Tỷ phú Masayoshi Son kiếm được 12 tỷ USD trong 3 tháng

10/07/2020 15:21 PM | Kinh doanh

Nhà sáng lập SoftBank Group, ông Masayoshi Son, đã lấy lại được 12 tỷ USD trong 3 tháng qua nhờ cổ phiếu của tập đoàn này lên cao nhất 20 năm.

Nhờ giá cổ phiếu của SoftBank Group lên cao nhất 20 năm, tài sản ròng của người sáng lập Masayoshi Son đã chạm mốc 20 tỷ USD tính đến chốt phiên ngày 9/7, gấp hơn 2 lần con số được ghi nhận hồi tháng 3 là 8,4 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Đây là lần đầu tiên tài sản của tỷ phú 62 tuổi này chạm mốc 20 tỷ USD kể từ tháng 1/2013, thời điểm Bloomberg bắt đầu theo dõi biến động tài sản của ông.

Khối tài sản 20 tỷ USD của Son không bao gồm số cổ phiếu trị giá 13,3 tỷ USD được dùng để làm tài sản thế chấp, tương đương khoảng 40% cổ phần của ông tại SoftBank Group, theo hồ sơ công khai tại sở giao dịch. Hơn 26% cổ phần khác của ông được dùng để cho các doanh nghiệp, chủ yếu là công ty môi giới, vay có tính phí nhằm tăng thanh khoản cho thị trường. Số cổ phần này vẫn được tính vào tài sản ròng của Son vì ông vẫn nắm quyền kiểm soát chúng.

“Chính số cổ phần được mang đi cho vay này là thứ tạo ra doanh thu cho SoftBank. Cho vay trong lĩnh vực chứng khoán mang lại khoản thu nhập từ phí trị giá hàng trăm triệu USD mỗi quý”, ông Andrew Dyson, CEO của Hiệp hội cho vay chứng khoán quốc tế, nói.

Cổ phiếu của SoftBank Group tăng 138% từ mức đáy được ghi nhận hồi tháng 3, đưa tổng giá trị thị trường của tập đoàn này lên 125 tỷ USD. Trong khi đó, Vision Fund của tập đoàn lại mất gần 18 tỷ USD trong năm tài chính mới nhất do ghi nhận lỗ từ các khoản đầu tư vào WeWork, Uber Technologies và các công ty khác. Tuy nhiên, chương trình mua lại cổ phiếu với quy mô kỷ lục cùng với nhiều chiến thắng khác đã giúp cổ phiếu của quỹ này phục hồi.

SoftBank Group đã bán một phần cổ phần tại T-Mobile USD trong tháng 6 và tại nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm tại nhà trực tuyến hồi đầu tháng 7.

Chiến lược đầu tư của ông Son là khá phổ biến trong giới giàu có nhưng biến động thị trường trong những tháng đầu năm nay cho thấy việc dùng cổ phiếu của cá nhân để thế chấp, cùng với khối nợ lớn, có thể mang đến rủi ro cho nhà đầu tư. Một số cá nhân đã phải nộp thêm tiền để tránh vỡ nợ, một số khác phải thanh lý tài sản với giá rất thấp. Ông trùm người Trung Quốc, Lu Zhenggao và Markus Braun của công ty Wirecard là những nạn nhân điển hình cho chiến lược thế chấp cổ phiếu cá nhân.

Việc giá cổ phiếu của SoftBank Group tăng mạnh đồng nghĩa những rủi ro liên quan tới giao dịch thế chấp cổ phiếu vẫn còn ở xa. Giá trị của số cổ phiếu được ông Son mang đi thế chấp hiện gấp gần 3 lần so với số nợ mà ông từng để cập trong bài thuyết trình về kết quả kinh doanh hồi tháng 5, theo tính toán của Bloomberg.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM