Từng được săn đón mọi lúc, nhà ở gần trường 'điểm' rớt giá thảm khi Trung Quốc triển khai chương trình luân chuyển giáo viên

08/09/2021 17:25 PM | Xã hội

Thị trường của những căn hộ đáng mơ ước nhất tại các thành phố, giàu có của Trung Quốc đang trở nên "sôi sục" khi Bắc Kinh siết chặt quy định đối với ngành giáo dục.

Ở Trung Quốc, các bậc cha mẹ đã tìm kiếm những căn hộ gần các trường "điểm", được đánh giá cao trong những năm gần đây. Họ kỳ vọng, con mình sẽ có một "suất" trong những ngôi trường đó. Tại 7 thành phố - nơi "bất động sản gần trường học" sôi động nhất, có Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu, giá của những ngôi nhà này đã tăng chóng mặt.

Theo các nhà môi giới bất động sản, tại quận Tây Thành - khu vực có những trường "điểm" hàng đầu, một căn hộ gần trường học có giá cao hơn 70% so với một căn hộ tương tự xa trường hơn.

Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, khi Trung Quốc siết chặt quy định với ngành giáo dục và thị trường bất động sản bớt nóng, đã khiến hoạt động giao dịch mua bán các căn hộ này không còn sôi động. Tại các khu trung tâm của 7 thành phố, số lượng giao dịch đã giảm 38% trong từ tháng 1 đến tháng 7, theo dữ liệu từ E-House China Research and Development Institution. Khi tốc độ giao dịch chậm lại thì tốc độ tăng của giá nhà có diễn biến tương tự và chững lại vào tháng 7.

Sau lời kêu gọi "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình, các nhà hoạch định chính sách đã nỗ lực tách rời mối liên hệ giữa việc sở hữu nhà và khả năng tiếp cận giáo dục. Ví dụ, để khả năng tiếp cận các trường học và giáo viên tốt nhất đồng đều hơn, thì việc sở hữu một căn hộ ở Bắc Kinh hay các thành phố khác không mang lại lợi thế cho bất kỳ ai. Đồng thời, các giáo viên và hiệu trưởng của các trường tiểu, trung học sẽ được luân chuyển trong hệ thống trường công lập.

 Từng được săn đón mọi lúc, nhà ở gần trường điểm rớt giá thảm khi Trung Quốc triển khai chương trình luân chuyển giáo viên  - Ảnh 1.

Số lượng nhà ở gần trường học được bán tại Thâm Quyến trong năm vừa qua.

Do đó, nhu cầu đối với các bất động sản ở những khu gần trường học cũng sụt giảm. Đây là tin xấu đối với các gia đình đã tiết kiệm tiền để mua một căn hộ như vậy.

Dù tác động đã xuất hiện ở khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc, chiến dịch này còn là "đòn giáng" mạnh với một khu vực quan trọng ở phía nam Thâm Quyến. Theo E-House, giá nhà trung bình ở 3 quận trung tâm thành phố này - nơi có các trường học tốt nhất khu vực, đã giảm khoảng 15% từ tháng 1-7.

Dữ liệu chính thức cho thấy, số lượng căn hộ dân cư được mua bán sang tay trên thị trường bất động sản đã qua sử dụng của Thâm Quyến giảm xuống còn 2.557 vào tháng 7, chỉ bằng 1/5 so với 1 năm trước đó.

Trong tuần đầu tiên đến tuần thứ 2 của tháng 8, khi chính quyền địa phương chính thức đề xuất việc luân chuyển giáo viên, lượng giao dịch của các căn hộ đã qua sử dụng ở quận Phúc Điền (Thâm Quyến) - nơi có những trường danh giá nhất, đã giảm 29%, theo số liệu từ Shenzhen Real Estate Intermediary Association.

Tuy nhiên, cải cách hệ thống giáo dục không phải là yếu tố duy nhất khiến giá bất động sản tại Trung Quốc đi xuống. Thâm Quyến đã đưa ra dự báo về mức giá bất động sản, trong khi giới chức nước này cũng đưa ra thêm giới hạn về đòn bẩy của các nhà phát triển. Ngoài ra, áp lực trả nợ của một số nhà phát triển lớn nhất, bao gồm Evergrande, cũng đè nặng lên thị trường.

Trước đó, giới chức Trung Quốc đã tìm cách kiềm chế hoạt động đầu cơ bất động sản và phủ nhận quan điểm giá nhà chỉ tăng lên. Họ thường nhắc lại câu nói "nhà là để ở, không phải đầu cơ". Song, hiệu quả không mấy đáng kể, khi giá nhà mới ở 4 siêu đô thị đã tăng 115% kể từ năm 2010.

Theo Gan Li - giáo sư kinh tế học Đại học Texas A&M, nỗ lực mới nhất dường như đã có hiệu quả hơn. Một phần là do việc kiềm chế thị trường nhà ở tại các khu vực gần trường này gắn với mục tiêu chính trị nhiều hơn là giải quyết tình trạng bất bình đẳng.

Su Min là một người đang gặp khó khăn do những quy định mới khi chị dự định mua nhà. Bà mẹ người Bắc Kinh này đã cân nhắc mua nhà ở quận Tây Thành để đảm bảo cho cậu con trai 2 tuổi có cơ hội học tại trường "điểm".

Dù giá chào bán cho căn hộ chị đã xem giảm 10%, tương đương hơn 120.000 USD, nhưng Su lại ngần ngại khi đổ số tiền tiết kiệm cả đời vào một ngôi nhà tồi tàn. Trong khi đó, căn hộ này giờ đây không đảm bảo cho con chị có "suất" vào ngôi trường dự kiến. Su chia sẻ: "May mắn là chúng tôi đã không mua nhà khi giá lên cao."

Tham khảo Wall Street Journal

Chi Lan

Từ khóa:  ngành giáo dục
Cùng chuyên mục
XEM