Tương lai nào cho HDG sau khi Bộ Quốc phòng thoái hết vốn?

16/10/2017 08:40 AM | Bất động sản

Bộ Quốc Phòng vừa đăng ký bán hết hơn 7,55 triệu cp HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô, tương đương 9,94% vốn điều lệ, dự kiến thu về hơn 264 tỷ đồng.

Tuy đăng ký thoái hết vốn tuy nhiên đến nay Bộ Quốc phòng chỉ bán được 771.000 cp HDG và giảm sở hữu xuống còn 8,92%, tương đương 6,78 triệu cp.

Được biết, Tập đoàn Hà Đô được thành lập vào năm 1990, tiền thân là Xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc Phòng). Hà Đô nhanh chóng vươn mình thành một ông lớn trong nhiều lĩnh vực như xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng giao thông; đầu tư và kinh doanh bất động sản; khai thác và quản lý các khu du lịch; thủy điện…

Trong lĩnh vực bất động sản, Hà Đô sở hữu và phát triển hàng loạt dự án đình đám từ Bắc chí Nam. Trong đó, siêu dự án hàng nghìn tỷ được xây dựng phát triển trên nền đất của các xí nghiệp thuộc bộ Quốc Phòng trước đây. Nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá đây chính là "bầu sữa" mang lại doanh thu khủng cho HDG nhiều năm nay.

Đình đám nhất là dự án Hà Đô Centrosa Garden tọa lạc tại số 200 đường 3/2 quận 10, TP.HCM. Theo tìm hiểu, lô đất này tiền thân là của nhà máy Z756 do bộ tư lệnh Công Binh quản lý. Sau khi di dời nhà máy Z756 một liên doanh gồm Tập đoàn Hà Đô - Công ty TNHH MTV 756 - Ngân hàng Thương mại CP Quân đội được thành lập để phát triển dự án Hà Đô Centrosa Garden trên nền đất cũ của nhà máy.

Theo đó, Hà Đô Centrosa Garden là dự án khu đô thị phức hợp cao cấp với quy mô lên tới 6,85 ha, chia làm nhiều phân khu chính: khu nhà phố liên kề hạng sang, khu căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, khu trường quốc tế, khu đậu xe trên cao... Tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Tương lai nào cho HDG sau khi Bộ Quốc phòng thoái hết vốn? - Ảnh 1.

Biệt thự trong dự án Hà Đô Centrosa Garden

Cụ thể, khu nhà phố liền kề có diện tích 10.628 m2 với 115 căn từ 4-5 tầng. Hiện một số dãy nhà phố trong dự án đã hoàn thành. Ngoài ra, dự án còn có khu căn hộ cao cấp bao gồm 8 block nhà cao 30 tầng, cung cấp cho thị trường 2.187 căn hộ.

Sở hữu vị trí đắc địa trên đường 3/2, Hà Đô Centrosa Garden được xem như “con gà đẻ trứng vàng” cho Tập đoàn Hà Đô. Theo dự tính, dự án Hà Đô Centrosa có tổng quy mô doanh thu khoảng 9.400 tỷ, trong đó khu thấp tầng đã bán hết đạt 1.400 tỷ. Khu cao tầng gồm trên 2.000 căn hộ của dự án có tổng doanh thu dự kiến khoảng 8.000 tỷ.

Tại lễ kỉ niệm 27 thành lập công ty ngày 10/10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đông – Tổng Giám đốc Tập đoàn Hà Đô cho biết chỉ sau một năm công bố, dự án Hà Đô Centrosa Garden đã hoàn thành bán hơn 90% sản phẩm với doanh số hàng ngàn tỷ đồng.

Tương lai nào cho HDG sau khi Bộ Quốc phòng thoái hết vốn? - Ảnh 2.

Khu căn hộ dự án Hà Đô Centrosa Garden

Mặc dù có tiềm lực phát triển nhiều dự án từ Bắc chí Nam, tuy nhiên có không ít dự án trong số đó của HDG không thành công như dự kiến. Điển hình là khu nhà ở biệt thự tại phường Thạnh Mỹ Lợi quận 2. Dù nằm liền kề ngay trung tâm hành chính quận nhưng lại bị bỏ hoang suốt nhiều năm.

Được biết, dự án này bao gồm 115 căn biệt thự được xây dựng từ năm 2005, nhưng sau khi hoàn thiện phần thô dự án đứng yên, những căn biệt thự không có người ở bỏ mặc cỏ dại bao vây.

Hiện tại, dù thị trường khu vực này đã sôi động nhưng hàng chục căn nhà phố tại dự án của Hà Đô vẫn phủ rêu xanh. Theo một môi giới, dù bị bỏ hoang nhiều năm tuy nhiên giá bán những căn nhà phố tại dự án này không hề thấp, tính trung bình khoảng từ 7 tỷ/căn.

Tương lai nào cho HDG sau khi Bộ Quốc phòng thoái hết vốn? - Ảnh 3.

Khu biệt thự Hà Đô quận 2

Tại TP Hà Nội, dự án Khu đô thị An Khánh - An Thượng nằm trên địa bàn 2 xã An Thượng và Song Phương huyện Hoài Đức, cách trung tâm TP Hà Nội 14 km của HDG cũng lâm vào hoàn cảnh không khả quan. Dự án này vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với quy mô dân số dự kiến khoảng 2.300 người...

Theo quy hoạch cũ, dự án có diện tích 30 ha, với quy mô dân số 10.084 người. Dự án được Tập đoàn Hà Đô triển khai từ năm 2009 với quy hoạch các hạng mục nhà ở, trường học, trung tâm thương mại… dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2017.

Trong đó, sản phẩm được chào bán nhiều nhất là các căn biệt thự có diện tích đất từ 250 đến 500 m2 với thiết kế hiện đại, gần gũi với thiên nhiên và các căn nhà liền kề có diện tích đất 200 m2 với đường phía trước và sau nhà, vừa sinh hoạt gia đình lại vừa có thể kinh doanh.

Giai đoạn bất động sản phía Tây Hà Nội sốt nóng, đất liền kề tại đây được giới đầu tư chào bán với giá lên đến 35 – 40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sự trầm lắng của thị trường sau đó khiến các giao dịch bị đình trệ và hoạt động đầu tư xây dựng của chủ đầu tư cũng phải tạm dừng.

Tương lai nào cho HDG sau khi Bộ Quốc phòng thoái hết vốn? - Ảnh 4.

Khu đô thị An Khánh - An Thượng

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, HDG đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.812 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện 2016. Lợi nhuận trước thuế 305,8 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty dự kiến khoảng 244,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả 2016. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 5-15%.

Theo báo cáo tài chính bán niên, tại thời điểm 30/6/2017, tổng tài sản của Hà Đô tăng 18% (tương đương 1.206 tỷ đồng) lên mức 7.906 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất 6 tháng năm 2017 của Hà Đô đạt 755 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ việc tiếp tục ghi nhận doanh thu từ bán khu thấp tầng thuộc dự án Centrosa Garden và phần đóng góp của nhà máy thủy điện.

Tương lai nào cho HDG sau khi Bộ Quốc phòng thoái hết vốn? - Ảnh 5.

Cụ thể, doanh thu kinh doanh bất động sản đạt 310,99 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng doanh thu hợp nhất và tăng gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng kinh doanh có biên lợi nhuận gộp cao nhất (gần 77%) của Hà Đô là khai thác thủy điện thông qua công ty con là Công ty CP Za Hưng đã tăng trưởng mạnh trên 200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng gần 40 lần so với 6 tháng đầu năm 2016 khi Công ty hạch toán 142 tỷ đồng là chi phí môi giới và bán hàng. Tiếp đến, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 62,9%, chi phí lãi vay tăng thêm 42,75% so với cùng kỳ 2016.

Thu không đủ chi khiến cho lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm hơn 20,13 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 6 tháng chỉ đạt 10,77 tỷ đồng thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu lãi 245 tỷ đồng được phê duyệt tại ĐHĐCĐ thường niên 2017. Nguyên nhân được phía Công ty giải trình là do tạm hoãn ghi nhận doanh thu tài chính từ nguồn chi trả cổ tức của công ty con.

Bên cạnh mảng bất động sản, Hà Đô đang đẩy mạnh đầu tư sang lĩnh vực năng lượng. Sau 10 năm đầu tư và vận hành thủy điện, đến nay sản lượng điện của Hà Đô đang cán mốc 800 triệu KWh/năm. Năm 2017, Tập đoàn này mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh mới là năng lượng tái tạo với việc phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời ở Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh phía Nam….

Việc cổ đông lớn thoái vốn và mở rộng đầu tư sang mảng năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho Hà Đô. Tuy nhiên kết quả kinh doanh hiện tại lại gây thất vọng cho nhà đầu tư.

Theo Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM