Tương tự HBC, một công ty xây lắp cũng mạnh tay trích lập dự phòng phải thu và báo lỗ hơn 140 tỷ đồng trong năm 2022

13/02/2023 17:37 PM | Kinh doanh

Lũy kế năm 2022, SRF đạt doanh thu thuần 1.186 tỷ đồng, tăng 27%, lỗ gộp 16 tỷ đồng và lỗ sau thuế 141 tỷ đồng.

Tương tự HBC, một công ty xây lắp cũng mạnh tay trích lập dự phòng phải thu và báo lỗ hơn 140 tỷ đồng trong năm 2022 - Ảnh 1.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của CTCP Searefico (mã chứng khoán SRF), doanh thu thuần trong quý đạt 416 tỷ đồng – giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do giá vốn tăng cao lên hơn 490 tỷ đồng, SRF lỗ gộp gần 75 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 81 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ 9 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty đánh giá lại các khoản phải thu, trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế SRF âm 147 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 20 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2022, SRF đạt doanh thu thuần 1.186 tỷ đồng, tăng 27%, lỗ gộp 16 tỷ đồng và lỗ sau thuế 141 tỷ đồng.

Tương tự HBC, một công ty xây lắp cũng mạnh tay trích lập dự phòng phải thu và báo lỗ hơn 140 tỷ đồng trong năm 2022 - Ảnh 2.

Trong kỳ, công ty không còn ghi nhận khoản lãi từ công ty liên kết (năm 2021 lãi 3 tỷ đồng) do đã thoái vốn tại CTCP xây lắp Thừa Thiên Huế (HHC). Ngày 17/1/2022, HĐQT công ty đã ban hành quyết định về thoái toàn bộ vốn đầu tư tại HHC và giao dịch đã hoàn thành ngày 21/3/2022. Tại ngày 31/12/2021, giá trị khoản đầu tư của SRF tại HHC là 159 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 36%.

Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản SRF ở mức 1.731 tỷ đồng, giảm 122 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn 723 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản. Khoản phải dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên gần 109 tỷ đồng, tăng thêm 77 tỷ đồng trong năm 2022.

Trường hợp của Searefico tương đồng với CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) khi doanh nghiệp này cũng báo lỗ trong quý 4 và năm 2022. Một lý do chính là do Hoà Bình đã mạnh tay tăng trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lên hơn 774 tỷ đồng, gấp đôi thời điểm đầu năm.

“Trong kỳ này, trích lập dự phòng các khoản phải thu khách hàng là một khoản trích lập mạnh tay của Tập đoàn Hòa Bình. Có thể nói là chúng tôi mạnh tay cắt bỏ đi những cái u nhọt từ một năm cực kỳ khó khăn để có một cơ thể sạch sẽ, khỏe mạnh hơn bước sang năm 2023 tốt đẹp hơn” – Ông Lê Viết Hải nói.

Nợ phải trả SRF ở mức 1.302 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, tổng nợ vay ở mức 502 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của SRF là Ngân hàng VietinBank, ngân hàng BIDV, ngân hàng Techcombank, ...

Theo Huyền Trang

Cùng chuyên mục
XEM