Từ Vatican đến Jerusalem: Hai điểm du lịch tâm linh khổng lồ cho cộng đồng Công giáo và du khách toàn thế giới

21/02/2019 08:54 AM | Kinh doanh

Số liệu năm 2011 cho thấy Vatican thu được khoảng 113 triệu USD mỗi năm nhờ bán bưu thiếp, tem, dịch vụ du lịch.

Xét về tôn giáo, Đạo Thiên chúa hay Công giáo là tín ngưỡng lớn nhất thế giới. Số liệu năm 2015 cho thấy có đến hơn 33% tổng dân số toàn cầu, tương đương khoảng 2,4 tỷ người trên trái đất theo đạo Thiên chúa.

Như một hệ quả tất yếu, số lượng du khách Công giáo du lịch tâm linh hàng năm trên thế giới cũng vô cùng lớn. Ước tính có khoảng 168 triệu du khách Công giáo hành hương về các thánh địa hay địa điểm tâm linh hàng năm.

Riêng tại Phương Tây, những danh lam thắng cảnh tâm linh thường thu hút khoảng 250.000-800.000 du khách mỗi năm.

Tuy nhiên nhắc đến du lịch Công giáo thì phải nói đến Vatican và Jerusalem, 2 thánh địa nổi tiếng của tôn giáo lớn nhất thế giới.


Vương quốc tôn giáo hay thành phố du lịch?

Thành phố Vatican chỉ có diện tích khoảng 0,44 km2 nhưng lại thu hút khoảng 1,1 tỷ du khách mỗi năm theo số liệu năm 2015. Nhất là những dịp quan trọng như Giáo hoàng lên ngôi, Giáng sinh hay các sự kiện trọng đại khác, tín đồ cùng du khách từ mọi nơi trên thế giới lại đổ về đây.

Nếu tính riêng những bảo tàng nghệ thuật tại Vatican, chúng đã thu hút tới 11 triệu lượt du khách mỗi năm, đó là chưa kể đến những danh lam thắng cảnh khác, hay thậm chí là sức hút của riêng Giáo hoàng đối với các con chiên.

Từ Vatican đến Jerusalem: Hai điểm du lịch tâm linh khổng lồ cho cộng đồng Công giáo và du khách toàn thế giới - Ảnh 1.

Được xây dựng từ năm 326 sau công nguyên (AD), Vatican là trung tâm của cộng đồng Công giáo, nới hội tụ nhiều di tích lịch sử, chính trị, văn hóa, tôn giáo. Do đạo Thiên chúa có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử thế giới nên đương nhiên Vatican trở thành tâm điểm thăm quan không chỉ với những người theo đạo mà còn với cả những du khách khác.

Tại đây tập trung rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ nổi tiếng từ thời trung cổ, phục hưng cho đến cận đại. Chưa kể đến bảo tàng tư liệu đồ sộ mà Giáo hội thu thập được sau hàng ngàn năm dài tồn tại.

Bên cạnh đó, những dịch vụ như khách sạn, quán ăn, đồ lưu niệm, du lịch… cũng khiến Vatican dần biến mình từ một trung tâm tín ngưỡng thành địa điểm du lịch nổi tiếng.

Ví dụ bảo tàng, có khoảng 3.000 nhân viên hướng dẫn đang làm việc quanh các bảo tàng ở Vatican và họ được cấp phép đàng hoàng. Hàng năm các bảo tàng này có doanh thu khoảng 100 triệu Euro và một nửa đóng góp cho ngân sách của Giáo hội. Mỗi chiếc vé vào các bảo tàng có giá khoảng 17-20 Euro, nếu có thêm hướng dẫn viên trong vòng 3 tiếng là 70 Euro. Trường hợp khách cần hướng dẫn viên cả ngày là 400 Euro.

Từ Vatican đến Jerusalem: Hai điểm du lịch tâm linh khổng lồ cho cộng đồng Công giáo và du khách toàn thế giới - Ảnh 2.

Rõ ràng, ngành du lịch tâm linh đang giúp Vatican ăn nên làm ra và có đủ tiền vận hành cho bộ máy của mình.


Số liệu năm 2011 cho thấy thành phố Vatican thu được khoảng 113 triệu USD mỗi năm nhờ bán bưu thiếp, tem, dịch vụ du lịch. Trong khi đó mặc dù không có số liệu xác định nhưng nhiều chuyên gia dự đoán Vatican có khoảng 10-15 tỷ USD tài sản. Riêng ngân hàng Vatican Bank hiện đang giữ khối tài sản lên tới 64 tỷ USD, bao gồm tiền gửi từ nhiều nguồn khác nhau. Thậm chí ngân hàng này còn đang giữ 20 triệu USD vàng của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED).

Dẫu vậy ngành du lịch cũng đang gây ra nhiều rắc rối cho Vatican khi tỷ lệ ăn cắp, tội phạm, tai nạn ngày một tăng do lượng du khách quá lớn trong khi lực lượng an ninh, quản lý lại quá thiếu. Năm 2018, Vatican đã phải ban hành chính sách giới hạn số người có thể thăm quan các bảo tàng do lo ngại sự xuống cấp của các công trình cũng như hiện vật.

Vào những ngày cao điểm, các bảo tàng tại Vatican thu hút tới 30.000 lượt khách mỗi ngày và nhiệt độ tại khu vực này lên đến 40 độ C do quá đông người tụ tập, gây nguy hại đến các hiện vật cũng như môi trường.

Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều du khách đổ về đây khiến tình trạng mất vệ sinh, mất trật tự ngày càng gia tăng, qua đó đè nặng lên hệ thống hạ tầng của Vatican.

Từ Vatican đến Jerusalem: Hai điểm du lịch tâm linh khổng lồ cho cộng đồng Công giáo và du khách toàn thế giới - Ảnh 3.

Jerusalem - Nơi hội tụ 3 tôn giáo lớn

Nhắc đến du lịch tâm linh Công giáo, ngoài Vatican phải nói đến Jerusalem. Nếu Vatican là nơi ở của Giáo hoàng, Giáo hội cùng nhiều di vật lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thì Jerusalem lại là nơi Chúa bị đóng đinh. Đây cũng là thành phố cổ chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của cả Công giáo, Do thái giáo và Hồi giáo.

Hiện nay Jerusalem là thủ đô của Israel nhưng lại nằm ở khu vực Trung Đông, vốn là trung tâm của Đạo Hồi. Như một hệ quả tất yếu, Jerusalem dễ dàng thu hút các du khách từ mọi tôn giáo trên thế giới đổ về thăm quan, từ Công giáo, Do Thái giáo cho đến Đạo Hồi.

Bình quân hàng năm thánh địa Công giáo này thu hút khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch và theo Euromonitor, đây là thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới với số du khách quốc tế tăng thêm hàng năm đạt 37%.

Dù chỉ đứng thứ 63 trong số 100 thành phố được du khách đến nhiều nhất thế giới năm 2018 nhưng báo cáo của Euromonitor cho thấy số khách du lịch ở lại qua đêm tại Jerusalem đang tăng với tốc độ 47%. Nếu tiếp tục đà này, chẳng mấy chốc nơi đây sẽ là địa điểm du lịch hút khách nhất thế giới.

Từ Vatican đến Jerusalem: Hai điểm du lịch tâm linh khổng lồ cho cộng đồng Công giáo và du khách toàn thế giới - Ảnh 4.

Với lợi thế là thành phố linh thiêng của 3 tôn giáo lớn là Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo, Jerusalem rất dễ dàng để hút du khách, nhưng chính phủ Israel lại đầu tư không thỏa đáng cho tiềm năng vốn có của thành phố này.

Vốn là một trong những thành phố cổ nhất thế giới, trải qua nhiều cuộc chiến và đến tận ngày này nơi đây vẫn là nguyên nhân tranh chấp giữa Israel lẫn Palestine. Jerusalem đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được trùng tu thích đáng. Lượng du khách đổ về đây hàng triệu người mỗi năm nhưng chỉ có khoảng 20.000 phòng khách sạn, nhà nghỉ.

Các địa điểm nổi tiếng cũng không được đổ tiền vào đầu tư xây dựng, cải tạo. Giao thông tại Israel đến Jerusalem luôn bị du khách than phiền vì không thoải mái. Những lời than phiền phải đi bộ đến danh lam thắng cảnh, môi trường đầy bụi, thiếu nước cùng hàng loạt vấn đề khiến Jerusalem hiện vẫn chưa thể vượt qua được những danh lam thắng cảnh khác trên thế giới.

AB

Cùng chuyên mục
XEM