Tuổi trẻ tôi chỉ biết kiếm tiền, mài mặt mỗi ngày, tiêu 10k cũng tiếc, nhưng sao vẫn không thể sống tự do và phung phí như bạn bè xung quanh?
Bạn có thể hiểu rằng hầu hết cuộc sống của mọi người trong xã hội này đều xoay quanh tiền bạc.
Có lần vào khu đồ ăn vặt của siêu thị, tôi thấy cô thu ngân quên giảm giá cho mình. Dù đã mang túi đồ đi được vài chục mét nhưng tôi vẫn quay lại yêu cầu thu ngân tính lại giá đúng. Tôi tiết kiệm được 7 ngàn.
Một lần, người lái xe đi đường vòng một cách khó hiểu khiến quãng đường trở nên xa hơn khoảng gần 1km. Vì đó là quãng đường thường xuyên đi, cho nên tôi đã nắm chắc giá cả của chuyến đi đó, cao hơn bình thường gần 10 ngàn. Sau khi kiểm tra hóa đơn, tôi đã không nói gì, ngay lập tức gọi lên tổng đài để phàn nàn và yêu cầu không phải trả phí cho quãng đường vòng đó.
(Ảnh minh hoạ)
Một lần khác, khi mua trái cây trên mạng, do thời gian và quãng đường vận chuyển cho nên đã bị hỏng mất khoảng 1/3. Dù chỉ khoảng 60 ngàn nhưng tôi vẫn phản hồi cho cửa hàng và yêu cầu bồi thường toàn bộ giá trị đơn hàng đó. Tôi cảm thấy buồn khi giá thịt lợn và rau tăng còn nhanh hơn giá xăng. Tôi sẽ mua những hộp sữa cận date vì chúng sẽ rẻ hơn hàng mới đưa lên kệ.
Tôi nghĩ mình quan tâm rất nhiều đến tiền bạc vì trên đời này không có gì là không cần tiền. Tiền của tôi là tự bản thân kiếm được nhờ những ngày giờ mài mặt trong một văn phòng nhàm chán, không một ai cho tôi thêm một đồng vì tôi chăm chỉ, cho nên từng xu cũng không được sử dụng một cách vô ích.
(Ảnh minh hoạ)
Cho nên làm sao tôi có thể không quan tâm đến tiền bạc chứ? Nhiều lần, tôi không thể hiểu được rằng tại sao những người không hơn tôi, giống tôi, thậm chí không chăm chỉ được như tôi lại có thể phung phí tiền bạc , không chỉ tiêu tiền phần ngày mai, mà còn mạnh tay tiêu tiền của cả mười năm sau, họ tiêu tiền giống như chưa từng được tiêu vậy. Tôi cũng không thể hiểu nổi những người như vậy lại nói không quan tâm có bao nhiêu tiền, đến giá trị của đồng tiền trong khi họ đang sống trong xã hội nhìn vào tài sản mà đánh giá cả một con người.
Tôi không giống họ. Tôi chỉ nghĩ đến tiền. Sếp trừ tôi 30 ngàn vì một lý do mơ hồ nào đó. Tôi đã gõ cửa phòng sếp ba lần, cuối cùng cũng đòi lại được 30 ngàn. Sếp của tôi đã từng nhắc nhở cả công ty với ý tứ rằng nên chấp nhận và bỏ qua những thứ nhỏ nhặt. Nhưng tôi không hiểu, lương của tôi đã rất thấp, cũng không bằng 1/3 công sức mà tôi đã bỏ ra. 30 ngàn cũng là tiền, đó là một bữa ăn của tôi, là mấy cái vé xe bus của tôi thế nhưng sếp lại bảo tôi không nên chấp nhặt?
Tôi cần. Nhiều người xua tay bảo nó không đáng mấy, nhưng tôi thì không. Tôi đang làm việc rất chăm chỉ để hoàn thành công việc và nỗ lực cải thiện cuộc sống của mình. Vì vậy, dù 1 ngàn có lẽ tôi cũng chẳng thể để nó mất đi với những lý do cực kỳ vô lý được.
(Ảnh minh hoạ)
Bạn hỏi tôi tại sao lại coi trọng tiền bạc như vậy? Cũng bởi vì tuổi trẻ mới bước vào xã hội mấy ai rủng rỉnh tiền. Trong thời điểm đang chờ tiềm năng bị đánh thức, thời điểm chúng ta tràn đầy hy vọng và ước mơ lại bị thực tế nghèo đói đánh gục. Đi lại, mua sắm thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày đều cần tiền. Bạn có thể hiểu rằng hầu hết cuộc sống của mọi người trong xã hội này đều xoay quanh tiền bạc.
Bạn hỏi tại sao tôi luôn tỏ ra nhạy cảm khi nhắc đến tiền nong, tại sao tôi không thể đối xử tốt hơn với bản thân mình. Với tôi, mục đích của việc tiết kiệm chính là cách để hiện thực hóa tự do tài chính càng sớm càng tốt.
Bất kể trong tương lai có thành hiện thực hay không, nhưng ở thì hiện tại tôi vẫn đang cố gắng. Một nửa số tiền sẽ cho vào khoản tiết kiệm, một nửa còn lại là dùng để đầu tư vào bản thân. Một nửa đầu tư vào bản thân này lại được chia thành hai phần, một phần dùng cho các bài tập thể lực, những môn thể thao mà bản thân có thể theo đuổi, một phần dùng để đầu tư cho trí não của mình, ví dụ như ngoại ngữ, kỹ năng mềm... Suy cho cùng, sức khỏe chính là cơ sở để kiếm tiền và ngoại ngữ, kỹ năng cũng sẽ là người bạn đồng hành của tôi trong hành trình chinh phục sự nghiệp của mình. Cho nên, có lúc tôi sẽ tỏ ra thật hào phóng để đầu tư cho hai phương diện này.
(Ảnh minh hoạ)
Tôi cũng mong 10, 20 năm nữa, dù không mua được nhà, được xe thì ít nhất cũng không phải nhìn chăm chăm vào những tấm biển giảm giá trong siêu thị, được thảnh thơi ăn uống mua sắm cùng cô bạn thân, hay nhàn hạ ngồi trong công viên uống cốc trà sữa nhìn mây trời bay ngang qua.