Người đàn ông chỉ cách biến 1 tỷ USD thành 7 tỷ USD sau 3 năm: 'All in' vào cổ phiếu Tesla, tin tưởng tuyệt đối Elon Musk
Khi Elon Musk giàu nhất thế giới, những người dám tin tưởng tuyệt đối vào ông cũng có thể thành tỷ phú.
Từ căn hộ penthouse nhìn ra eo biển Singapore xanh ngắt, một vị tỷ phú kín tiếng đưa ra tuyên bố đáng kinh ngạc: Ông đã âm thầm tích lũy một lượng cổ phần khá lớn tại tập đoàn Tesla của Elon Musk.
"Tôi tin tưởng vào sứ mệnh vĩ đại của Elon Musk", Leo KoGuan nói với toàn thế giới thông qua tài khoản Twitter.
Và với một dòng tweet vào tháng 9, KoGuan - hiện đã là một tỷ phú tự thân - bắt đầu tiết lộ chi tiết cho những người tin tưởng cũng như những người hoài nghi. Giá trị của những cổ phiếu được cho là của ông tại Tesla đã tăng vọt: Lên 4 tỷ USD, 5 tỷ USD và hiện tại giờ là hơn 7 tỷ USD.
Liệu có thật không? Có thể nào một nhà đầu tư ít người biết đến, dù là một người giàu có như KoGuan, có thể có được một vị trí to lớn như vậy trong một công ty như Tesla mà không mấy ai để ý? Liệu ông ta có thể thực sự trở thành cổ đông cá nhân lớn thứ ba của Tesla, sau tỷ phú đồng hương Larry Ellison và không ai khác ngoài Elon Musk, người giàu nhất trong lịch sử?
Câu trả lời đây đúng là sự thật. Hồ sơ ngân hàng do KoGuan cung cấp cho Bloomberg News và được xác nhận bởi những người quen thuộc với các khoản đầu tư của ông cho thấy ông sở hữu 6,31 triệu cổ phiếu Tesla tính đến cuối tháng 9. Ông cũng nắm giữ 1,82 triệu quyền chọn mua cổ phiếu Tesla với giá từ 450 USD đến 550 USD/cổ phiếu. Đây rõ ràng đều là những con số "toát ra mùi tiền" khi cổ phiếu Tesla đóng cửa ở mức 1.114 USD vào thứ sáu tại New York.
Phát biểu qua Zoom từ phòng khách của căn hộ trên tầng 63, KoGuan, 66 tuổi, đã cung cấp một cái nhìn sơ lược về khoản đầu tư đáng kinh ngạc của mình.
Mặc một chiếc áo phông trắng, KoGuan vạch ra một lộ trình không rườm rà để làm giàu từ giao dịch cổ phiếu của mình: Gắn bó với một cổ phiếu duy nhất, trong trường hợp này là Tesla; tiếp tục rót thêm tiền và quan trọng nhất, hãy tin vào Elon Musk.
"Đôi khi bạn thắng, đôi khi thua," KoGuan nói. "May mắn thay, tôi thắng nhiều hơn là thua".
Những tuyên bố kỳ lạ đã được đưa ra - và đã được chứng minh là đúng - trong thời đại mà những vận may là khá khó có được. Sự vươn lên không ngừng của Tesla đã tạo nên vô số "Teslanaires" (triệu phú Tesla) và giờ thậm chí là cả một vài tỷ phú giấu mặt.
Trong cuộc đua tìm kiếm sự giàu có, người thắng nhiều mà người thua cũng chẳng ít. Bill Hwang đã tích lũy được một trong những khối tài sản lớn nhất trong tích tắc và cũng mất tất cả chỉ trong vài ngày với sự sụp đổ kinh hoàng của thị trường. Giống như Hwang, KoGuan đã có thể tránh được con mắt tò mò của các nhà quản lý và công chúng đầu tư vì ông chỉ quản lý tiền cho bản thân và vì cổ phần của ông trong Tesla chỉ chưa đầy 1% - tức là dưới ngưỡng 5% yêu cầu công khai thông tin ở Mỹ.
KoGuan cho biết ông đã mua thêm cổ phần Tesla từ tháng 9, mua cả cổ phiếu và quyền chọn. (Trong một tweet vào ngày 23 tháng 9, người đứng đầu quan hệ nhà đầu tư của Tesla, Martin Viecha, đã xác nhận tuyên bố ban đầu của KoGuan; Viecha đã không trả lời yêu cầu bình luận về câu chuyện này).
Khi cổ phiếu Tesla tăng 13% vào thứ hai sau khi Hertz Global Holdings Inc. cho biết họ sẽ mua 100.000 xe Tesla, KoGuan nói với những người theo dõi của mình rằng mức lãi hàng ngày của ông là 10 con số. Và ông nói rằng còn nhiều điều sắp xảy ra: "Tôi đã sẵn sàng. Khi có bất kỳ đồng tiền nào, tôi sẽ đều chi cho Tesla".
Làm thế nào mà KoGuan đến được giai đoạn này? Số tiền ban đầu ông kiếm được là bao nhiêu? Trong một cuộc trò chuyện kéo dài nửa giờ, ông phác thảo một số câu trả lời bằng những nét vẽ rộng nhưng không được chi tiết. Những thông tin về ông khá ít ỏi, mặc dù người ta đã biết ông là một tỷ phú trong nhiều năm. Tại Mỹ, ông là người sáng lập SHI International, một công ty phần mềm doanh nghiệp ở ngoại ô Somerset, New Jersey, với doanh thu hàng năm 11,1 tỷ USD. Ở Trung Quốc, ông ấy nổi tiếng với việc quyên góp tiền cho một số trường đại học hàng đầu. Gần đây, tên tuổi của ông nổi lên khi mua căn hộ áp mái trị giá 46 triệu USD ở Singapore.
Một bài báo của tờ Wall Street Journal từ năm 2009 nói về thời điểm khi KoGuan tham gia vào việc phát triển một khách sạn sang trọng ở Thượng Hải, đã mô tả ông mặc những bộ quần áo hàng hiệu sặc sỡ và lái một chiếc Bentley mui trần. Trả lời phỏng vấn qua Zoom, phóng viên Bloomberg nhận định ở ông toát lên một phong thái điềm đạm, uyên bác. Ông cho biết trước đây mình chưa bao giờ trả lời phỏng vấn của một nhà báo nào.
Tự mô tả mình là một nhà đầu tư cá nhân, ông cho biết mình bắt đầu chơi chứng khoán vào năm 2019. Ông đã đổ tiền vào một số cổ phiếu nổi tiếng như Baidu Inc., Nio Inc., Nvidia Corp... và đã sớm đạt được một số thành công. Nhưng thời gian trôi qua, các khoản đặt cược này đều diễn biến xấu.
Vì vậy, KoGuan đã bán tất cả các cổ phiếu trừ Tesla. Trên một podcast gần đây do nhà đầu tư Tesla Dave Lee tổ chức, KoGuan cho biết Ron Baron, tỷ phú chủ sở hữu của Baron Capital Management đã giúp truyền cảm hứng cho ông tập trung vào nhà sản xuất ô tô điện có trụ sở tại California. Ông bắt đầu đổ tiền nhiều hơn vào chứng khoán. Đến đầu năm 2020, ông nắm giữ 2,3 triệu cổ phiếu (tương đương khoảng 12 triệu cổ phiếu sau khi điều chỉnh đợt chia tách cổ phiếu năm ngoái), số cổ phần trị giá khoảng 1,5 tỷ USD. Năm ngoái, ông thậm chí đã gặp chính Musk tại trụ sở của SpaceX ở Los Angeles.
Sau đó, thị trường sập và cổ phần của ông gần như bị xóa sổ trong một đợt bán tháo lớn.
"Tôi đã mất gần như tất cả mọi thứ", KoGuan nói.
Nhưng ông tiếp tục mua vào: Mua các quyền chọn mua cổ phiếu ngắn hạn bằng tiền; thu lợi nhuận khi cổ phiếu tăng giá; sử dụng một phần số tiền thu được để mua cổ phiếu thực tế - và chuyển phần còn lại vào một cuộc đặt cược mua tùy chọn khác.
Tất nhiên, các cố vấn tài chính cảnh báo rằng việc bỏ tất cả trứng vào một giỏ là một động thái nguy hiểm. Một số nhà phân tích cũng nói rằng những vụ cá cược quyền chọn khổng lồ như của KoGuan đôi khi có thể trở thành vấn đề lớn và tạo tiền đề cho sự biến động về giá.
KoGuan là không bận tâm. Ông nằm trong số những người hâm mộ cuồng nhiệt Tesla, những người tin rằng công ty đang trên con đường một chiều để trở thành công ty lớn nhất thế giới.
KoGuan vốn sinh ra tại Indonesia vào năm 1955 sau đó ông chuyển đến Mỹ và lấy bằng cấp về các vấn đề quốc tế của Đại học Columbia và bằng luật của Trường Luật New York. Nhớ về khoảng thời gian sống trong một căn hộ bí bách ở Morningside Heights, Manhattan, KoGuan mô tả đó là "những năm tháng đẹp nhất của tôi".
Năm 1989, KoGuan mua các tài sản được chiết khấu mạnh của một nhà cung cấp phần mềm có trụ sở tại New Jersey đã phá sản, tiền thân của SHI sau này. Ông điều hành công ty cùng với vợ khi đó là Thai Lee, người phụ nữ Mỹ gốc Hàn đầu tiên vào Trường Kinh doanh Harvard. Vào thời điểm họ ly hôn vào năm 2002, doanh thu hàng năm của công ty đã vượt 1 tỷ USD.
KoGuan nói rằng ông đã không tham gia vào các hoạt động hàng ngày của công ty kể từ lâu nhưng vẫn là chủ tịch. Lee, người kiểm soát doanh nghiệp, là giám đốc điều hành.
KoGuan đã thực hiện một loạt các khoản quyên góp kéo dài nhiều năm cho một số trường đại học Trung Quốc, một số thậm chí có các tòa nhà mang tên của ông. Ông cũng bắt đầu viết và nói nhiều về điều mà mình đã nghiền ngẫm trong nhiều năm: Làm thế nào để xây dựng một hệ thống tốt hơn cho xã hội.
Nguồn: Bloomberg