Từ sọt rác của một công ty đóng cửa, Trang Lê đã mang Next Top Model về Việt Nam và làm thay đổi cả ngành công nghiệp thời trang

29/12/2016 07:58 AM | Kinh doanh

Những catalogues phim bị sếp công ty cũ vứt vào sọt rác, chị nuối tiếc xin về dù không hiểu tiếng Trung. Một em thực tập biết tiếng Trung sau khi nghiên cứu những tư liệu cũ này đã kết nối với CCTV, mở ra hướng tham dự Hội chợ phim Bắc Kinh, rồi hội chợ Hàn Quốc, Pháp – nơi Trang Lê đã gặp gỡ CBS – đơn vị sở hữu bản quyền chương trình Next Top Model...

Hoàng Thùy, Tuyết Lan, Mâu Thủy, Chà Mi… - những cái tên quen thuộc lớn lên từ “lò” Vietnam’s Next Top Model. Nhắc đến “lò” này, không thể không nhắc tới Trang Lê - CEO của Multimedia JSC và Chủ tịch HĐQT của Công ty BeU Models.

Người ta quen gọi Trang Lê là “người đàn bà quyền lực” của làng thời trang Việt Nam, là “bà trùm” của Vietnam’s Next Top Model, Project Runway, BeU... Nhưng ít ai mường tượng được cảnh bà bầu Trang Lê 8 – 9 năm trước từng lăn lộn quần quật ngoài hiện trường chương trình Ai là triệu phú? từ sáng sớm đến đêm khuya đến không kịp ăn uống, dù đang mang bầu 7 tháng.

Khi công ty cũ của chị - E-Media – đơn vị sản xuất chương trình Ai là triệu phú? đóng cửa, bà mẹ vừa sinh đứa con thứ 2 sau khi xin việc ngành tài chính – kế toán khắp nơi, đã đánh liều mở một công ty truyền thông lấy tên Multimedia JSC.

“Tôi bắt đầu mang hồ sơ đi xin việc. Nhưng thực sự tôi có cảm giác là hình như đó không phải cái mình muốn. Và thực sự tôi nghĩ mình phải làm được điều mình mong muốn, đam mê, yêu thích, và tự làm”.


Trang Lê - CEO của Multimedia JSC, người mang chương trình Next top Model về Việt Nam. Ảnh: Bazaar.

Trang Lê - CEO của Multimedia JSC, người mang chương trình Next top Model về Việt Nam. Ảnh: Bazaar.

“Nói là vậy, nhưng giai đoạn đầu rất khó khăn. Mình yêu thích nghề này, nhưng từ yêu thích đến việc kinh doanh trong lĩnh vực này là câu chuyện hoàn toàn khác. Rành về tài chính – kế toán thì mình có thể đọc được báo cáo tài chính, nhìn vào đó có thể hiểu được tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng kinh doanh ra sao, kỹ năng bán hàng, marketing thế nào, tổ chức sản xuất thế nào vẫn là những thứ mới lạ” – Trang Lê chia sẻ trong chương trình Lò xo talk mới đây.

Cơ duyên từ tài liệu trong sọt rác của công ty cũ

Multimedia JSC được lập ra với 2 thành viên chính – Trang và một người đồng nghiệp cũ tại E-Media sau khi cả hai cùng... thất nghiệp.

Câu hỏi đặt ra với cả 2 người là Làm sao để mua được phim nước ngoài? Việc mua bản quyền phim các nước là công việc mà công ty cũ của chị Trang - E-Media kinh doanh chính, sau đó dịch ra tiếng Việt và bán cho các đài truyền hình.

Nhưng thời điểm còn làm ở đó, cả 2 chị chỉ đi bán, còn việc mua là sếp trực tiếp đảm nhiệm và “deal” toàn bộ các hợp đồng nước ngoài.

“Giờ mình phải tự làm, mình thực sự không biết bắt đầu từ đâu”, chị Trang Lê tâm sự.

Một ngày, có một cô bé tốt nghiệp chuyên ngành truyền hình ở Trung Quốc, là em của một người bạn, xin đến thực tập tại công ty. Không biết dạy em cái gì khi chính vốn liếng kinh nghiệm mình không nhiều, Trang Lê đành đưa em một đống tài liệu mang về từ công ty cũ.

“Đó là những catalogues phim cũ bằng tiếng Trung. Ngày công ty đóng cửa, sếp vứt vào sọt rác và mình xin về”, chị kể.

Cô bé đó rất năng động. Từ việc đọc tài liệu đó, em đã liên hệ với một đối tác phía Trung Quốc là CCTV. CCTV thông báo họ chuẩn bị tham gia hội chợ phim ở Bắc Kinh và hỏi Multimedia có hứng thú tham gia.


Ảnh cắt từ clip của Lò Xo Talks.

Ảnh cắt từ clip của Lò Xo Talks.

Đến hội chợ phim Bắc Kinh, Trang Lê lại gặp được một số công ty Hàn Quốc bán phim tại hội chợ này. Phim Hàn cùng với phim Trung vốn là 2 thể loại rất được ưa chuộng tại thời điểm đó. Lại một lời mời tham dự hội chợ phim nữa tại Hàn Quốc, chị lại gật đầu.

Từ Hàn Quốc, Trang Lê tiếp tục tiếp cận được các đối tác từ Mỹ, Châu Âu đến chào hàng tại thị trường này, và chị lại được mời tham dự hội chợ phim tại Pháp, và chị lại gật đầu.

“MIPTV, MIPCOM là thị trường lớn nhất dành cho các nhà sản xuất, là hội chợ lớn nhất về bản quyền truyền hình trên thế giới. Đến đó, dường như cả thế giới đã bắt đầu mở ra đối với tôi”, chị Trang tâm sự.

Tại MIPCOM, chị bắt đầu biết đến format Next Top Model của hãng CBS Studios International khi họ chào hàng tại hội chợ này.

Mọi thứ bắt đầu từ đó, và cứ thế mở ra…

Hơn 3 năm bám đuổi, Trang Lê đã đưa một công ty vô danh trở thành công ty truyền thông định vị lại giới người mẫu


Vietnams Next Top Model mùa 7.

Vietnam's Next Top Model mùa 7.

Tiếp xúc với CBS, với sự nhạy bén từ những ngày lăn lộn với Ai là triệu phú? tại E-Media, trong đầu Trang thầm nghĩ: “Một chương trình được sản xuất và phát sóng tại hơn 100 quốc gia, một format có thể phù hợp với hơn 100 quốc gia, hẳn phải có gì đó thu hút”, và chị liên hệ xin mua lại bản quyền chương trình này.

Nhưng về phía CBS, chẳng đời nào họ chấp nhận để một công ty vô danh, chưa đầy 1 năm tuổi tại Việt Nam, mua bản quyền một chương trình đã được chứng thực tên tuổi của họ.

Và họ đưa ra một cái giá trên trời mà chắc chắn một công ty mới khởi nghiệp trong ngành giải trí chẳng thể mua nổi.

“Để trở thành đối tác trong hãng lớn, dù bạn là người đi mua nhưng không phải ai mua họ cũng bán”.

“Những hãng lớn như Sony Pictures, CBS, Fox…, trước khi trở thành đối tác của họ, kể cả bạn là người mua hàng, họ yêu cầu mình phải điền vào một xấp tài liệu rất nhiều thông tin để chứng minh năng lực của bạn. Nếu họ cảm thấy bạn đủ lớn, lúc đó họ mới cân nhắc đến việc có làm việc với bạn hay không”, Trang tâm sự.

Khi bị CBS từ chối, chị cảm thấy rất tiếc nhưng không hiểu sao có một điều gì đó vẫn cứ thôi thúc. Chị rất muốn làm chương trình này. Vậy nên trong mỗi hội chợ phim, chị vẫn tham gia, vẫn tiếp tục đeo đuổi.

Đeo đuổi hơn 3 năm, khi rất nhiều công ty Việt Nam đặt vấn đề mua bản quyền Next Top Model, CBS đã quyết định sang Việt Nam để gặp từng công ty xem năng lực sản xuất của từng công ty thế nào.

3 mùa sản xuất chương trình Đồ Rê Mí thành công là minh chứng thuyết phục nhất của Multimedia về khả năng sản xuất chương trình truyền hình với CBS.

“Sau chuyến đi đó, CBS đã gửi email và nói: Sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định đồng ý bán bản quyền format Next Top Model cho Multimedia JSC”, chị Trang kể.

Vietnam’s Next Top Model đã cung cấp cho thị trường thời trang Việt Nam và thế giới những tên tuổi như Trang Khiếu, Hoàng Thùy, Tuyết Lan, Mâu Thủy, Chà Mi… và đã làm thay đổi cả ngành công nghiệp thời trang trong nước, khi sau đó, Trang Lê đã đưa ra một loạt chương trình mới như Project Runway, Vietnam International Fashion Week và thành lập Công ty BeU Models.

Đơn cử như một việc nhỏ là giới người mẫu thường dựa vào quen biết để có suất trong các show diễn thời trang, Trang Lê đã làm một điều hoàn toàn khác biệt, tất cả công việc của giới người mẫu với công ty đều phải qua casting.

“Ngay cả với Vietnam International Fashion Week, mỗi một mùa chúng tôi đều tổ chức casting, mặc dù rất nhiều gương mặt đã rất quen thuộc, đều từ Vietnam’s Next Top Model bước ra và tôi đều biết. Nhưng vì sao vẫn phải casting?”

“Có thể mùa này các bạn đã diễn rất tốt, nhưng 6 tháng sau, có thể do sinh nở, hoặc không còn giữ vóc dáng của bạn thì bạn có thể không còn phù hợp với chúng tôi. Chúng tôi có thể không mời bạn”, Trang Lê cho biết.

Mời quý vị theo dõi các nội dung khác trong chương trình Lò xo Talk tại đây.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM