Vaccine Trung Quốc và "canh bạc" của ổ dịch lớn thứ hai Đông Nam Á

16/09/2020 19:20 PM | Xã hội

Với gần 250.000 ca nhiễm, Indonesia hiện là ổ dịch lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Kể từ cuối tháng 8 đến nay, nước này đã liên tục lập kỷ lục về số ca nhiễm mới trong 1 ngày.

Đó là một ngày tháng 8 nắng nóng như thiêu như đốt ở Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java của Indonesia. Khoảng hơn 20 tình nguyện viên tập trung tại 1 phòng khám công cộng nhỏ để tham gia vào giai đoạn cuối của một trong những cuộc thử nghiệm vaccine chống Covid-19 nhanh nhất thế giới.

Tại đây, nơi mà bao vây xung quanh là những ngôi nhà chật chội và những đứa trẻ nô đùa ngoài trời mà không đeo khẩu trang, họ sẽ được tiêm loại vaccine thử nghiệm do tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất. Rất nhiều người Indonesia hi vọng rằng đây sẽ là loại vaccine giúp chấm dứt dịch bệnh đang tàn phá cuộc sống của họ. Với gần 250.000 ca nhiễm, Indonesia hiện là ổ dịch lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Kể từ cuối tháng 8 đến nay, nước này đã liên tục lập kỷ lục về số ca nhiễm mới trong 1 ngày.

Trên thế giới không có nhiều quốc gia khao khát vaccine hơn Indonesia, nơi chính phủ dự báo đại dịch sẽ đẩy thêm 4,9 triệu người vào cảnh nghèo đói, trong khi dân số là 270 triệu người. Đây cũng là ví dụ cho thấy kỳ vọng về vaccine đang đẩy nhanh tốc độ phát triển vaccine như thế nào.

Ở Bandung, cuộc thử nghiệm vaccine được điều phối bởi công ty dược quốc doanh PT Bio Farma rất phô trương. Nhiều người trong số 1.620 người từ Bandung và các thị trấn gần đó đã được phỏng vấn trên truyền thông địa phương. Cảnh sát trưởng, thị trưởng cũng tham gia tiêm thử nghiệm và chia sẻ trải nghiệm này trên Instagram.

Bio Farma cho biết đang làm việc với các nhà quản lý để được cấp phép khẩn cấp. Tổng thống Joko Widodo từng nói rằng chính phủ của ông đang hướng đến mục tiêu cấp phép vaccine CoronaVac vào tháng 1. Những liều đầu tiên sẽ được tiêm cho các nhân viên y tế.

Tuy nhiên, thực tế là liệu vaccine có thành công hay không vẫn là 1 câu hỏi còn bỏ ngỏ. Các chuyên gia y tế đang cảnh báo về những rủi ro nếu như vaccine được phát triển quá nhanh và phải mất một thời gian mới có thể đánh giá chính xác hiệu quả của việc tiêm chủng. Gần đây hãng dược Anh AstraZeneca đã phải tạm ngừng thử nghiệm vaccine được đánh giá là triển vọng nhất hiện nay do lo ngại về tác dụng phụ.

Đối với những quốc gia như Indonesia, họ cần vaccine hơn bao giờ hết. Một lượng lớn lực lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức có nguy cơ chết đói nếu như cứ kéo dài phong tỏa. Kinh tế Indonesia đã suy giảm 5,32% trong quý II so với cùng kỳ, mức giảm mạnh nhất kể từ hậu khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990. Gần đây chính phủ đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhưng lại khiến số ca nhiễm tăng mạnh. Mối lo ngại đặc biệt lớn ở thủ đô Jakarta, nơi đang rơi vào cảnh thiếu giường bệnh. Thành phố đã ra lệnh hạn chế sử dụng phương tiện công cộng và yêu cầu các ngành không cần thiết cho người lao động làm việc từ xa.

CoronaVac cũng đang được thử nghiệm giai đoạn 3 ở Brazil và một số nước khác. Về phần Indonesia, nội các của ông Jokowi đã giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu và trường đại học trong nước đến giữa năm 2021 có thể phát triển vaccine của riêng mình. PT Kalbe Farma, công ty dược lớn nhất của Indonesia, đã hợp tác với công ty công nghệ sinh học Genezine của Hàn Quốc và tháng 11 tới sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine giai đoạn 2.

Cân bằng giữa tốc độ và sự an toàn vẫn luôn là thách thức lớn. Các công ty trên toàn thế giới hiện vẫn đang làm việc với tốc độ nhanh chưa từng thấy để phát triển vaccine. Thời gian phát triển vaccine thông thường là vài năm, thập chí cả thập kỷ, giờ được dồn xuống chỉ còn chưa đầy 1 năm.

Ví dụ, Nga đã phê duyệt vaccine Sputnik V trước khi hoàn tất giai đoạn cuối thử nghiệm trên người. Tổng thống Trump cũng đang hối thúc phê duyệt vaccine vào tháng 10, trước thềm bầu cử. Tuy nhiên chính các nhà sản xuất vaccine từ AstraZeneca đến Moderna đã cam kết sẽ không "đi lối tắt", và Cục dược phẩm Hoa Kỳ đã đưa ra những quy chế để đảm bảo an toàn.

Dữ liệu từ những cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối như Bio Farma đang làm ở Indonesia được coi là bài kiểm tra cuối cùng đánh giá khả năng bảo vệ cơ thể trước virus. Sinovac cho biết vaccine không có vấn đề gì về tính an toàn trong thử nghiệm giai đoạn I và II.

Đảm bảo tính an toàn của vaccine có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên vì hiện nay thời gian quá gấp gáp nên và không thể thực hiện những cuộc thử nghiệm kéo dài cả năm, sẽ không thể biết được chính xác những tác động dài hạn của các vaccine này.

Ngoài ra khâu phân phối vaccine cũng là 1 thách thức lớn. Đối với Indonesia, quốc gia có quần đảo lớn nhất thế giới, thách thức là làm sao để vận chuyển vaccine một cách an toàn đến khắp 6.000 hòn đảo có người ở, đặc biệt khi vaccine của Sinovac phải được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C để đảm bảo hiệu quả.

"Kể cả khi bạn có thể sản xuất những liều vaccine an toàn và hiệu quả, năng lực sản xuất cũng khó có thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của toàn thế giới. Đặt cược tất cả vào vaccine không phải là 1 ý tưởng tốt, quan trọng là tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội", Takeshi Kasai, giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới WHO nhận định.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Từ khóa:  Đông Nam Á
Cùng chuyên mục
XEM