"Nếu không theo bóng đá thì chắc cuộc sống của em rất lặng lẽ. Bóng đá thiệt thòi cho phái nữ nhưng cũng mang lại cho chị em nhiều thứ. Nếu ở nhà đi làm công nhân, làm may hay những công việc bình thường khác, liệu em có thể giúp đỡ bố mẹ và gia đình không?" – Quả bóng vàng nữ năm 2018 chia sẻ.
- Tình yêu với trái bóng tròn bắt đầu nhen nhóm trong Dung từ khi nào?
- Ngay từ khi còn bé, chắc chỉ 5-6 tuổi, em đã đi đá bóng cùng các bạn nam trong xóm. Cả nhóm đó, có mỗi em là nữ, toàn trốn bố mẹ đi thôi. Ngày ấy, mẹ em hay mắng là tại sao con gái mà cứ đi với tụi con trai, rồi còn chơi đá bóng. Thật sự em cũng không biết tại sao lúc đó lại thích trái bóng đến thế. Chỉ biết là những trò chơi của các bạn nữ thì em không tham gia nhưng riêng đá bóng của các bạn nam thì em luôn góp mặt.
Vì hay tụ tập với các bạn nam nên em ăn đòn cũng nhiều (cười). Có trận đòn mà em còn phải chạy nhưng vẫn bị túm về và đánh cho te tua. Tuổi thơ dữ dội, nghịch chẳng kém gì con trai. Mà giờ cũng có nhiều người bảo em giống con trai, cá tính quá. Nhưng em chẳng nghĩ gì. Bản thân thích và quan trọng, mình được là chính mình thôi.
- Từ niềm yêu thích từ khi còn rất nhỏ đó, cơ duyên nào đưa Dung đến với thể thao chuyên nghiệp?
- Khi có đợt thi tuyển vào đội trẻ của CLB Phong Phú Hà Nam, các bác em bảo "hay cho nó thử". Bố em vì ủng hộ từ đầu nên nhất trí luôn. Còn mẹ cũng biết em đam mê trái bóng từ nhỏ nên sau cũng đồng ý. Em đi thi và đỗ. Khi ấy, em mới 13 tuổi. Gia đình còn nghèo nên em nghĩ, lên đội thì sẽ giúp bố mẹ được phần nào. Bố mẹ không phải nuôi em nữa, còn em thì được chơi bóng.
Bóng đá Hà Nam lúc bấy giờ cũng được nhiều người biết đến nên họ hàng ở quê cũng ủng hộ cho em đi theo con đường này. Buổi tối trước hôm em lên đội, mọi người đến nhà em uống nước rất đông. Thời ấy còn nghèo lắm nhưng các bác các cô vẫn cho vài nghìn để lên trên đấy có đồng ra đồng vào. Kỷ niệm vui ấy em nhớ mãi cho tới bây giờ.
- Quãng thời gian đầu lên đội trẻ của Phong Phú Hà Nam của một cô bé mới học lớp 8 hẳn là rất khó quên phải không?
- Lúc mới lên đội, em nhớ nhà kinh khủng. Nhiều khi nằm không ngủ được, em khóc vì nhớ thương bố mẹ. Em khi ấy không có điện thoại như bây giờ. Những ngày đầu trên đội, muốn gọi điện về cho gia đình thì phải ra bưu điện cách đội khoảng 200m. Mà em gọi điện về cho nhà hàng xóm chứ nhà em thời đó không có nổi điện thoại bàn. Sau đó mọi người gọi bố mẹ sang để nói chuyện. Cũng vì hoàn cảnh còn khó khăn, chưa có xe máy nên gia đình phải nhờ bác chạy xe ôm trở em lên đội. Bố mẹ muốn lên thăm con cũng phải đi nhờ.
Hà Nam lúc đó đóng quân ở Hòa Mạc, Duy Tiên, cách nhà em khoảng 23 – 25 cây số. Hồi đó, cũng do không có điều kiện, tiền bạc gì nên thỉnh thoảng về quê, em cùng một đứa bạn quê Bình Lục cứ đi bộ thôi. Chúng em bắt được ai thì xin đi nhờ một đoạn, khi nào họ rẽ mà không phải đường về nhà mình lại xuống đi bộ tiếp. Cứ như vậy rồi cuối cùng cũng về được nhà. Bây giờ nghĩ lại ngày đấy cảm thấy rất vui. Đúng là nghèo khổ thật nhưng cũng có những kỷ niệm rất đáng nhớ.
- Trong giai đoạn đó, điều gì là khó khăn nhất với các cầu thủ trẻ như Dung?
- Khó khăn thì nhiều lắm. Vì Hà Nam là tỉnh nghèo, chế độ đãi ngộ chưa cao, ngay cả việc duy trì đội bóng cũng còn khó khăn. Ngày trước đội Hà Nam toàn dùng lốp xe người ta vứt đi, buộc dây thừng vào để luyện tập. Em nhớ tất cả những điều ấy vì mình càng khổ cực thì càng biết vươn lên. Phải nói lúc đó mọi người trong đội "lá lành đùm lá rách". Các chị có chế độ cao hơn thì đùm bọc các em nhỏ.
Thời điểm ấy, bọn em chia nhau ra để trực nhật, nấu ăn và tự quét dọn vệ sinh ở khu mình đóng quân. Nhiều khi không biết nấu thì phải nhờ sự trợ giúp của các chị, dần dần thì mình cũng quen.
- Những lúc khổ cực, thiếu thốn đó, Dung thường nghĩ tới điều gì?
- Khi lên đội, niềm đam mê bóng đá trong em luôn thôi thúc. Em cũng nhìn vào hình tượng mà bản thân ngưỡng mộ là chị Văn Thị Thanh (tiền vệ của Phong Phú Hà Nam – PV) để nỗ lực phấn đấu từng ngày.
Em cũng nghĩ tới bố mẹ để làm động lực cố gắng. Từ khi lên đội đến khoảng năm 2010, em không giúp được gì cho gia đình. Thời gian đó, em chập chững đi đá bóng, điều kiện và chế độ được hưởng rất thấp. Mới lên đội chỉ được ít tiền, cân đường, hộp sữa rồi mấy tháng sau mới được 60.000 đồng rồi dần dần tăng lên.
Phải đến năm 2011, khi em lên đội tuyển, chế độ trên đó tốt hơn ở CLB thì mới có đồng ra đồng vào để giúp đỡ bố mẹ. Tuyển nữ ngày xưa thì không nhiều đâu, nhưng đối với em, đó là số tiền lớn và em có thể giúp đỡ được gia đình.
- Lên tuyển khi mới 18 tuổi, Dung thích nghi với những đàn chị có tên tuổi lúc bấy giờ thế nào?
- Lúc mới lên tuyển, em nhiều bỡ ngỡ lắm. Tập với toàn các chị nên phải tập trung chú ý để làm cho đúng, làm sai sợ các chị mắng. Tự mình tạo ra cho mình những áp lực thế thôi chứ thực ra các chị chỉ bảo cho rất tận tình. Mất một khoảng thời gian ngắn rồi em cũng dần ổn định.
Lần đầu tiên đặt chân lên đội tuyển, em tự đặt ra mục tiêu cho bản thân là cố gắng làm sao để trụ lại và được các huấn luyện viên tin tưởng sử dụng. Lên đội tuyển, sự cạnh tranh lớn và khốc liệt hơn, đòi hỏi bọn em phải có ý chí và nỗ lực nhiều hơn ở CLB.
- Trong suốt 13 năm gắn bó với trái bóng tròn ấy, đã bao giờ Dung muốn bỏ cuộc chưa?
- Nói về việc vì khó khăn, đói khổ quá mà nghĩ bỏ cuộc thì thực sự không có. Còn nói đến thời điểm mà em buồn, chán nản và muốn dừng lại nhất thì là khoảng thời gian năm 2012. Thời điểm đó em bị chấn thương đầu gối và phải lên bệnh viện thể thao để điều trị hơn 1 tháng.
Em nghĩ không chỉ với bóng đá mà với tất cả các môn thể thao, chấn thương là một cơn ác mộng đối với vận động viên. Một cầu thủ đang thi đấu chuyên nghiệp mà chẳng may gặp chấn thương thì đó chính là một bước ngoặt. Có vượt qua được hay không phụ thuộc vào ý chí và nỗ lực của người đấy.
Năm ấy, em bị chấn thương. Tuy không nghiêm trọng nhưng khi trở lại tập luyện, em bị mất cảm giác bóng. Lúc đó em đã buồn rồi, chờ đợi suốt để tới ngày được chơi bóng lại mà kết quả như vậy nên cảm thấy vô cùng nản. Tự nhiên trong đầu có lóe lên suy nghĩ từ bỏ nhưng bản thân nhanh chóng gạt đi.
Em tự nhủ phải vượt qua được. Những mục tiêu em đặt ra vẫn còn rất nhiều và chưa làm được nên không thể bỏ cuộc. Dần dần, quyết tâm và việc rèn luyện đúng theo phương pháp của các thầy đã giúp em trở lại vững vàng hơn.
- Còn tâm lý chán nản khi thất bại trong các trận cầu lớn thì sao?
- Về thất bại thì em nhớ nhất năm 2014. Năm đó mình gặp Thái Lan và trong trận đó, chỉ cần mình thắng là sẽ được sang dự World Cup. Người hâm mộ hôm đó đến kín sân luôn. Thi đấu ngay trên sân nhà nhưng bọn em lại mang đến sự thất vọng cho mọi người.
Khi tiếng còi kết thúc vang lên, chị em gục xuống, có người khóc, có người buồn, có người thì kìm nén. Nhưng tất cả các đều có một tâm trạng chung là rất buồn vì đã gieo cho mọi người hy vọng lớn nhưng cuối cùng lại để thất vọng.
Buồn bã như vậy nhưng bọn em quyết tâm đứng lên từ thất bại và tuyệt đối không có chuyện bỏ cuộc. Bọn em phải biết những đã làm được gì và chưa làm được gì để cố gắng và cải thiện những điều đó.
Khi gặp lại Thái Lan tại Asiad 2014 ở Hàn Quốc sau đó, tuyển nữ Việt Nam đã chiến thắng họ và trả được món nợ ở sân Thống Nhất.
- Các chị em mà cũng "ăn miếng trả miếng" quyết liệt vậy sao?
- Bóng đá là một môn đối kháng và ăn thua rất kinh khủng. Với bóng đá Việt Nam, Thái Lan là "kỳ phùng địch thủ" với rất nhiều duyên nợ. Mình từng thua họ nhưng cũng thắng họ nhiều. Nhưng lần nào gặp Thái Lan, chị em cũng chơi với sự quyết tâm cao nhất.
Gần đây nhất là chúng em thắng tuyển Thái Lan trong trận chung kết SeaGames 30. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, mọi người chạy lại ôm nhau, nhảy lên vì quá sung sướng và muốn vỡ òa luôn. Không nghĩ được thêm gì nữa. Toàn đội nắm tay nhau đi chào mọi người và sung sướng gấp bội vì các cổ động viên đã đến sân rất đông và ủng hộ chúng em ngày hôm đó.
Đêm ấy, bọn em thức đến 5-6 giờ sáng. Không biết tại sao trong lòng cứ rạo rực, nằm mà không thể nào ngủ được. Đó thực sự là những cảm xúc tuyệt vời.
- Mọi người thường nhắc đến bóng đá nữ với những sự thiệt thòi, thiếu thốn. Ở trong hoàn cảnh như thế, Dung và các đồng đội đã vượt qua thế nào để liên tiếp giành những thắng lợi lớn?
- Đúng là các cầu thủ nữ có vất vả, khó khăn thật. Ví như thể trạng của nữ không thể bằng được nam giới. Bọn em bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi khí hậu, thời tiết vì sức đề kháng kém. Nhưng về ý chí và nỗ lực thì phụ nữ không hề thua kém. Trải qua biết bao ngày tháng rèn luyện cực khổ để đến được như hôm nay thì mình cũng đã quen rồi. Giờ mình là cầu thủ chuyên nghiệp, không nên kêu ca quá nhiều về những chuyện bên lề như vậy, phải tự tìm cách khắc phục. Đã theo nghề, đã đam mê trái bóng thì phải chấp nhận và hy sinh.
Trước mỗi giải đấu lớn, chị em động viên nhau nhiều để thi đấu thật tốt. Bọn em có câu nói vui là "Cố gắng thi tốt để còn được thưởng, có chút ít tiền". Đúng là khi mình có thành tích thì mới có sự quan tâm của mọi người. Nên mình cố gắng thi đấu sao cho thật tốt để quan tâm, ủng hộ.
Trong những giải gần đây, em thấy sự nỗ lực, cố gắng của toàn đội đã được đền đáp. Tuyển nữ đã nhận được sự công nhận và tình cảm lớn của những người hâm mộ, cũng như tất cả các lãnh đạo Liên đoàn thể thao. Nhiều tổ chức, cá nhân đã theo dõi và gửi những phần quà động viên. Chúng em rất vui và hạnh phúc vì điều đó.
- Vì đam mê mà chấp nhận và hy sinh, Dung có nghĩ mình mất nhiều hơn được khi lựa chọn con đường của một nữ cầu thủ chuyên nghiệp không?
- Nếu không theo bóng đá thì chắc cuộc sống của em rất lặng lẽ. Bóng đá thiệt thòi nhiều cho phái nữ, nhưng cũng mang lại cho chị em nhiều thứ. Chị em vất vả nhưng khi đi theo bóng đá thì cũng có nhiều hơn để trang trải cho gia đình.
Nếu em ở nhà đi làm công nhân, làm may hay những công việc bình thường khác liệu em có thể giúp đỡ bố mẹ và gia đình không? Em nghĩ các chị em đi theo bóng đá thì nhận được nhiều hơn là mất. Chưa kể, đó là đam mê, là tình yêu dành cho trái bóng. Em hài lòng với con đường bản thân đang đi.
Với mỗi giải đấu, cái đầu tiên là bọn em phấn đấu, nỗ lực và đoàn kết vì màu cờ sắc áo. Mình không chỉ là một đội tuyển của Việt Nam mà mình thay mặt cho cả đất nước, hơn 90 triệu người dân của nước mình. Lúc đó lòng tự hào dân tộc, màu cờ sắc áo khiến tất cả chị em thi đấu với quyết tâm cao.
Lên sân hầu như là quên mình rồi, chỉ còn tinh thần chiến đấu thôi. Ngã cũng không đau. Tất cả những vết trầy, vết xước cũng không là gì hết. Mỗi lần va chạm ngã xuống sân là bọn em lại đứng lên chiến đấu tiếp. Vì lúc đấy sự cổ vũ của mọi người rất lớn và đó là động lực cho mình tiến lên.
- Sau tất cả những khó khăn đã vượt qua, nhìn lại hành trình 13 năm đã qua, Dung có ước mơ gì?
- Trên đội tuyển thì 2019 là năm lịch sử khi bóng đá nữ lần đầu tiên vừa được huy chương vàng khu vực Đông Nam Á, vừa được huy chương vàng Sea Games. Giải đấu năm bọn em thi đấu ở Olympic thế giới thì bọn em lọt vào vòng trong. Năm nay là năm mà bọn em đi thi đấu 3 giải đều thành công.
Trong tương lai, em còn phải cần cố gắng hơn để đạt được nhiều thành tích hơn nữa. Thứ nhất là cố gắng thì đấu thật tốt ở giải đấu mới. Thứ hai là cùng CLB đạt những thành tích cao hơn. Thứ ba là cũng đặt ra mục tiêu cho mình tại Đội tuyển Việt Nam cũng như các giải thưởng cá nhân.
Còn ước mơ lớn nhất trong sự nghiệp thi đấu của em là một lần đưa đội tuyển nữ Việt Nam góp mặt tại sân chơi World Cup. Em nghĩ đó không là giấc mơ xa đâu vì bây giờ World Cup tăng lên 32 đội rồi. Châu Á có thêm 1, 2 suất thì mình vẫn có cơ hội cạnh tranh với các nước khác. Là một cầu thủ, mình phải mơ ước đến những giải đấu tầm cỡ.
Riêng với người hâm mộ, em mong sao mọi người có thể đến xem nhiều hơn, không những ở các giải đấu quốc tế mà còn ở các giải đấu trong nước, giải vô địch quốc gia. Đá bóng trong sự cổ vũ, reo hò của người hâm mộ thực sự rất khác, cảm xúc rất tuyệt vời.
Cảm ơn những chia sẻ của Tuyết Dung.
Bài tiếp: Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng - tuyển thủ không uống rượu bia, không bar, không karaoke, cứ 10h tối là lên giường đi ngủ
Trí thức trẻ