Từ vụ học sinh trường Nam Trung Yên bị gãy chân: Dối trá và bạo lực!

18/02/2017 10:38 AM | Sống

Sự dối trá đã xuất hiện bấy lâu trong ngành giáo dục nhưng nhiều người vẫn coi nhẹ vì còn phải phấn đấu vì thành tích của ngành.

Vụ học sinh bị gãy chân trong sân trường tiểu học Nam Trung Yên khiến dư luận bức xúc vì Hiệu trưởng nhà trường luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm. Sự việc đang bị đẩy ngày càng xa vì những trần tình, phát ngôn của chính Hiệu trưởng. Nhân đây mới lật lại lý lịch của bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, người ta mới giật mình, vì rằng, trong quá khứ bà đã từng ăn bớt tiền ăn của học sinh (năm 2006).

Những tưởng hành vi này của bà Ngọc khi đó sẽ bị xử lý nghiêm nhưng không hiểu sao, 10 năm sau tên tuổi của bà lại được “xướng lên” khi bà lộ rõ là một nhà quản lý vô trách nhiệm, một nhà giáo vô lương tâm, đạo đức nghề nghiệp bị xuống cấp trầm trọng. Đây chỉ là một trong số vô vàn những sự việc liên quan đến các hiệu trưởng xảy ra thời gian qua.


Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đang tìm cách thoái thác trách nhiệm trong vụ tai nạn xảy ra với học sinh của mình.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đang tìm cách thoái thác trách nhiệm trong vụ tai nạn xảy ra với học sinh của mình.

Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Những người thầy/cô được ví như cha mẹ thứ 2 của học trò. Ấy vậy nhưng, chỉ cần lên google gõ cụm từ “sai phạm của hiệu trưởng” thì nhận được khoảng 1.330.000 kết quả (trong vòng 0,41 giây). Điều này cho thấy, những hành động phi giáo dục xảy ra trong các ngôi trường không còn là chuyện hiếm, lạ. Nhiều đến mức người ta vẫn nói đùa với nhau là “Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ”.

Lâu nay, căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục đã tạo một làn sóng nói dối vô cùng nguy hiểm. Vì thành tích mà thầy cô sẵn sàng để học sinh “ngồi nhầm lớp”; tỷ lệ học sinh giỏi đạt gần như 100% nhưng khi thi chuyển cấp có em đạt 3 điểm 0. Và điều đáng buồn hơn nữa bạo lực học đường ngày một tăng, sợi dây gắn kết tình thầy trò ngày một nới rộng. Nhiều thầy cô không có trách nhiệm, lương tâm với nghề nghiệp của mình.

Các em trở thành nạn nhân của người lớn từ khi còn bé thơ, từ lúc đi mẫu giáo, nhà trẻ. Vì thành tích “nuôi bé khỏe, dạy bé ngoan” nhiều cô giáo mầm non sẵn sàng nhồi nhét, “tọng” thức ăn cho các con ăn. Có em biếng ăn bị cô giáo bế dọa ném qua cửa sổ; đi tè không đúng ý cô bị “ăn” dép tổ ong vào đầu… Những đứa trẻ lớn lên trong hăm dọa, bạo lực như vậy thì liệu sẽ có được sức khỏe tâm thần lành mạnh, bình thường như các trẻ em khác hay không? Nỗi ám ảnh tuổi thơ khi đến trường sẽ đeo đẳng các em đến bao giờ. Và các cô có nghĩ xa hơn, khi các em bé trở thành chủ nhân của đất nước thì những tâm hồn bị “tắm” trong sự dối trá, bạo hành kia sẽ ứng xử với xung quanh và với thế hệ tương lai như thế nào???


Cô giáo dọa bế trẻ ném qua cửa sổ

Cô giáo dọa bế trẻ ném qua cửa sổ

“Cô giáo như mẹ hiền”. Mẹ hiền thì cũng có khi nổi nóng, tét vào mông con vài cái chứ có mẹ hiền nào lên gối, đánh vào đầu con như các cô đã làm. Và cũng có “mẹ hiền” nào bớt khẩu phần, cướp cơm của con đâu! Có mẹ nào lại dạy con cách nói dối, làm bậy…

Nền giáo dục nào thì sẽ sản sinh ra những con người như thế. Học sinh đến trường đã gặp ngay sự dối trá và phải làm theo sự dối trá đó thì không mong ngóng gì các em sẽ trở thành những công dân tốt, thẳng ngay. Chính vì thế, nếu sau này các em có trở thành những kẻ trí trá, lọc lừa cũng không có gì phải ngỡ ngàng (!).

Dẫu biết, nghề nào cũng có người tốt – kẻ xấu, người thế này người thế kia. Nhưng với những gì đang xảy ra với những tần suất quá dày đặc trong ngành giáo dục thời gian qua đã khiến xã hội thực sự lo ngại. Cách hành xử, vòi vĩnh, sự hung hãn... của nhiều thầy cô đã khiến nhiều phụ huynh hoảng sợ nền giáo dục này. Giải pháp cuối cùng là mang con đi thật xa bằng việc cho đi du học. Đó là thiệt thòi lớn cho chính các em và nền giáo dục, kinh tế nước nhà. Hy vọng, những mảng tối này sẽ được toàn ngành giáo dục sớm làm sạch./.

Theo Vũ Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM