Ứng dụng blockchain: Streaming nhạc, chăm sóc sức khỏe, và...
Các công ty startup đang ứng dụng công nghệ blockchain vào các lĩnh vực dưới đây, hứa hẹn có thể tạo ra những "cuộc cách mạng" lớn.
Không chỉ trên tiền ảo (cryptocurrency: hay còn được gọi là tiền điện tử, tiền mật mã, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa) Bitcoin, công nghệ blockchain còn có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác, từ âm nhạc, y tế, đến sản xuất điện… Trong tương lai, blockchain vì thế có thể thay đổi hoàn toàn cách thế giới vận hành.
Bỏ phiếu
Trên thực tế, nhược điểm của các thùng phiếu kiểu cũ cũng như những nền tảng bỏ phiếu trực tuyến hiện tại là rất dễ bị thao túng. Công nghệ blockchain có thể cải thiện nhược điểm này bằng cách cho phép xác thực các lá phiếu mà không cần thông qua sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan nào.
|
Các thùng phiếu kiểu cũ có tính bảo mật thấp, dễ bị thao túng kết quả. Ảnh: Michael D/Barcroft Images |
Sản xuất điện
Được ứng dụng vào trong lĩnh vực sản xuất điện, blockchain tạo điều kiện để các hộ gia đình có thể bán điện ngược trở lại cho hệ thống đường dây điện được phân bố trong khu vực mình sinh sống mà không cần thông qua một nhà cung cấp điện. Hoặc họ cũng có thể quản lý lượng điện riêng của mình một cách độc lập với hệ thống điện chung được thiết lập sẵn.
|
Những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà ở Park Slope, Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: Clinton Nguyen |
Công ty startup Lo3Energy đang chạy một dự án ở Brooklyn, New York (Mỹ), giúp các hộ gia đình có thể mua và bán điện mà họ đã tạo ra được từ các tấm pin năng lượng mặt trời (hoặc ngói năng lượng mặt trời) được lắp đặt trên mái nhà. Blockchain cho phép họ tự định giá và không phải thông qua một khâu trung gian làm nào, vì thế không bị phát sinh thêm chi phí hoa hồng.
Streaming nhạc
Lĩnh vực âm nhạc những năm gần đây đã có nhiều thay đổi chóng mặt, góp phần thay đổi thói quen nghe nhạc của công chúng, chẳng hạn như sự xuất hiện của công nghệ streaming nhạc (cho phép người dùng cuối có thể nghe một bản nhạc ngay trong khi chúng đang được tải về). Tuy nhiên sắp tới, người nghe nhạc có thể sẽ tiếp tục cần phải chuẩn bị cho một thói quen nghe nhạc mới, thông qua các dịch vụ streaming nhạc dựa trên công nghệ blockchain.
|
Công nghệ blockchain có thể trao quyền kiểm soát tác phẩm âm nhạc cũng như đem đến cho nghệ sĩ 100% chi phí thu được từ người dùng. Ảnh: Paul Bradbury/Getty Images |
Thay vì thông qua các dịch vụ như Apple Music hoặc Spotify, khiến người dùng cũng như nghệ sĩ phải trả một khoản chi phí trung gian, một công ty chuyên cung cấp nền tảng âm nhạc kiểu mới được gọi là Voise đã dùng công nghệ blockchain để cho phép các nghệ sĩ tự ấn định giá cho sản phẩm âm nhạc, và họ sẽ nhận được 100% mức tiền mà người dùng sẽ trả khi nghe nhạc của họ. Nền tảng này vì thế được cho là sẽ mang lại lợi ích cho cả nghệ sĩ lẫn người dùng.
Chăm sóc sức khỏe
Hiện tại, các bệnh án của một bệnh nhân thường được tạo nên và sử dụng một cách riêng lẻ tại nhiều phòng khám, bệnh viện, trung tâm y tế… Nhưng nếu được thiết lập dựa trên công nghệ blockchain, một bệnh án duy nhất của một bệnh nhân sẽ có thể được đọc và cập nhật liên tục từ nhiều nơi cung cấp dịch vụ y tế, và nó sẽ bao gồm cả những lưu ý cộng thêm của các bác sĩ trong các trường hợp cụ thể.
Bệnh nhân có thể chọn lựa lấy dữ liệu (có trả phí) hoặc không, và họ cũng có thể tùy ý chọn người để chia sẻ dữ liệu bệnh án của mình.
|
Blockchain có thể tạo ra một "cuộc cách mạng" trong việc lưu trữ và chia sẻ bệnh án. Nguồn: Alamy |
Tại Viện Công nghệ Massachusetts, các nhà nghiên cứu đang phát triển một hệ thống như vậy, được gọi là MedRec. Theo đó, họ sẽ đồng bộ hệ thống này với những thiết lập hiện tại trên máy tính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Viện trợ
Năm 2012, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc đó là ông Ban Ki-moon ước tính có 30% những khoản viện trợ phát triển bị hao hụt do tham nhũng. Hiện Liên Hiệp Quốc có một số dự án dựa trên công nghệ blockchain nhằm giải quyết các vấn đề trong việc cung cấp viện trợ.
|
Một nhân viên Liên Hiệp Quốc quét mống mắt của một cô bé tị nạn người Syria tại một trại tị nạn ở Jordan. Nguồn: UNHCR |
Hồi năm ngoái, trong một dự án thí điểm về viện trợ thực phẩm của Liên Hiệp Quốc, những người tị nạn Syria ở một trại tị nạn Jordan đã nhận được khoản viện trợ bằng tiền mã hóa.
Khi mua hàng ở quầy hàng trong trại này, danh tính của những người này được xác thực bởi máy quét mống mắt, và số tiền họ phải chi cho phần hàng vừa mua sẽ được trừ đi từ khoản tiền viện trợ.
Cách làm này được cho là sẽ giúp giảm chi phí giao dịch cho Liên Hiệp Quốc, đồng thời giảm nguy cơ gian lận từ các khâu trung gian.