Tweet triệu view làm thế giới lo lắng khi 'mình sẽ mất việc vì AI'
Từ trước đến giờ, vốn đã có nhiều nhận định cho rằng trí tuệ nhân tạo AI sẽ làm nhiều công việc của con người biến mất. Các nhận định đó càng trở nên rõ nét hơn kể từ khi ChatGPT xuất hiện với màn trình diễn các khả năng thú vị của mình. Thế nhưng ChatGPT sẽ trả lời thế nào đối với câu hỏi: công việc nào của con người có thể bị AI loại bỏ?
Anh Ben Tossell, người sáng lập trang bensbites.co, nơi thường xuyên cập nhật thông tin về các bước tiến của AI, đã thử đặt câu hỏi này cho ChatGPT và chia sẻ nó lên Twitter của mình. Số lượt xem và tương tác với dòng tweet này cho thấy câu trả lời của ChatGPT làm mọi người chấn động như thế nào. Tính đến hiện tại dòng tweet này đã có hơn 1,4 triệu lượt xem với hàng nghìn bình luận bên dưới.
Có lẽ điều thật sự làm mọi người kinh sợ không chỉ nhận định chung chung về loại công việc nào sẽ bị AI cướp mất, mà còn ở chỗ lời giải thích của ChatGPT về lý do điều đó có thể xảy ra trong tương lai dựa trên lợi thế của AI cũng như điểm yếu của con người đối với loại công việc này.
Hàng loạt nghề nghiệp được nhắc đến trong "danh sách đen" của ChatGPT, bao gồm cả nhiều liên quan đến sự sáng tạo – lĩnh vực trước đây thường được xem như dành riêng cho con người – bao gồm, sáng tạo nội dung, thiết kế đồ họa, phát triển web, thiết kế nội thất, hay sáng tác nhạc. Bên cạnh đó là nhiều công việc thường thấy như giáo viên, phân tích dữ liệu, phân tích tài chính, phóng viên, quản lý tiếp thị, quản lý sản phẩm, nhân sự, quản lý mạng xã hội, …
Một năm trước đây, nhận định chắc hẳn sẽ nhận được nhiều lời phản đối của mọi người, nhưng kể từ khi ChatGPT xuất hiện và cho thế giới thấy khả năng giao tiếp như người thật của mình, nguy cơ nói trên đã hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Các yêu cầu từ người dùng về làm thơ, viết bài đăng mạng xã hội, lập kịch bản hoặc thậm chí tư vấn luật đều được ChatGPT hoàn thành một cách nhanh chóng.
Cho dù không phải ai cũng hài lòng với câu trả lời từ ChatGPT nhưng với tốc độ học hỏi nhanh chóng và đang được hàng chục triệu người trên thế giới tham gia huấn luyện liên tục mỗi ngày, khả năng hoàn thiện của AI sẽ nhanh hơn nhiều so với tưởng tượng của mọi người.
Ngay cả công việc lập trình – công việc của những người góp phần tạo nên ChatGPT – trớ trêu thay cũng đang trên bờ vực bị chính ChatGPT thay thế khi mới đây, CFTE – một trung tâm đào tạo về tài chính và Fintech – quyết định kiểm tra khả năng lập trình Python của chatbot này. Kết quả thật đáng kinh ngạc, không chỉ hoàn thành tất cả các câu hỏi, ChatGPT còn đạt điểm số cao hơn 3,3 triệu lập trình viên từng trải qua bài kiểm tra này và lọt vào top 15% điểm số cao nhất.
Trước đó, một tài liệu nội bộ của Google còn cho thấy, chatbot này có thể vượt qua được bài phỏng vấn cho vị trí lập trình viên bậc 3 của người khổng lồ công nghệ này với mức lương khoảng 183.000 USD – cao hơn khá nhiều so với các lập trình viên cấp thấp hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm ở Mỹ, vốn chỉ có mức lương trung bình khoảng 85.000 USD/năm.
Ngay cả khi chưa có khả năng lập trình được các phần mềm lớn, các thử nghiệm cũng cho thấy tiềm năng của ChatGPT trong lĩnh vực kiểm thử, tìm lỗi lập trình trong các phần mềm. Cho đến giờ, công việc này vẫn phụ thuộc vào các tester và những công cụ phần mềm hỗ trợ, thế nhưng thử nghiệm mới đây cho thấy, ChatGPT mang lại khả năng phát hiện lỗi tốt hơn hẳn các phần mềm hiện có và trong tương lai có thể đánh bại cả con người trong lĩnh vực này.
Mặc dù vậy, có lẽ trong tương lai gần các lập trình viên cấp cao vẫn chưa cần quá lo lắng. Trong một bài kiểm tra năng lực giữa ChatGPT với mô hình AI LaMDA của Google, khi được hỏi về khả năng thay thế lập trình viên trong phát triển phần mềm, cả 2 chatbot này đều cho rằng điều dó gần như là không thể.
Cả hai chatbot này đều cho rằng, lập trình phần mềm cấp cao cần đến sự sáng tạo và trình độ của các lập trình viên cấp cao, cũng như là một môn thể thao đồng đội khi phải phối giữa nhiều người với nhau. Có lẽ đây sẽ là một lối thoát cho những người đang lo lắng về tương lai công việc của mình – nâng cao năng lực và đưa cấp độ công việc của mình lên một tầm cao mới.