Từng được đại gia ngoại săn đón với mức giá hơn 200.000 đồng/cp, Vodka Hà Nội chuẩn bị lên sàn khi đã là công ty "nát tươm"

06/05/2018 18:17 PM | Kinh doanh

Việc đưa Halico lên sàn có thể là tiền đề để Habeco thoái vốn khỏi công ty con đang kinh doanh bết bát?

CTCP Cồn rượu Hà Nội (Halico) – doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu có tuổi đời hơn 100 năm - từng có ý định niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) nhưng vào cuối năm 2012 đã công bố hủy kế hoạch này sau khi tập đoàn Diageo "gom" phần lớn số cổ phiếu trôi nổi.

Bất ngờ vào giữa tháng 4/2018, Ủy ban chứng khoán nhà nước thông báo Halico vừa trở thành công ty đại chúng và Trung tâm lưu ký đã chấp thuận đăng ký lưu ký cổ phiếu của công ty với mã chứng khoán HNR. Đây có thể là động thái để sớm đưa cổ phiếu của công ty lên giao dịch trên sàn Upcom trong thời gian tới.

Halico – từ mức giá hơn 200.000 đồng đến công ty "nát tươm"

Vào năm 2011, khi thị trường chứng khoán Việt Nam còn chìm trong khó khăn bởi suy thoái kinh tế thì Diageo - công ty rượu lớn nhất thế giới đồng thời là chủ sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff – đã chấp nhận trả 213.600 đồng cho một cổ phiếu của Halico - tương ứng định giá công ty này ở mức gần 4.300 tỷ đồng. Ông trùm ngành rượu chi ra gần 800 tỷ đồng trong đợt đầu tiên để mua 18,67% vốn cổ phần của Halico từ VinaCapital.

Với mức giá tương tự, Diageo liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Halico thông qua việc nhận chuyển nhượng từ Vinacapital, cổ đông nội bộ hay qua đợt chào bán của Halico. Đến giữa năm 2012, Diageo đã sở hữu 45,5% cổ phần tại Halico và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại công ty, sau Habeco (sở hữu 54,3% cổ phần).

Tổng cộng, Diageo đã chi 61 triệu Bảng cho Halico với lời lý giải cho vụ đầu tư này như sau: "Halico là nhà sản xuất rượu nội địa lớn nhất tại Việt Nam, với sản phẩm hàng đầu là Vodka Hà Nội. Hệ thống phân phối vững mạnh của họ và việc đầu tư vào cơ sở sản xuất hiện đại đã thể hiện rõ tham vọng trong việc dẫn đầu trên thị trường".

Quá trình tìm hiểu của 2 bắt đầu từ năm 2008 và quả thực những năm đó, Halico là một doanh nghiệp được giới đầu tư đánh giá cao khi có tốc độ tăng trưởng doanh thu trên 25% và EPS năm 2008, 2009 đều đạt trên 20.000 đồng. Năm 2011 công ty đã ghi nhận doanh thu kỷ lục với 1.067 tỷ đồng.

Quan trọng hơn, việc đầu tư vào Halico sẽ là bàn đạp cho Diageo thâm nhập vào phân khúc đồ uống có cồn bình dân Việt Nam.

Thế nhưng năm 2012 – khi Diageo vừa hoàn tất quá trình mua cổ phần – lại là năm khởi đầu cho chuỗi "đen đủi" của Vodka Hà Nội. Chuyến hàng xuất khẩu ngày 12/9/2012 qua cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn - Hà Tĩnh) với một xe container rỗng sang Lào đã phanh phui hoạt động buôn lậu và trốn thuế của Halico. Ngay năm sau, công ty này bị khởi tố hình sự.

Nhờ khoản tiền đền bù di dời nhà máy từ 94 Lò Đúc (Hà Nội) sang Bắc Ninh, lợi nhuận năm 2012 tăng vọt lên 276 tỷ đồng nhưng vẫn không thể che giấu đà lao dốc trong kết quả kinh doanh của Halico. Từ vị trí đứng đầu, Vodka Hà Nội dần biến mất trên bàn nhậu và bị thay thế bởi các nhãn hiệu khác. Năm 2014, doanh thu Halico chỉ đạt 397 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế còn 30 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh âm 8 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2017, Halico lỗ lũy kế 255 tỷ đồng.

Báo cáo thường niên của Diageo cho hay, trong năm tài chính kết thúc ngày 30/06/2015 công ty phải trích lập 41 triệu bảng cho vụ đầu tư vào Halico và ghi nhận vào chi phí hoạt động. Các dự đoán về tăng trưởng trong dài hạn bị giảm xuống vì thị trường Việt Nam ngày càng khốc liệt và mức độ tương thích giữa 2 bên tăng chậm hơn dự đoán ban đầu.

 Từng được đại gia ngoại săn đón với mức giá hơn 200.000 đồng/cp, Vodka Hà Nội chuẩn bị lên sàn khi đã là công ty nát tươm  - Ảnh 1.

Dấu hỏi về vai trò của Diageo

Trong vai trò là nhà đầu tư, có vẻ như Diageo đã phải chịu thiệt thòi khi mà sự lao dốc của thương hiệu vang bóng một thời được cho là gắn liền với những vấn đề "bê bối" lãnh đạo, ngoài một yếu tố khác là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Truyền thông phản ánh những khoản chi tiêu vô tội vạ và sự điều hành yếu kém của lãnh đạo Halico là ông Mai Văn Lợi – nguyên Chủ tịch HĐQT, người thân thiết với ông Trịnh Xuân Thanh là nguyên nhân khiến cho Halico đi xuống.

Trong những năm đó Diageo – cổ đông nắm tới 45,5% vốn điều lệ với cam kết hợp tác, hỗ trợ Halico trong việc quản trị và xây dựng thương hiệu đã làm gì? Thông tin trên báo Dân trí cho hay, tại Đại hội cổ đông bất thường của Halico ngày 21/11/2014, cổ đông đã uỷ quyền cho HĐQT Halico ký hợp đồng lao động với ông Mai Văn Lợi với chức vụ Giám đốc điều hành. Tháng 3/2015, chính cổ đông Diageo đề nghị bổ nhiệm ông Lợi làm Chủ tịch HĐQT vì "ông Lợi là người phù hợp nhất để gánh vác trọng trách chiến lược" và đã có thời gian xây dựng hiểu biết vững chắc và hoạt động, định hướng phát triển của Halico, dẫn dắt công ty này "bước đầu khôi phục được vị thế công ty trên thị trường".

Năm 2018, dù trở thành công ty đại chúng thì cơ cấu cổ đông của Halico vẫn do Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) nắm 54,3% và Diageo nắm 45,5% (tức tổng 99,8%). Trong trường hợp Halico lên sàn và Habeco thoái vốn thì đối tác khả quan nhất có lẽ là Diageo. Tuy nhiên, với tình trạng của Vodka Hà Nội hiện tại, mức giá Diageo trả hẳn không còn là 213.000 đồng/cp. Nếu thuận lợi, ông trùm ngành rượu thế giới có thể thâu tóm Halico với giá bình quân "rẻ" hơn con số nói trên rất nhiều.

Theo Linh Linh

Cùng chuyên mục
XEM