Tượng đài công nghiệp Mỹ sẽ tách làm ba, đặt dấu chấm hết cho thời hoàng kim của mô hình tập đoàn
Giá trị vốn hóa của GE đã giảm mạnh từ đỉnh gần 600 tỷ USD của năm 2000 (khi GE là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên TTCK Mỹ) xuống hiện chỉ còn 120 tỷ USD.
Theo thông báo được chính CEO Larry Culp đưa ra hôm qua (9/11), General Electric (GE), tập đoàn mà trong suốt hơn 1 thế kỷ vẫn được coi là biểu tượng cho sức mạnh của ngành công nghiệp Mỹ, sẽ chia tách thành 3 công ty đại chúng riêng biệt.
Theo dự tính GE Healthcare, mảng kinh doanh máy móc thiết bị y tế cho các bệnh viện, sẽ được tách ra vào đầu năm 2023. Sau đó mảng điện và năng lượng tái tạo (lần lượt sản xuất turbine cho các nhà máy điện và trang trại điện gió) sẽ hợp nhất thành 1 công ty mới và được tách ra vào đầu năm 2024. Phần còn lại là mảng hàng không vẫn sẽ là nhà cung ứng động cơ máy bay hàng đầu cho Boeing và Airbus.
Không chỉ khép lại thời hoàng kim của những tập đoàn công nghiệp khổng lồ, sự kiện này còn đặt dấu chấm hết cho câu chuyện GE sở hữu một "phép màu" để có thể luôn tiến lên phía trước và giúp cho bất kỳ ai cũng có thể trở nên giàu có hơn.
"Mô hình tập đoàn đã chết"
Cách đây 3 năm, khi Culp lên làm CEO và thừa hưởng 1 GE đang gặp nhiều khó khăn, đã có nhiều người ở cả trong nội bộ GE và ở bên ngoài kêu gọi hãy chia tách tập đoàn. Tuy nhiên, ông đã từ chối ý tưởng đó, nói rằng bản thân muốn sửa chữa GE và chỉ cần thêm thời gian mà thôi. Culp đã sửa chữa được khía cạnh tài chính của GE, nhưng cuối cùng vẫn phải thừa nhận nhà đầu tư muốn 1 cấu trúc đơn giản hơn và đó là con đường đúng đắn dành cho GE.
Suốt mấy chục năm qua, các CEO học tập GE và nhận được phần thưởng xứng đáng từ việc "nhìn xa trông rộng" và liên tục mở rộng đế chế. Giống như các ông lớn công nghệ ngày nay, các hội đồng quản trị tin rằng họ có thể phân bổ nguồn vốn hợp lý giữa các mảng kinh doanh để thích nghi với chu kỳ lên xuống của thị trường.
GE là công ty đã đẩy ý tưởng này đi xa và lâu nhất. Tuy nhiên, cấu trúc phức tạp lại chỉ che giấu các sai lầm của tập đoàn. Hầu hết các công ty sản xuất (như Siemens và DuPont) đã từ bỏ mô hình tập đoàn vì không hiệu quả và vì áp lực chia tách từ các nhà đầu tư.
"Mô hình tập đoàn đã chết", Bill George – cựu CEO của Medtronic và hiện đang công tác tại Harvard Business School – nhận định. Theo ông, các đơn vị trực thuộc sẽ đầu tư hiệu quả hơn nếu được tự ra quyết định.
GE từng làm ra rất nhiều thứ: từ các thiết bị cung cấp điện cho cả thành phố đến đồ điện gia dụng trong từng hộ gia đình, công nghệ phát thanh truyền hình, phát minh ra máy MRI, động cơ máy bay phản lực cho đến cả những khoản vay thế chấp.
Tuy nhiên, qua thời gian GE đã phải cắt bỏ nhiều mảng không đem lại hiệu quả. Tập đoàn chật vật thoát khỏi khủng hoảng tài chính, và áp lực thu hẹp càng lớn hơn sau năm 2018, khi lợi nhuận sụt giảm mạnh buộc GE phải ngừng chia cổ tức và thay CEO.
"GE từng là công ty lớn nhất và tốt nhất trên thị trường. Nhưng tập đoàn đã trượt dốc quá xa trong thời gian quá dài, mà nguyên nhân cơ bản là do phân bổ nguồn vốn kém hiệu quả và yếu kém trong quá trình vận hành", David Giroux, giám đốc đầu tư của quỹ T.Rowe Price và cũng là cổ đông lớn của GE nói.
Năm 2003, GE hoạt động ở 13 mảng, từ kinh doanh bảo hiểm cho đến truyền thông với NBCUniversal. Nhưng kể từ đó đến nay tập đoàn đã bán bớt rất nhiều mảng.
Gã khổng lồ bị tụt lại phía sau
Culp, "người ngoài" đầu tiên ngồi vào ghế CEO, đã bán bớt các mảng kinh doanh, thay hàng loạt lãnh đạo, đóng cửa nhiều trụ sở và thực hiện 1 cuộc cải tổ toàn diện. Một loạt biện pháp giúp tình hình tài chính của GE được cải thiện và tập đoàn đã trả được các khoản nợ trị giá 75 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin thân cận chia tách là điều chưa từng xuất hiện trong kế hoạch của Culp và các nhà đầu tư không đồng tình với điều đó. Cổ phiếu GE bị các đối thủ như Siemens và Honeywell bỏ lại phía sau. Mức giá gần như không thay đổi so với khi Culp nhậm chức vào tháng 10/2018, trong khi cùng kỳ chỉ số S&P 500 đã tăng 60%.
Đầu năm nay, GE có tổng cộng 174.000 nhân viên, so với mức hơn 300.000 nhân viên cách đây vài năm. Mặc dù vẫn là một trong những nhà sản xuất turbine điện và động cơ máy bay hàng đầu thế giới, GE đã ngừng sản xuất các sản phẩm tiêu dùng và rời khỏi ngành ngân hàng. Giá trị vốn hóa giảm mạnh từ đỉnh gần 600 tỷ USD của năm 2000 (khi GE là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên TTCK Mỹ) xuống chỉ còn 120 tỷ USD. Hàng trăm tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi.
Nhiều năm nay GE đã liên tục bán đi các mảng. Cựu CEO Jeff Immelt đã bán NBCUniversal cho Comcast và mảng thiết bị điện gia dụng cho 1 công ty Trung Quốc. Bản thân Culp cũng bán mảng khoa học đời sống, thu về 22 tỷ USD và mảng cho thuê máy bay chiến đấu Gecas.
Dưới sự lãnh đạo của ông, lợi nhuận thặng dư của tập đoàn đã được cải thiện. GE dự báo trong năm 2023 sẽ tạo ra dòng tiền mặt hơn 7 tỷ USD.
Bất chấp danh tiếng là 1 công ty có trình độ quản lý xuất sắc, cấu trúc quá cồng kềnh dẫn đến 1 bộ máy quan liêu mà một số nhà đầu tư và cựu lãnh đạo của GE cho là khiến công ty hoạt động không hiệu quả và rất khó kiểm soát. Lợi nhuận của mảng này ngay lập tức sẽ được mang ra bù đắp cho mảng yếu hơn, và thực trạng thua lỗ của mảng tài chính đè nặng lên các mảng cốt lõi. Lượng cổ tức khổng lồ phải chi trả khiến tập đoàn không thể tái đầu tư.
Các công ty mới sẽ nhỏ hơn nhiều so với GE cũ nhưng vẫn có quy mô khá lớn so với các công ty cùng ngành. Tuy nhiên điều đó giúp cho GE trở nên minh bạch hơn trong mắt nhà đầu tư và giảm tình trạng chồng chéo.