Tưởng rằng ở nhà nhiều sẽ chăm đọc sách: Chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam dự kiến giảm nghìn tỷ doanh thu và 90% lợi nhuận vì Covid-19

26/04/2020 21:03 PM | Kinh doanh

Năm 2019, Fahasa có một năm tăng trưởng, mở rộng hệ thống, đầu tư công nghệ vào trang thương mại điện tử nhưng sang đến 2020, do tác động của Covid-19, công ty giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận 90%.

CTCP Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) hoạt động trong lĩnh vực phát hành sách, báo, tạp chí, văn hóa phẩm, in ấn, xuất nhập khẩu sách. Tính đến cuối năm 2019, Fahasa có hệ thống gồm 112 nhà sách tại 46 tỉnh, thành phố. Năm 2019, Fahasa có một năm tăng trưởng nhưng sang đến 2020, do tác động của Covid-19, công ty giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận 90%.

Cụ thể, năm 2019, tổng doanh thu của Fahasa đạt 3.707 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018, vượt 6% kế hoạch năm. Công ty nhận định đây là tốc độ tăng trưởng cao trong tình hình khó khăn chung của thị trường, Fahasa vẫn gia tăng doanh số do thu hút được ngày càng nhiều hơn các khách hàng đến với hệ thống nhà sách trên toàn quốc.

Lợi nhuận của công ty năm 2019 đạt 30,5 tỷ đồng trước thuế và 24,47% sau thuế, tăng 8% so với năm trước và vượt 2% kế hoạch. Công ty cho biết trong điều kiện chi phí hoạt động tăng, công ty vẫn tăng trưởng lợi nhuận từ việc phát triển mạng lưới, tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí hoạt động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả.

Năm 2019, công ty khai trương 5 nhà sách mới tại TP.HCM, Hà Nội, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Kontum, nâng tổng số lên 112 nhà sách trên toàn quốc. Tổng tài sản của chuỗi nhà sách này lần đầu tiên đã vượt 1.036 tỷ.

 Tưởng rằng ở nhà nhiều sẽ chăm đọc sách: Chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam dự kiến giảm nghìn tỷ doanh thu và 90% lợi nhuận vì Covid-19  - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của Fahasa

Fahasa cho biết công ty đã đầu tư lớn về nguồn lực để tổ chức các nhà sách quy mô lớn và hiện đại trong năm 2019 theo hướng hoàn toàn mới về mọi mặt: hình ảnh mới, văn hóa mới, phong cách phục vụ mới, trẻ trung, nhiều trải nghiệm và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh - quản lý, đầu tư phát triển thương mại điện tử. Các nhà sách của Fahasa có diện tích từ 1.000-2.500m2 thiết kế đẹp và sang trọng, có khu vực dành cho khách hàng đọc sách hay nghỉ ngơi thư giãn, ứng dụng công nghệ hình thành nhà sách thông minh.

Fahasa mở rộng ra thị trường quốc tế, khai trương gian hàng tại nhà sách Kyobo- Seoul vào tháng 11/2019, các gian hàng sách Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản hoạt động khá thành công.

Về thương mại điện tử, trung tâm TMĐT Fahasa.com sau 3 năm hoạt động đã tăng trưởng doanh thu cao, dự báo sẽ phát triển bứt phá trong tương lai.

Tuy nhiên đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới đã khiến Fahasa phải triển khai nhiều giải pháp ứng phó để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, năm 2020 chỉ đặt doanh thu 2.600 tỷ đồng (giảm 1.100 tỷ so với năm trước tương đương giảm gần 30%) và lợi nhuận 3 tỷ đồng (giảm 90% cùng kỳ năm trước).

Đánh giá về tài chính của Fahasa, theo báo cáo kiểm toán của công ty, chuỗi phát hành sách này đang nắm giữ hơn 260 tỷ tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm khoảng 25% tổng tài sản, hàng tồn kho của công ty 651 tỷ đồng, công ty vay nợ ngân hàng rất ít, chỉ vay 3 tỷ đồng (tổng tài sản hơn 1.000 tỷ), các khoản nợ hiện tại là khoản phải trả người bán ngắn hạn (834 tỷ). Do đó Fahasa hoàn toàn không gặp áp lực về nợ vay.

Fahasa đang giao dịch 9,1 triệu cổ phiếu trên sàn Upcom với mã FHS, nhà nước nắm giữ 30,5% vốn.

 Tưởng rằng ở nhà nhiều sẽ chăm đọc sách: Chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam dự kiến giảm nghìn tỷ doanh thu và 90% lợi nhuận vì Covid-19  - Ảnh 2.

Theo Châu Cao

Từ khóa:  fahasa
Cùng chuyên mục
XEM