Ước thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, ngành du lịch tìm kế đối phó virus corona

16/02/2020 13:14 PM | Xã hội

Hàng không, du lịch là 2 ngành được chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh virus corona (Covid-19) gây ra. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Thiệt hại hàng tỷ USD vì virus corona

Mặc dù dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus corona mới (Covid-19) đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và một số quốc gia nhưng đến thời điểm này Việt Nam ghi nhận 16 ca nhiễm virus corona trong đó đã có 7 trường hợp điều trị khỏi, 61 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.

Vào ngày 13/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, thời gian khoanh vùng, cách ly là 20 ngày.

Thời điểm trước Tết nguyên đán (ngày 23/1/2020), khi Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm virus corona nào, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, Tổng cục Du lịch cũng đã có văn bản gửi Sở Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus corona gây ra.

Văn bản này nêu rõ, đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế đưa khách du lịch nước ngoài không tổ chức tour du lịch cho khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm virus corona, có biện pháp phòng chống dịch bệnh cho khách khi du lịch nước ngoài đồng thời hướng dẫn, thông tin đầy đủ đến du khách để khách chủ động phối hợp phòng chống dịch…

Đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách du lịch vào Việt Nam thông tin, hướng dẫn cán bộ, nhân viên và người lao động có biện pháp phòng chống dịch tránh để lây nhiễm nếu có trường hợp phát sinh liên quan đến khách du lịch.

Ngày 2/2, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã gửi thư tới các bạn bè, đối tác quốc tế thông báo về việc ngành du lịch Việt Nam đang chủ động kiểm soát những tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Ngày 5/2 tại hội nghị bàn giải pháp hạn chế tác động của virus corona đối với ngành du lịch Việt Nam, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, tình trạng khách huỷ tour đã đặt, huỷ đặt chỗ, huỷ dịch vụ, không lên kế hoạch du lịch là phố biến thời điểm này. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch hàng hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo ông Thắng, các doanh nghiệp du lịch phải "gồng mình" vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh.

Tại một số địa phương vốn là điểm du lịch thu hút lượng lớn khách du lịch Trung Quốc như Khánh Hoà, Quảng Ninh đều ghi nhận tình trạng sụt giảm mạnh khách du lịch.

Dự báo của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Hoài Chung tại hội nghị do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 6/2 cho thấy, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD do virus corona gây ra.

Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, khách du lịch sẽ giảm 90 - 100%, tương ứng giảm từ 1,7 - 1,9 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.021 USD/lượt (theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng cục Du lịch), thiệt hại kinh tế sẽ là 1,8 - 2 tỷ USD.

Đối với các thị trường khách quốc tế còn lại, khách du lịch giảm 50 - 70%, tương ứng lượng khách giảm từ 2 - 2,8 triệu lượt, với mức chi tiêu bình quân 1.083 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2 - 2,3 tỷ USD.

Tìm kế đối phó

Ngay từ khi dịch virus corona xảy ra hàng loạt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ của Việt Nam đã lên phương án, giải pháp phòng, chống dịch cũng như khai thác hiệu quả các nguồn khách, phát triển các dịch vụ phụ nhằm tăng nguồn thu trong kinh doanh, khai thác tốt hơn thị trường khách trong nước.

Cụ thể, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) triển khai kế hoạch kích cầu thời gian từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5/2020, áp dụng chính sách giá linh hoạt, gia tăng khuyến mãi, hậu mãi.

Với Vietrantour sau khi hủy bỏ tất cả các tour đến Trung Quốc cho khách khi dịch bệnh bùng phát, chấp nhận bồi hoàn 100% cho khách đã đặt tour. Để khắc phục, doanh nghiệp này đã tư vấn du khách chuyển đổi điểm đến là các tour nội địa tại Côn Đảo, Phú Quốc, Tây Nam Bộ… hay các điểm tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore…

Trước những khó khăn của ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, thành viên iệp hội mong muốn được vay vốn, hoãn trả nợ để khắc phục hậu quả, đồng thời có các biện pháp miễn, giảm phí visa để tăng tính cạnh tranh, thu hút khách quốc tế quay lại.

Hội đồng Tư vấn Du lịch mới đây cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ nêu ra các biện pháp giúp du lịch Việt Nam phục hồi do dịch virus corona gây ra trong đó kiến nghị miễn thị thực và kéo dài thời hạn lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định nhất là Vương quốc Anh, châu Âu, Úc, New Zealand và Canada. Chính sách miễn thị thực này bước đầu có thể cho giai đoạn đầu 12 tháng.

Bên cạnh đó, giảm ngay thuế GTGT du lịch từ 10% xuống 5%. Cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt. Việc nộp thuế chậm có thể áp dụng đối với các khoản thuế GTGT của Q4, 2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cho năm 2019.

Xem xét miễn các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi dịch virus kết thúc…

Ngày 12/2, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh một lần nữa gửi thư đến bạn bè, đối tác quốc tế trong đó khẳng định các điểm du lịch ở Việt Nam vẫn mở cửa đón khách bình thường và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thời điểm này luôn được đảm bảo an toàn.

 Ước thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, ngành du lịch tìm kế đối phó virus corona  - Ảnh 3.

Theo Bảo Vy

Cùng chuyên mục
XEM