Từ vụ 39 người chết ở Anh: "Đánh cược" giấc mơ đổi đời ở trời Âu với máu và nước mắt!
Sau những năm mưu sinh ở nước ngoài, nhiều người trở về và có cuộc sống giàu sang. Nhưng không ít người phải vay mượn hàng tỷ đồng để đi làm nhưng phải trả cả nước mắt và máu.
Xã giàu nhất xứ Nghệ với những căn biệt thự tiền tỷ
Hàng chục năm qua, từ một xã nghèo thuần nông thì nay Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) đã trở thành một xã giàu có bậc nhất ở xứ Nghệ. Đó là thành quả chủ yếu của những lao động đã và đang làm việc tại các nước châu Âu.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhờ mối quan hệ quen biết nên một số người bắt đầu đi xuất khẩu lao động tại các nước châu Âu như Đức, Tiệp, Ba Lan. Thời điểm này, các lao động đi theo đường chính ngạch, các gia đình chính sách.
Xã Đô Thành trước đây thuần nông nghèo khó nhưng nay đã thành xã giàu bậc nhất xứ Nghệ với nhà cao tầng, biệt thự chi chít.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, cần cù chịu khó mưu sinh ở xứ người, những lao động có thu nhập lớn và mang tiền về làm giàu cho gia đình, quê hương. Từ đó, những ngôi biệt thự, những chiếc xe ô tô dần dần nhiều lên, thay đổi cả bộ mặt quê hương.
Ngày nay, đi từ đầu làng đến cuối xóm của xã Đô Thành, những ngôi biệt thự hạng sang tiền tỷ nhiều vô kể và không hề thua kém với những khu biệt thự tại những thành phố lớn. Toàn xã có 4.000 gia đình thì có đến 3/4 trong số đó là nhà tầng và biệt thự.
Đường vào xã Đô Thành nhộn nhịp như phố.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết, toàn xã có khoảng 9000 người đang ở độ tuổi lao động. Trong đó có 1.471 người đang làm việc tại các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức.... Có hơn 1000 người buôn bán tại Lào và khoảng 500 người làm việc tại nhiều nước trên thế giới.
Nhưng để có được thành quả lớn lao đó, có những lao động đã phải đánh đổi bằng cả sức lực của tuổi trẻ, đánh đổi cả nước mắt hay thậm chí là máu và tính mạng của mình. Nhiều trường hợp ở xã Đô Thành trong quá trình đi làm tại nước ngoài đã tử vong.
3/4 nhà tại xã Đô Thành là nhà tầng và biệt thự.
Ở xã Đô Thành hiện đang có 3 trường hợp người lao động sang Anh làm việc bị mất liên lạc và nghi ngờ là nạn nhân trong 39 người được phát hiện chết ở Anh.
Cầm cố nhà cửa vay mượn cả tỷ đồng đi ra nước ngoài để rồi... ôm hận
Nếu trước đây số lượng người lao động đi ra nước ngoài ít và đi theo đường chính ngạch thì nay, lượng người đi ra nước ngoài làm ăn nhiều vô kể. Không chỉ những người lớn đi làm mà nay cả những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ cũng đặt giấc mơ làm giàu của mình ở những nước trời Âu.
Nhưng hầu hết họ chỉ là những lao động chui không có giấy tờ hợp pháp, không được bảo hộ, không được bảo vệ mỗi khi có sự cố xảy ra.
Người thân đến thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Đình Sắt có con bị mất liên lạc là Nguyễn Đình Tứ.
Có 2 cách để người lao động sang Anh làm việc, hoặc đi "cỏ" tự chui lủi ít tiền, hoặc đi "vip" theo đường dây, theo xe tải, container vượt biên. Nhưng dù đi "cỏ" hay "vip" thì những lao động này đều đối diện với hiểm nguy và cận kề cái chết bất cứ lúc nào.
Mới đây thôi, đã có ít nhất 3 trường hợp ở xã Đô Thành bị mất liên lạc trong quá trình vượt biên trái phép sang Anh để làm việc những mong được đổi đời.
Tâm sự với chúng tôi, ông Lê Mạnh Tuân (trú xã Đô Thành) cho biết, con trai ông là Lê Văn Hà (30 tuổi) đang mất liên lạc 1 tuần qua khi đang trên đường sang Anh. Từ những thông tin có được, ông Tuân nghi ngờ con trai mình là nạn nhân trong số 39 người chết ở Anh.
Ông Tuân quặn lòng khi nghĩ đến người con đang mất liên lạc ở xứ người.
Ông Tuân kể, cũng vì cuộc sống nghèo nên con trai ông đã phải tìm cách ra nước ngoài mưu sinh kiếm sống. Sau khi tìm hiểu đường đi với chi phí sang Anh hết khoảng 800 triệu đồng, ông Tuân cầm cố 2 mảnh đất vay mượn 700 triệu đồng, rồi mượn thêm của người thân để cho con làm thủ tục.
3 tháng trước, Hà vào TP. HCM để chuẩn bị sang trời Âu làm việc khi đứa con thứ 2 sắp chào đời.
Để đi được sang Anh, Hà phải đi qua nhiều nước và rất ít khi được liên lạc về với gia đình. Lâu lâu, Hà mới điện thoại về nhà báo tin đang ở đâu, đi qua nước nào và sức khỏe ra sao. Thấy quá trình con đi vất vả và hiểm nguy nhưng đã trót theo nên ông Tuân không còn dám can ngăn con nữa.
Nghĩ Nguyễn Đình Tứ đã chết nên gia đình đã lập bàn thờ vọng cho Tứ ở quê nhà.
Hơn 1 tuần trước, Hà gọi điện về báo tin cho gia đình rằng đang ở Pháp và chuẩn bị lên xe sang Anh. Nếu thành công thì nước Anh sẽ là điểm đến cuối và là nơi làm việc của Hà. Tuy nhiên, khi chưa được đặt chân đến miền đất hứa thì Hà đã bị mất liên lạc với gia đình.
Những ngày gần đây, khi nghe tin phát hiện 39 thi thể trong thùng container tại Anh, ông Tuân và gia đình vô cùng lo lắng. Vợ của anh Hà nhiều lần ngất đi vì nghĩ rằng anh đã chết trong số đó.
Cách nhà anh Hà không xa là gia đình Nguyễn Đình Tứ (26 tuổi). Nhiều ngày nay, rất đông người tập trung tại nhà của ông Nguyễn Đình Sắt (bố của Tứ) để động viên thăm hỏi khi nghe về câu chuyện buồn.
Người thân đau xót và luôn ngóng chờ tin từ cơ quan chức năng.
Trong quá trình vượt biên sang Anh, Tứ cũng mất liên lạc về với gia đình. Ai cũng nghĩ rằng, Tứ đã chết nên gia đình lập bàn thờ vọng cho Tứ ở quê nhà.
"Tháng 3/2019, Tứ đi xuất khẩu lao động sang Rumani. Do việc không ổn nên nó sang Đức. Mới đây, Tứ gọi về báo sẽ sang Anh để làm vì ổn định hơn.
Hơn tuần trước nó gọi về báo đang ở Pháp chuẩn bị sang Anh. Nó dặn chuẩn bị tiền để nộp nếu sang được Anh thành công", ông Sắt nói và cho biết, căn nhà nhỏ mới xây dựng chưa bao lâu ông cũng phải mang cầm cố vay tiền để con đi làm.
Đến nay, không chỉ gia đình Tứ, gia đình Hà mà hơn 26 gia đình khác tại Nghệ An và Hà Tĩnh đang nóng lòng chờ tin từ cơ quan chức năng khi mất liên lạc với con.
Con đường đi lao động sang các nước châu Âu vô vàn vất vả, hiểm nguy. Nhưng biết là sang đó làm được rất nhiều tiền nên nhiều người vẫn bất chấp, liều mình để đi. Có người phải ôm nợ, cũng có người phải ôm hận....