng chia sẻ lý do.
Quyết định của Phó Chủ tịch Thường trực là một trong hàng loạt những đổi mới quan trọng để Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XIV trở nên hiệu quả hơn. Trước thời điểm khai mạc kỳ họp, Văn phòng Quốc hội lần đầu tiên thí điểm triển khai phần mềm thiết kế riêng cho các đại biểu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Ảnh: Quochoi.vn
Thông qua ứng dụng cài vào điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, các đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận tài liệu, thông tin về kỳ họp, lịch làm việc, vị trí chỗ ngồi, thông tin báo chí… nhanh và hiệu quả. Phần mềm không chỉ được kỳ vọng làm giảm lượng văn bản giấy gửi tới các đại biểu mà còn có thể giúp duy trì tương tác liên tục giữa các đại biểu với cử tri trong và sau kỳ họp.
Sự đổi mới này cho phép đại biểu Quốc hội chỉ cần mang điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng vào nghị trường để thay thế toàn bộ các tài liệu như trước. Đây cũng được xem là bước đi quan trọng đầu tiên để Việt Nam xây dựng thành công Quốc hội điện tử trong kỷ nguyên 4.0.
Từ năm 2008, Việt Nam đã nhắc tới Quốc hội điện tử với kỳ vọng mang đến những thay đổi to lớn trong hoạt động của lập pháp tối cao. Đây cũng là mô hình được nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi nhằm gia tăng sự tương tác giữa nghị sĩ với cử tri, điều có thể bị cản trở bởi khoảng cách địa lý hay những yếu tố khách quan khác.
Một điểm mới khác trong Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XIV là báo cáo bằng hình ảnh. Trong báo cáo Giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 ngày 27/5, một video đầy đủ chi tiết được trình chiếu để các đại biểu Quốc hội theo dõi.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy việc tiếp nhận thông tin bằng hình ảnh, video, mang đến những lợi thế nhất định so với tiếp cận thông tin bằng các phương pháp truyền thống như nghe và đọc. Vì vậy, báo cáo bằng hình ảnh giúp việc tiếp nhận thông tin của các đại biểu trở nên dễ dàng hơn và được nhiều người đánh giá cao.
Những ông Nghị "đi cày không cần mang trâu"
Trong số các đại biểu Quốc hội mà báo Trí Thức Trẻ phỏng vấn, tất cả đều đưa ra những đánh giá tích cực về phần mềm đang được Văn phòng Quốc hội thí điểm. Nhìn chung, các đại biểu đều nhận định phần mềm mới đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí in ấn, giảm sự cồng kềnh cho cá nhân các đại biểu trong từng phiên họp. Hình ảnh đại biểu Quốc hội với những tập tài liệu lớn nhỏ sẽ dần được xóa bỏ.
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi của tỉnh Thanh Hóa nhận định: "Bây giờ, chúng tôi dùng tài liệu theo cách hoàn toàn khác và rất thích. Ví dụ như đang phát biểu, tôi thấy bí ở đâu là có thể tìm được tài liệu ngay lập tức".
Theo ông Lợi, đây là sự thay đổi mang tính rất căn bản. Hệ thống công nghệ giúp tất cả tài liệu được chuyển đến các vị đại biểu một cách kịp thời, khẩn trương, nhanh gọn và chính xác. Đây chính là cơ sở để các đại biểu quốc hội thảo luận, trao đổi và làm căn cứ để đóng góp trong kỳ họp.
"Điểm quan trọng nhất là chúng ta đang ở thời của CMCN 4.0. Áp dụng phần mềm không chỉ là sự cải cách mà còn giúp giảm chi phí hành chính như giấy bút, tài liệu. Trước đây, mỗi Đại biểu Quốc hội phải ôm mấy cân tài liệu nhưng bây giờ chỉ cần vào hội trường với một chiếc máy là đã có đầy đủ thông tin cần thiết", Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng. Ảnh: Linh Anh
Cùng chung nhận định như ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, ĐBQH Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng phần mềm mới rất tốt và hữu dụng. Nó được thiết kế để đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của các đại biểu, đặc biệt là việc tìm kiếm và tiếp cận các tài liệu liên quan đến các nội dung được Quốc hội thảo luận.
"Sử dụng tốt ứng dụng này sẽ giúp tiết kiện rất nhiều chi phí cũng như giảm đáng kể công sức con người trong việc chuẩn bị tài liệu", ông Hoàng nhận định.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cũng chia sẻ về sự lúng túng của một số đại biểu trong thời điểm đầu sử dụng ứng dụng mới. Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình và chu đáo của đội ngũ kỹ thuật được Văn phòng Quốc hội đã bố trí sẵn ở các cửa ra vào phòng họp chính nên việc làm quen hay khắc phục sự cố diễn ra nhanh chóng.
"Sau kỳ họp này, bộ phận kỹ thuật chắc chắn sẽ phát phiếu xin ý kiến các đại biểu về những bất cập khi sử dụng phần mềm. Từ những ý kiến này, họ sẽ tìm hiểu chúng bắt nguồn từ lỗi kỹ thuật hay thói quen của người sử dụng để có những điều chỉnh hợp lý và đưa ra hướng dẫn chi tiết", ông Trương Minh Hoàng nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Linh Anh
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc của tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra đánh giá rất tích cực về phần mềm mới. "Dù phần mềm chúng tôi đang sử dụng chỉ là bản thử nghiệm nhưng cá nhân tôi thấy nó rất tốt về mặt thông tin", ông Quốc nói.
Đề cập tới việc báo cáo bằng video, vị đại biểu Quốc hội của Đồng Nai cho rằng đây là hình thức có tính trực quan cao. Tuy nhiên, cần chọn lựa hình ảnh, nội dung sâu sát với những vụ việc. Ngoài ra, ông Quốc cũng mong muốn làm cách nào đó để hình ảnh, video mà các đại biểu thu thập được có thể được trình chiếu trước Quốc hội.
"Bước đầu lúc nào cũng có những chập chững nhưng tôi rất ủng hộ việc Văn phòng Quốc hội đưa công nghệ mới, cải tiến mới vào giúp việc các đại biểu như ở kỳ họp thứ 7 này", ông Quốc nhấn mạnh.