Tuyệt chiêu 'tẩy não' nhân viên của Apple: Lương thấp cũng không sao, miễn là tôi được làm việc tại Apple!

06/01/2017 07:30 AM | Kinh doanh

Nhiều người xúc động đến rơi nước mắt vì có được cơ hội làm việc cho Apple. Khi họ đến cửa hàng bán lẻ và đi những bước đầu tiên trong công ty, chuyên viên đào tạo sẽ nói: “Chúng ta không bán sản phẩm, chúng ta đang làm phong phú thêm cuộc sống của mọi người”.

Steve Jobs có tính cách gàn dở. Như việc ông thích điều khiển mọi người làm theo ý mình, bắt cả tập thể quay về suy nghĩ ban đầu. Nhân viên của ông cũng quen với việc vứt bỏ, làm lại sản phẩm mỗi khi Apple cho ra mắt một sản phẩm quan trọng.

Ở khía cạnh sử dụng nhân tài, Jobs cũng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “tinh” và “giản” (tinh là giỏi, giản là gọn). Ông từng thành lập và điều hành hãng phim Pixar trong điều kiện không có “nhóm B”. Tức là không có lựa chọn thứ hai, cũng không có nhân tài dự phòng. Ở đây, bắt buộc phải là những họa sĩ truyện tranh, nhà văn và nhân viên kỹ thuật thông minh nhất, ai cũng phải dồn hết sức để làm việc.

Steve Jobs nói: “Chất lượng quan trọng hơn số lượng”.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Apple thực hiện một ý tưởng tập thể với niềm tin: Một tập thể nhỏ được tạo thành từ những nhân tài xuất chúng, có thể xoay chuyển vòng xoay khổng lồ. Công ty chỉ cần một tập thể xuất sắc như thế là đủ.

Mặt khác, Apple cũng phát triển 3 loại tinh thần:

Tinh thần cướp biển

Apple tuyên bố với mọi người tín điều của họ: “Hãy cứ thực hiện những phát minh sáng tạo của mình, đừng để ý người khác bàn tán thế nào về việc đó, một người đủ để thay đổi cả thế giới”.

Ở giai đoạn mới khởi nghiệp, Steve Jobs từng treo một lá cờ cướp biển khổ lớn trên nóc tòa nhà của công ty. Sau đó, ông có phát biểu kiêu ngạo rằng: Tôi khác biệt.

Đúng vậy, tất cả thanh niên đều mang trong mình lý tưởng, đức tin. Những người tài năng muốn theo đuổi sự “khác biệt” và bằng lòng phấn đấu suốt đời đều hướng tới Apple. Việc thiết lập “tinh thần cướp biển” đã thu hút hàng loạt nhân tài trẻ có tư duy sáng tạo và nổi loạn.

Steve Jobs nói: “Chúng tôi luôn chào đón những người đi tiên phong và luôn tìm tòi”. Vì vậy, họ cùng nhau dang rộng vòng tay của mình. Có thông tin tuyển dụng nào trực diện và hữu hiệu hơn thế?

Tinh thần sáng tạo

Một công ty tốt thể hiện được sự sáng tạo, đổi mới ở mọi lúc mọi nơi. Điều này càng đúng với Apple. Từ kiếu dáng sản phẩm, nền tảng phần mềm, ứng dụng trình duyệt, cho đến việc ra mắt sản phẩm mới hay biển hiệu treo phía trước cửa hàng, bất cứ chi tiết nào cũng toát lên hai từ: Sáng tạo.

Sản phẩm của Apple cũng vậy. Trước đây tôi từng thắc mắc mãi, tại sao nhân viên của mình lại mê mẩn chiếc iPhone đến vậy. Nhưng sau khi nhìn thấy thiết kế sản phẩm, tôi chợt hiểu ra: Chẳng mấy người có thể từ chối phong cách sáng tạo đó.

Nếu bạn xây dựng được văn hóa trong bộ phận, còn ai dám nghi ngờ việc bạn không xứng đáng là người đứng đầu? Chẳng ai muốn từ chối môi trường sáng tạo cả, ngoại trừ những người có cái nhìn tiêu cực, bi quan về cuộc sống, muốn đoạn tuyệt thế giới bên ngoài. Nếu không, nơi nào mang đến tinh thần sáng tạo, nơi đó nhất định có thể chiếm giữ tâm hồn anh ta.

Đề cao trải nghiệm của người dùng

Việc coi trọng trải nghiệm của người dùng, theo đuổi đến cùng một tiêu chuẩn có vẻ hoang đường đã giúp Apple thu hút được nhiều fan trên toàn thế giới. Mỗi thế hệ sản phẩm được đưa ra thị trường đều bắt nguồn từ những thay đổi dựa trên trải nghiệm của chính người sử dụng như trọng lượng, tốc độ... Hễ nghe đến sản phẩm của Apple, nếu như trong đầu bạn lập tức xuất hiện những từ như cao cấp, sành điệu, thời trang, hiện đại, chứng tỏ bạn đã bị nó tẩy não rồi.

Bạn tán thành việc “đề cao trải nghiệm của người dùng” có nghĩa bạn đã trở thành người ủng hộ trung thành của nó. Đây chỉ là một phần sự thật mà tôi muốn nói với bạn. Vì sau quá trình đào tạo của Apple, nhân viên sẽ tự nguyện bày tỏ mong muốn mãnh liệt của họ: Lương thấp cũng không sao, miễn là tôi được vào làm việc trong Apple!

Nhiều người xúc động đến rơi nước mắt vì có được cơ hội làm việc cho Apple. Khi họ đến cửa hàng bán lẻ và đi những bước đầu tiên trong công ty, chuyên viên đào tạo sẽ nói: “Chúng ta không bán sản phẩm, chúng ta đang làm phong phú thêm cuộc sống của mọi người.”

Những ý nghĩ tương tự ăn sâu vào trong đầu nhân viên, làm họ cảm thấy công việc của mình không đơn thuần chỉ là bán và sửa chữa sản phẩm, mình còn phục vụ cho những mục tiêu cao thượng hơn. Nếu bạn hỏi tôi rằng Apple có bí quyết gì để nhân viên một lòng một dạ làm việc cho họ, tôi có thể thẳng thắn rằng: Nâng cao giá trị của nhân viên. Đó là thủ thuật tẩy não mang lại hiệu quả lâu dài khi đào tạo nhân viên.

Nếu nhân viên cảm thấy mình đang hoàn thành một mục tiêu cao thượng, thì họ chẳng bận tâm đến việc mình kiếm được bao nhiêu tiền nữa. Họ không những chăm chỉ làm việc, mà còn không làm bất cứ điều gì gây ảnh hưởng đến danh tiếng và hình tượng của công ty.

* Nội dung trích từ cuốn “Thuật tẩy não” của tác giả Cao Đức.

Bảo Dương

Cùng chuyên mục
XEM