Tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 86,51%, TP HCM có nên lới lỏng giãn cách? Chuyên gia phân tích giải pháp an toàn

03/09/2021 17:00 PM | Xã hội

Với tỷ lệ tiêm mũi 1 của TP HCM đã đặt hơn 86% cộng thêm số lượng người tiêm mũi 2 và người mắc bệnh đã khỏi, TP HCM hoàn toàn có thể lên phương án nới lỏng giãn cách, chuyên gia nói.

Theo dữ liệu từ cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, hiện đã có 86.51% người từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (dân số từ 18 tuổi trở lên tại TP là hơn 6,9 triệu người, số vắc xin đã tiêm là hơn 6 triệu liều).

Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP, ông Phạm Đức Hải, cho biết tính đến 18 giờ 00 ngày 01/9/2021, có 227.129 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 226.681 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 448 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 41.040 bệnh nhân, trong đó có 2.890 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.749 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 1/9, có 3.369 bệnh nhân xuất viện, 217 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 9.724).

Về chiến dịch tiêm chủng, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 01/9/2021 là 6.225.960 (tăng 6424 mũi vắc xin so với ngày 31/8/2021), trong đó tổng số mũi 1 là 5.894.452, mũi 2 là 350.584, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 685.694.

 Tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 86,51%, TP HCM có nên lới lỏng giãn cách? Chuyên gia phân tích giải pháp an toàn - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin cho công nhân, nhân viên tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh Việt Hùng.

Với tỷ lệ viêm vắc xin đã đặt tới 86.51% người từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM, nhiều người đặt ra câu hỏi có nên nới lỏng các biện pháp giãn cách. Trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền Nhiễm TP HCM, bác sĩ cho biết: "Với tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 trên 86% cộng thêm số lượng hàng nghìn người đã khỏi bệnh COVID-19 thì Thành phố Hồ Chí Minh có thể tính tới phương án nới lóng giãn cách.

Tuy nhiên, nới lỏng giãn cách sẽ thực hiện từng phần và có giám sát. Thành phố không thể nới lỏng ồ ạt ngay, dịch có thể bùng phát lại và có thể gây nguy hiểm cho nhóm người chưa được tiêm mũi vắc xin nào".

Bác sĩ Khanh lưu ý những người đã tiêm 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày hoặc 2 mũi vắc xin hoặc mắc COVID-19 đã khỏi bệnh có thể quay trở lại công việc của mình. Ví dụ như một công ty có tỷ lệ tiêm vắc xin cao có thể cho trở lại làm việc, cửa hàng nào có giấy chứng nhận tiêm vắc xin có thể cho trở lại buôn bán.

Bác sĩ Khanh cho biết: "Những nhà máy, công trình xây dựng đã tiêm đủ ít nhất 1 liều vắc xin và đã qua 14 ngày có thể quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình đi lại người dân vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Việc tiêm được 1 liều vắc xin, cơ thể của có kháng thể bảo vệ phòng ngừa dịch bệnh. Nếu không may mắc bệnh thì bệnh sẽ nhẹ, không nguy kịch tới tính mạng".

Đồng quan điểm với bác sĩ Khanh, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng cho rằng với mức độ bao phủ vắc xin mũi 1 đạt mức trên 86%, TP HCM có thể tính tới phương án nới lỏng giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, vị chuyên gia dịch tễ cũng lưu ý khi nới lỏng giãn cách cần phải tính toán người tiêm đã qua 14 ngày đã đủ thời gian tạo miễn dịch hay chưa. Và chuyên gia nhấn mạnh, tại khu vực đông người vẫn cần phải quản lý chặt chẽ. Tại khu vực tập trung ít người, mọi người đã tiêm vắc xin và mắc bệnh đã khỏi có thể đi làm.

"Nếu thành phố có nới lỏng thì 5K là quan trọng để phòng ngừa dịch bệnh quay lại. Virus đi theo cá nhân và lan truyền cho người khác cho nên giãn cách cá nhân là rất quan trọng", PGS Huy Nga nói.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM