Từ vụ bỏ cọc của Tân Hoàng Minh khiến tâm lý các doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại bị “dao động”

09/02/2022 15:53 PM | Kinh doanh

Mới đây, động thái của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và TM Bình Minh khi gửi văn bản đến các cơ quan liên quan ở Tp.HCM về việc xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá hơn 5.000 tỉ đồng tại Thủ Thiêm càng thể hiện cho hiệu ứng “domino” này.

Ngay khi đại diện Tân Hoàng Minh xác nhận đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang đã dự đoán: Tân Hoàng Minh viết tâm thư bỏ cọc lô đất trúng đấu giá có thể thấy rõ hệ lụy là các doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại sẽ lưỡng lự việc tiếp tục nộp tiền hay huỷ.

Đúng như dự đoán, cách không lâu sau khi sau khi Công ty TNHH Đầu tư Ngôi Sao Việt thuộc Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất 3-12 diện tích 10.060 m2, giá 24.500 tỷ đồng (tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2), thì mới đây Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và TM Bình Minh đã gửi văn bản đến các cơ quan liên quan ở Tp.HCM về việc xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá hơn 5.000 tỉ đồng tại Thủ Thiêm.

Theo Cục Thuế Tp.HCM, trong chiều 8/2, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Cục Thuế thành phố về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9 ở Thủ Thiêm mà doanh nghiệp này trúng đấu giá với số tiền 5.026 tỉ đồng - gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm. Như vậy sau Tân Hoàng Minh, đây là doanh nghiệp thứ hai bỏ cọc trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm.

Dù bỏ tới hơn 5 nghìn tỉ đồng để trúng đấu giá lô 3-9, song Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh gần như đứng ngoài những ồn ã đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua. Nếu tính theo đơn giá đất, Công ty Bình Minh đã bỏ ra 1,003 tỉ đồng cho mỗi m2 đất lô 3-9, vượt xa 593 triệu đồng/m2 mà Dream Republic bỏ ra cho lô 3-5 hay 467 triệu đồng/m2 mà Sheen Mega đã bỏ ra cho lô 3-8, và chỉ thua Tân Hoàng Minh với mức giá gây sốc 2,45 tỉ đồng/m2 cho lô 3-12.

 Từ vụ bỏ cọc của Tân Hoàng Minh khiến tâm lý các doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại bị “dao động”  - Ảnh 1.

Câu hỏi đặt ra, liệu sau khi hai doanh nghiệp là Ngôi Sao Việt và Bình Minh bỏ cọc "đất vàng" Thủ Thiêm, liệu có gây tâm lý "dao động" với hai doanh nghiệp còn lại là Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 diện tích 6.446m2 và Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2). Dù chưa nói trước được điều gì, nhưng thực tế, ngày 8/2, Cục Thuế Tp.HCM xác định, vẫn chưa có doanh nghiệp nào trong số 3 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đóng tiền đợt 1, dù đã hết hạn. Theo quy chế đấu giá, trường hợp quá thời hạn thanh toán các đợt 1, đợt 2 mà người trúng đấu giá chậm thanh toán tiền mua tài sản thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế mà người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá thì vi phạm hợp đồng mua bán. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TPHCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo thời gian trên sẽ không được nhận lại tiền cọc. Tiền cọc sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.

Về hướng xử lý đối với các doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng chậm nộp tiền đợt 1, đại diện Cục thuế TPHCM cho biết đơn vị sẽ giải quyết theo từng bước. Cụ thể, nếu hết thời hạn nộp tiền đợt 1 mà doanh nghiệp chưa nộp tiền thì Cục Thuế Tp.HCM sẽ có văn bản nhắc nhở. Nếu hết thời hạn nộp tiền đợt 2 mà doanh nghiệp vẫn không nộp tiền thì Cục Thuế Tp.HCM sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế như cưỡng chế tài khoản ngân hàng, cưỡng chế hóa đơn, nặng hơn thì có thể thu hồi giấy phép. Ngoài ra, còn phải căn cứ vào điều khoản trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Chia sẻ trước đó, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, với một doanh nghiệp BĐS đấu giá thành công nghĩa là họ đã tính đến phương án khả thi trong kinh doanh rồi. Thế nhưng, với giá trị lô đất quá lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải có kỹ thuật huy động vốn, ngoài vốn tự có rất linh động. Nhất là phải nộp trong thời gian ngắn sẽ gây những khó khăn nhất định.

Cùng với đó, với phiên đấu giá với mức giá hơn 2,4 tỉ đồng/m2 đã gây những ý kiến không đồng tình trên thị trường BĐS bởi e ngại việc làm giá, ảnh hưởng đến giá trị thật của BĐS. Từ đó cũng gây nên chuyện là doanh nghiệp trúng đấu giá bị các đơn vị quản lý tài chính để ý, sẽ khó huy động vốn.

Một số chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ quan điểm, vụ đấu giá đạt đỉnh đất Thủ Thiêm đã đi đến hồi kết bằng việc 2 doanh nghiệp bỏ cọc dấy lên sự nghi ngại về tính xác thực và nghiêm túc của các vụ đấu giá.

"Việc từ chối tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán lô đất trúng đấu giá cho thấy sự chưa sẵn sàng của đơn vị tham gia đấu giá. Đây không phải là cuộc chơi để có thể tham gia hay bỏ cuộc tùy hứng mà đó là thương hiệu và trách nhiệm thực hiện cam kết một cách nghiêm túc", một vị chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.

Bài học kinh nghiệm này cần được rút ra cho những lần đấu giá tiếp theo khi năng lực và sự cam kết thực hiện của các bên tham gia phải được chứng minh và có tính khả thi cao.

Theo Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM