Từ vụ sinh viên N. nhập học và tự tử trên sông Sài Gòn, nhà báo Thu Hà đau đớn: Hãy công bằng với trầm cảm!

17/02/2022 20:48 PM | Sống

Vụ việc này đã khiến cho nhiều người bàng hoàng và lo lắng khi nghĩ tới căn bệnh trầm cảm.

Trước vụ việc đau lòng của một nam sinh viên năm nhất quê ở Bình Định tử vong trên sông Sài Gòn được xác định nguyên nhân bước đầu là do tự tử. Ra đi ở độ tuổi quá trẻ, hoàn cảnh gia đình của sinh viên này cũng không khá giả, bố mẹ đều làm nông, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối cho tương lai của nam sinh này. Nhà báo Thu Hà cũng chia sẻ về căn bệnh trầm cảm:

Từ vụ sinh viên N. nhập học và tự tử trên sông Sài Gòn, nhà báo Thu Hà đau đớn: Hãy công bằng với trầm cảm! - Ảnh 1.

Nhà báo Thu Hà.

"Nam sinh N. vào Sài Gòn nhập học và mất tích là một học sinh ngoan hiền học giỏi, 12 năm là học sinh giỏi, đậu ĐH hệ chất lượng cao, học kì 1 học online điểm trung bình loại giỏi 8,6.

Ai cũng tưởng em bị kẻ xấu sát hại. Công an, mạng xã hội đã cất công tìm kiếm, rồi đau đớn nhận tin em đã tử vong. Công an đã kết luận em tự tử, trong ba lô có đá ximăng hơn 10 kg, camera cho thấy 4h03 phút sáng em đã leo qua hàng rào bờ sông để xuống sông.

Rất nhiều người không muốn tin với kết luận này, nó thật khó chấp nhận.

Nhưng thực tế theo thống kê thì khả năng chúng ta chết vì chính mình cao hơn là khả năng ta chết bởi bàn tay của người khác.

Theo WHO hiện nay trên thế giới đã có hơn 350 triệu người đang mắc bệnh trầm cảm và mỗi năm có khoảng 1 triệu người tự tử (trung bình 2900 người/ngày).

"Mỗi năm, theo tác giả Jill Hooley và đồng nghiệp, trên toàn cầu, tự sát gây ra tử vong nhiều hơn toàn bộ các xung đột vũ trang, chiến tranh và diệt chủng và tội phạm gộp lại. Con số ngầm chắc còn cao hơn nhiều, ở nhiều quốc gia, kỳ thị xã hội kiến nhiều cái chết vì tự sát không được khai báo đúng nguyên nhân". (Trích "Đại Dương Đen" của tác giả Đặng Hoàng Giang)

Từ vụ sinh viên N. nhập học và tự tử trên sông Sài Gòn, nhà báo Thu Hà đau đớn: Hãy công bằng với trầm cảm! - Ảnh 2.

Ngày hôm nay cũng vậy, rất nhiều người trách móc em. Bình luận được tới 700 like, nhiều thứ 2 ở bài viết trên VnExpress: "Còn trẻ mà em. Còn cha mẹ già ai lo hả em. Tự tử là em bất hiếu với cha mẹ".

Và nhiều bình luận khác:

- Dại dột để rồi đau khổ cho người thân của mình! Bao nhiêu công lao của cha mẹ, thầy cô.

- Em học lực giỏi, nhưng có một môn học mà em thiếu, đó chính là kỹ năng sống lạc quan! Tiếc cho gia đình và xã hội.

- Không được làm thế. Làm sao có thể sống tốt cuộc đời khác khi không thể sống tốt cuộc đời này. Đau đớn không thể trốn chạy, chỉ có đối mặt và vượt qua thì mới thoát khỏi nó vĩnh viễn.

- Ích kỉ, để lại nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại.

- Lý trí yếu đuối...

Nhiều người nhấn mạnh vào lý do em nhà nghèo, trong túi em chỉ có 1,4 triệu đồng. Nhưng thật ra thì đau khổ luôn là một bí mật, không tuân theo đạo đức và lý trí của người khỏe mạnh.

Chẳng ai nói với một người đang gẫy chân rằng: "Phải cố gắng lên chứ, đi dễ mà, ai chả đi được". Chẳng ai nói với người viêm phổi rằng: "Chỉ cần thở thôi mà, sao không thở đi?". Nhưng rất nhiều người cho rằng: "Có gì đâu mà buồn? Tôi ngày xưa còn nghèo/khổ hơn em, sao em ko làm được?"... Cứ như thể phải có đủ thẩm quyền để đau đớn, mới được đau đớn vậy.

Mình thấy nhiều người trầm cảm là người rất nỗ lực, rất trách nhiệm, đầy nhiệt huyết, sống nhiệt tình, là người thành đạt, thành công. Nên những giáo điều về sống tích cực, vượt qua khó khăn, thay đổi tư duy... có khi còn là giết họ không cần dao, họ càng đay nghiến chính mình.

Từ vụ sinh viên N. nhập học và tự tử trên sông Sài Gòn, nhà báo Thu Hà đau đớn: Hãy công bằng với trầm cảm! - Ảnh 3.

"Những người tự tử chắc gì đã muốn chết? Họ chỉ muốn chấm dứt nỗi đau đớn mà thôi" - Tiffanie DeBartolo

"Những người tự tử không phải là những người chạy trốn, mà là những người không còn có thể chạy trốn".

"Tự sát không có mục đích đạt được cái chết, nó là một liều thuốc cho những thống khổ tinh thần vượt ngưỡng."

"Không ai vứt đi một cuộc đời còn đáng được giữ lại", David Humes

Mình cũng thấy, cảm xúc có thể giết chết chúng ta hơn mọi loại ung thư, hơn mọi loại bệnh tật, nguy hiểm hơn cả thực phẩm bẩn. Nó không sốt, không ho, không ói, không xét nghiệm nhanh lên 2 vạch, không chụp CT cắt lớp được. Nó nguy hiểm vì nó hủy hoại từ bên trong, và hủy hoại một cách thầm lặng.

Ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam, 90% người trầm cảm không được điều trị.

Nhắc lại 1 câu mà mình nói hoài: Hãy công bằng với trầm cảm! Và hãy cảnh giác với nguy cơ trầm cảm của con cái, người thân và của chính bản thân mình, các bạn ạ!"

PV

Cùng chuyên mục
XEM