Ứng lời bầu Đức “làm gì còn ruột mà rút”, HAGL Agrico (HNG) lỗ quý thứ 12 liên tiếp, đối mặt nguy cơ huỷ niêm yết bắt buộc
Tính đến cuối năm 2023, số lỗ lũy kế theo đó đã tăng lên 8.054 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu 11.085 tỷ đồng; tổng nợ vay ghi nhận hơn 8.200 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu (2.306 tỷ).
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2023 với doanh thu 74 tỷ đồng.
Theo Công ty, doanh thu thấp do trong kỳ sản lượng chỉ đạt 6.381 tấn (so với kế hoạch đề ra 22.784 tấn). Công ty tiếp tục quy hoạch những diện tích chuối đang cho thu hoạch nhưng năng suất thấp để thực hiện đầu tư đồng bộ. Trước đây, HAGL Agrico chưa đầu tư hạ tầng và không cải tạo mặt bằng trước khi trồng, chất lượng cây xuống thấp sau nhiều năm khai thác.
Với cây cao su, doanh thu quý 4 chỉ đạt 109 tỷ đồng, tương đương sản lượng mủ là 3.656 tấn (so với kế hoạch là 5.075 tấn). Nguyên nhân chính do thiếu 40% công nhân cạo mủ tại Lào đang vào vụ khác. Ngoài ra, chi phí giá vốn vườn cây lớn chủ yếu là chi phí khấu hao (60%) dẫn đến doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Đồng thời trong kỳ Công ty cũng ghi nhận chi phí xoá sổ các tài sản không hiệu quả với tổng chi phí 67 tỷ đồng. Kết quả, HNG báo lỗ sau thuế hợp nhất 604 tỷ đồng trong quý 4/2023. Dù lỗ, đây là kết quả cải thiện mạnh so với mức lỗ 2.804 tỷ cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế cả năm 2023, HNG ghi nhận doanh thu 605,5 tỷ - giảm 18%. Khấu trừ chi phí, HNG lỗ ròng hơn 1.050 tỷ đồng.
Như vậy, HNG đã lỗ 3 năm liên tục. Trong năm 2021, 2022, công ty lỗ lần lượt là 1.119 tỷ và 3.576,5 tỷ. Lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã vượt 8.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2023 tiếp tục giảm về 2.300 tỷ đồng.
Theo quy định hiện tại, doanh nghiệp bị bắt buộc hủy niêm yết khi có kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. HNG đang ở trường hợp đầu tiên.
So với kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên thông qua với doanh thu thuần 1.282 tỷ đồng; lỗ trước thuế 2.316 tỷ đồng thì HNG tuy chưa đạt chỉ tiêu doanh thu, song mức lỗ thực tế thấp hơn nhiều với kế hoạch.
Trên thị trường, cổ phiếu HNG cũng vừa trải qua đợt tăng mạnh, thanh khoản đột biến. Hiện, HNG đã giao dịch sát mức 5.000 đồng/cp.
Một cổ đông đã từng đặt vấn đề là liệu Thaco có đang "rút ruột" HAGL Agrico không, Phó Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã nói: "HAGL Agrico làm gì có ruột mà rút, chỉ còn xương thôi".
Trước đó, HNG công bố thành lập một công ty con với vốn điều lệ gần 10.000 tỷ đồng tại Lào. Động thái của HNG diễn ra sau khi ông Trần Bá Dương - Chủ tịch tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. Tại buổi làm việc, ông Trần Bá Dương đã đề xuất các kiến nghị với Chính phủ Lào nhằm triển khai khả thi Dự án đầu tư "sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò trên quy mô lớn".
Bầu Đức cũng chia sẻ: "Công ty chủ yếu sử dụng đất tại Lào, Campuchia. Nền tảng của HNG do Thaco đặt ra là dài hạn chứ không như HAGL. Do đó, tiền chi ra tương đối nhiều, những nhà đầu tư dài hạn mới nhìn ra được vấn đề, còn nhà đầu tư ngắn hạn tương đối khó".
Việc thành lập một pháp nhân hợp nhất những gì doanh nghiệp đang có tại Lào có thể là bước tái cấu trúc giúp mảng kinh doanh của HNG tại đất nước này có sự thay đổi tích cực hơn.
Dù vậy, bức tranh tài chính của HNG vẫn còn nhiều thách thức. Tính đến cuối năm 2023, số lỗ lũy kế theo đó đã tăng lên 8.054 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu 11.085 tỷ đồng; tổng nợ vay ghi nhận hơn 8.200 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu (2.306 tỷ).
Với việc lỗ 12 quý liên tiếp, khả năng cổ phiếu HNG sẽ bị hủy niêm yết trên HoSE.