Ước tính gần 2 triệu đồng/cp, Chủ tịch Đào Thế Vinh vừa chuyển nhượng 32 triệu USD cổ phần Golden Gate
Với hơn 7,6 triệu cổ phần tính tại ngày 31/12/2020, định giá Golden Gate ở mức 14.845 tỷ đồng (tương đương hơn 650 triệu USD). Tương ứng, số cổ phần ông Đào Thế Vinh vừa chuyển nhượng có giá trị khoảng 720 tỷ đồng (tương đương hơn 32 triệu USD).
Ghi nhận giao dịch tại CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate), ông Đào Thế Vinh – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc đã chuyển nhượng 371.139 cổ phần (tương đương 4,86% vốn điều lệ) theo hình thức thỏa thuận. Giao dịch được thực hiện từ ngày 22-24/12/2021.
Sau giao dịch, ông Vinh đã hạ tỷ lệ sở hữu tại Công ty xuống còn 390.458 cổ phần, tương ứng 5,115% vốn điều lệ. Mục đích giao dịch nhằm giảm tỷ lệ sở hữu.
Được biết, từ đầu năm nay ông Vinh liên tục có động thái nhận chuyển nhượng cũng như chuyển nhượng cổ phần Công ty, giao dịch thực hiện theo phương thức thoả thuận. Gần nhất ngày 26/11/2021, ông Vinh vừa nhận 4.000 cổ phần, tương đương 0,052% vốn.
Mới đây ngày 29/11, Golden Gate cũng vừa phát hành 493,7 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 11,5%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.
Trong đó, tài sản đảm bảo là 573.372 cổ phần của Golden Gate. Theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8/2021, giá trị một cổ phần Golden Gate là 1.953.359 đồng/cp.
Với hơn 7,6 triệu cổ phần tính tại ngày 31/12/2020, định giá Golden Gate ở mức 14.845 tỷ đồng (tương đương hơn 650 triệu USD). Tương ứng, số cổ phần ông Đào Thế Vinh vừa chuyển nhượng có giá trị khoảng 720 tỷ đồng (tương đương hơn 32 triệu USD).
Hiện, Golden Gate cũng đang tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với nhiều nội dung như thông qua việc sửa đổi điều lệ, thay đổi thời điểm thanh toán cổ tức 2020. Công ty còn xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 1.000 cổ phiếu ESOP với giá bán 0 đồng/cp trong năm 2022 cho bà Nguyễn Phương Lan - Giám đốc tài chính - nhằm thu hút nhân sự tài năng tham gia Công ty.
Golden Gate là doanh nghiệp được sáng lập vào năm 2005 bởi ba doanh nhân là ông Thế Vinh, Xuân Tường và Việt Hồng. Khởi đầu chỉ với thương hiệu Ashima, đến nay Golden Gate đã trở thành chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất nước với hệ thống gồm hàng chục thương hiệu khác nhau như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Hutong hay Vuvuzela…
Nhờ đầu tư sớm cùng độ phủ lớn, doanh thu của Golden Gate trong 10 năm qua đã tăng gần 100 lần, đạt 3.970 tỷ vào năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trong 10 năm qua đạt 58,5%. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 269 tỷ trong khi năm 2008 đạt 8 tỷ, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong 10 năm qua đạt 42,1%/năm.
Tính đến cuối năm 2019, hệ thống Golden Gate đạt mốc 350 cửa hàng trên toàn quốc với gần 30 thương hiệu. Trong đó, năm qua Golden Gate mở rộng phiên bản Gogi House sang thương hiệu mới là Gogi Steak, tung dòng Pizza cao cáoa của Ý với thương hiệu Jack's 500 Pizzeria... Kết thúc năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 4.776 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ nhờ mở rộng mạng lưới cũng như tăng doanh thu từ các cửa hàng được mở trong năm 2018.
Sang năm 2020, chịu tác động bởi Covid-19, doanh thu Golden Gate lần đầu sụt giảm mạnh, tương ứng lãi sau thuế giảm đến 80% chỉ còn 64,9 tỷ đồng – quay về mốc bắt đầu 10 năm trước. Dù vậy, Công ty vẫn tranh thủ mở rộng mạng lưới hoạt động với 386 nhà hàng tính đến cuối năm 2020, tăng 29 nhà hàng so với thời điểm đầu năm.
Mang cổ phiếu làm tài sản đảm bảo vay vốn, chuỗi nhà hàng Golden Gate được định giá lên đến 650 triệu USD bất chấp bị tác động nặng từ đại dịch