Uống 1 ly nước khi bụng rỗng buổi sáng tốt như thuốc bổ nhưng mắc 3 sai lầm này hóa thành “thuốc độc”
Uống nước khi bụng rỗng buổi sáng được cho là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe và làm đẹp. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng nếu bạn không mắc phải những sai làm dưới đây!
Tại sao nên uống nước buổi sáng khi bụng rỗng?
Uống nước buổi sáng khi bụng rỗng được xem là cách tuyệt vời để bắt đầu ngày mới. Thói quen này thậm chí còn được cho là một trong những bí quyết sống thọ, làm đẹp ở nhiều quốc gia. Nó mang lại nhiều lợi ích như:
- Bù đắp lượng nước bị hao hụt sau đêm ngủ dài, “đánh thức” cơ thể.
- Thanh lọc cơ thể, tốt cho gan và thận nhờ tăng cường bài tiết và thải độc.
- Tăng cường trao đổi chất, tăng tốc độ chuyển hóa năng lượng, hỗ trợ giảm cân.
- Làm sạch dạ dày, trị táo bón, hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả hơn.
- Tốt cho tim mạch, nhất là tuần hoàn máu trơn tru hơn và ổn định huyết áp.
- Tăng cường miễn dịch bằng cách duy trì sự cân bằng nội môi.
- Tốt cho xương khớp.
- Cải thiện sức khỏe não bộ, giảm nguy cơ nhồi máu não, tốt cho tâm trạng.
- Hỗ trợ quá trình giảm cân và kiểm soát trọng lượng cơ thể.
- Làm đẹp da và tóc, móng.
3 sai lầm khi uống nước buổi sáng khi bụng rỗng
Mặc dù uống nước buổi sáng khi bụng rỗng rất tốt nhưng nếu làm sai cách thì sẽ từ tốt hóa hại. Đặc biệt là 3 sai lầm phổ biến sau đây:
Uống nước quá lạnh hoặc quá nóng
Nhiều người nghĩ rằng uống nước lạnh buổi sáng sẽ giúp tỉnh táo nhanh hơn, nhưng thực tế lại gây phản tác dụng. Nước quá lạnh có thể làm co mạch máu trong dạ dày và ruột, khiến đường tiêu hóa bị kích thích mạnh dẫn đến đau bụng hoặc tiêu chảy.
Ngược lại, nước quá nóng cũng tiềm ẩn nguy cơ không kém. Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), uống nước nóng trên 65 độ C dễ gây bỏng, tổn thương thực quả, tăng nguy cơ ung thư thực quản và ung thư dạ dày. Uống nước quá nóng cũng không có lợi cho hệ tim mạch.
Thêm đường, phụ gia khác vào nước
Trên thực tế, ly nước mà chúng ta uống vào buổi sáng khi bụng rỗng nên là nước lọc. Nhưng không ít người lại thích dùng nước ngọt, nước có ga hay thêm đường mật ong, muối, chanh… vào nước theo sở thích, nhu cầu giảm cân.
Thời điểm này, cơ thể mà đặc biệt là dạ dày vô cùng nhạy cảm. Các loại nước chứa đường (bao gồm cả nước ngọt) dễ gây biến động đường huyết rất lớn, biến động axit dạ dày, không tốt cho tiêu hóa và tăng cảm giác mệt mỏi. Với người có axit dạ dày cao, nước chanh có thể gây kích ứng mạnh, dẫn đến trào ngược axit, đau rát dạ dày.
Hay dùng nước muối, dù là nước muối loãng tưởng tốt nhưng lại gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ viêm loét và gây mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Nước mật ong cũng không tốt cho đường huyết, tuyến tụy. Uống trà, cà phê khi bụng đói thì không tốt cho dạ dày, gan và thận.
Uống nước quá nhanh hoặc quá nhiều
Thói quen uống nước quá nhiều, quá nhanh buổi sáng để “bù nước” sau khi ngủ dậy có thể gây nguy hiểm tiềm tàng. Khi bạn nạp một lượng nước lớn trong thời gian ngắn, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc cân bằng chất điện giải. Điều này có thể dẫn đến hạ natri máu do pha loãng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của tim và thận.
Hơn nữa, việc uống nước quá nhanh còn làm tăng áp lực lên dạ dày, dễ gây cảm giác khó chịu. Nó cũng không hề tốt cho tuần hoàn máu và làm dao động huyết áp lớn. Lúc này, dạ dày đang rỗng, uống quá nhiều nước cũng dễ dẫn tới tiêu hóa kém hiệu quá, no bụng và ăn quá ít vào bữa sáng.
Lời khuyên: Uống nước buổi sáng khi bụng rỗng nên sử dụng nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội. Lựa chọn tuyệt vời nhất cho sức khỏe, sắc đẹp là nước ấm nhẹ trong khoảng 25 - 40 độ C. Không nên uống quá nhiều, khoảng 200 - 300ml là đủ. Khi uống, tư thế thoải mái, uống từng ngụm nhỏ chứ không vội vàng.
Nguồn và ảnh: People, Family Doctor