Tuổi ban lãnh đạo hay giá trị cho cổ đông mới là điều quan trọng? Đây là câu trả lời từ các doanh nghiệp như Berkshire Hathaway, FPT

10/05/2022 09:55 AM | Kinh doanh

Thực tế hiện tại ở các doanh nghiệp trên toàn cầu cho thấy, những vị lãnh đạo lớn tuổi vẫn được “ưa chuộng”. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu Spencer Stuart, độ tuổi trung bình của đội ngũ lãnh đạo 500 công ty lớn nhất thế giới năm 2021 là 58 tuổi.

Ngày 30/4/2022, sự kiện Đại hội đồng cổ đông Berkshire Hathaway đã thu hút sự tham dự trực tiếp của khoảng 40.000 người chưa gồm giới đầu tư toàn cầu đổ dồn sự chú ý qua màn hình trực tuyến.

Tại đó, Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn mở đầu Đại hội bằng câu chuyện rằng năm nay ông 91 tuổi. Charlie Munger – phó tướng thân cận hiện cũng đã 98 tuổi, nhưng cả hai chưa có ý định vội vàng rời đi.

Bất chấp đại dịch, Berkshie Hathaway duy trì hoạt động kinh doanh vững vàng. Qúy I/2022, lợi nhuận hoạt động của Berkshire – bao gồm hàng loạt ngành nghề như bảo hiểm, đường sắt, sản xuất, bán lẻ - đạt 7,04 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu của Tập đoàn cũng diễn biến khả quan trong 4 tháng đầu năm 2022 khi tăng hơn 9%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm hơn 12%.

Vậy nhưng trước kết quả này, 2 vị lão tướng vẫn đối diện áp lực. Trước đó, ngày 11/3, Berkshire Hathaway đã bác bỏ đề xuất của 4 cổ đông về việc thay chức Chủ tịch của Warren Buffett.

Những người đã theo dõi Berkshire lâu năm cũng từng chứng kiến nhiều cuộc tranh luận như vậy, và các đề xuất này luôn đối mặt sự phản đối mạnh mẽ của đại đa số nhà đầu tư, bởi họ vẫn cực kỳ tin tưởng Buffett.

Từ năm 1965 đến 2000, lợi nhuận gộp hàng năm của Berkshire là 20% trong khi S&P 500 là 10,2% bao gồm cả cổ tức. Tầm nhìn dài hạn của những vị lão tướng tạo nên niềm tin vững chắc với nhà đầu tư.

Thực tế hiện tại ở các doanh nghiệp trên toàn cầu cho thấy, những vị lãnh đạo lớn tuổi vẫn được "ưa chuộng". Theo số liệu từ hãng nghiên cứu Spencer Stuart, độ tuổi trung bình của đội ngũ lãnh đạo 500 công ty lớn nhất thế giới năm 2021 là 58 tuổi. Trong khi đó, theo báo cáo của Deloitte, độ tuổi trung bình của các CEO ở Ấn Độ là 61,1 tuổi. Một trong những gương mặt không hề xa lạ là Mukesh Ambani – ông trùm kinh doanh người Ấn Độ - người giàu nhất châu Á, 65 tuổi, hiện vẫn đang là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Reliance Industries Ltd.

Với doanh nghiệp, việc có được những "lão tướng" trong hàng ngũ ban lãnh đạo giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho các chặng đường phát triển và kết quả kinh doanh mới là điều khiến cổ đông quan tâm. Đó cũng là lý do, không ít doanh nghiệp luôn tìm kiếm các cố vấn dày dặn kinh nghiệm quản trị, chuyên môn, với bản lĩnh được tôi luyện qua nhiều biến động thời cuộc.

Như mới đây, ngày 4/5, HDBank công bố Chủ tịch HĐQT là ông Kim Byoungho, sinh năm 1961 với trên 30 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính – ngân hàng. Ông từng giữ chức CFO và CEO tại Hana Bank (ngân hàng lớn thứ nhì tại Hàn Quốc) và phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tài chính Hana Financial Group tại Hàn Quốc.

Tuổi ban lãnh đạo hay giá trị cho cổ đông mới là điều quan trọng? Đây là câu trả lời từ các doanh nghiệp như Berkshire Hathaway, FPT - Ảnh 1.

Ông Kim Byoungho

Trước đó, FPT cho biết, HĐQT Tập đoàn sẽ có thêm những gương mặt mới, trong đó phải kể tới ông Hampapur Rangadore Binod, 60 tuổi, nguyên Phó Tổng giám đốc Infosys - công ty CNTT Ấn Độ xếp thứ 4 thế giới (theo Brand Finance); ông Hiroshi Yokotsuka, 71 tuổi, cựu Chủ tịch Hiệp hội CNTT Nhật Bản.

Bên cạnh đó, ĐHCĐ FPT tiếp tục bổ nhiệm ông Trương Gia Bình giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ông Bùi Quang Ngọc được tái bổ nhiệm chức vụ thành viên kiêm Phó chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Cao Bảo và ông Jean Charles Belliol được tái bổ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT. Ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo là những nhà "khai quốc công thần" từ khi FPT thành lập vào năm 1988. Cho đến nay, 3 người đã đồng hành cùng FPT 34 năm.

Tuổi ban lãnh đạo hay giá trị cho cổ đông mới là điều quan trọng? Đây là câu trả lời từ các doanh nghiệp như Berkshire Hathaway, FPT - Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo

Theo đó, HĐQT FPT đã được kiện toàn với một loạt những "lão tướng" và không khó hiểu khi cổ đông nhất trí với lựa chọn này. Trong 10 năm qua, FPT tăng trưởng bình quân doanh thu và lợi nhuận ở mức ~ 20%/năm, ngay cả trong 3 năm Covid-19. Chưa kể, doanh nghiệp có sự chuyển mình rõ nét, từ một công ty dẫn dắt công nghệ trong nước đã tiến bước thành doanh nghiệp có tiếng vang trên thị trường toàn cầu.

FPT sẽ theo đuổi mục tiêu dài hạn là đứng trong Top 50 nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ chuyển đổi số toàn diện hàng đầu thế giới vào năm 2030. Như vậy, việc bổ sung các thành viên HĐQT mới với hàng chục năm kinh nghiệm tại các thị trường toàn cầu cho thấy tham vọng lớn của FPT.

Đáng chú ý, những năm gần đây FPT liên tiếp có sự bổ sung nguồn lực cấp cao, bên cạnh các "bộ não" lão luyện là đội ngũ giám đốc điều hành trẻ. Báo cáo thường niên mới nhất của FPT cho biết, gần 77% cán bộ quản lý của tập đoàn này có độ tuổi dưới 40.

Nhờ đó, FPT tự tin chia sẻ với nhà đầu tư sẽ tiếp tục mang đến các nền tảng, giải pháp số đẳng cấp thế giới, dành cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng chục triệu người dùng, cam kết tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Theo Nhuận Hoa

Cùng chuyên mục
XEM