Có một quy luật kinh điển chi phối tất cả chúng ta, kể cả những người thành công như Shark Phú cũng không ngoại lệ!

19/11/2021 14:47 PM | Kinh doanh

Càng thành công, bạn càng phải đối mặt với nhiều chi phí cơ hội.

Shark Nguyễn Xuân Phú là vị “cá mập” quen thuộc trên sóng Shark Tank Việt Nam. Ông được khán giả yêu quý một phần bởi những phát ngôn, nhận định về kinh doanh rất “chất” của mình. Thế nhưng khán giả cũng nhận thấy Shark Phú rất ít khi chia sẻ chuyện gia đình, đời tư cá nhân.

Trong một lần hiếm hoi nói về cuộc sống gia đình, ông chủ Sunhouse tâm sự: "Cuộc sống gia đình càng hiện đại thì càng bận rộn. Các dịch vụ phát triển rất nhanh, số lượng người trong gia đình ngày càng ít, và thời gian chúng ta dành cho gia đình cũng cứ thế vơi dần.

Trước đây, tôi rất bận, nhiều lúc có cảm giác bị công việc cuốn đi, không để ý tới gia đình. Hôm thì phải đi tiếp khách, hôm đến lượt khách mời, hôm thì bận họp... những việc ấy cứ cuốn chúng ta đi, khiến tôi nhiều khi tự hỏi, vậy thì ý nghĩa cuộc sống là gì?".

Vị doanh nhân này từng chia sẻ có giai đoạn, cả tuần ông đi tiếp khách, không về ăn cơm với gia đình. Đến hôm không bận việc, được về sớm thì nhà cửa trống trải, thiếu người này người kia. Lúc ấy bản thân mới cảm nhận rõ ràng thấy có gì đó hụt hẫng, cô đơn.

Tuy nhiên, ông cho rằng đây không phải vấn đề của riêng mình mà là câu chuyện nhiều người phải trải qua, để đổi lại thành công trong sự nghiệp.

"Có một nguyên tắc thế này: bao giờ cạnh núi cao cũng là vực sâu, còn đồng bằng bằng phẳng thì tất cả xung quanh sẽ bằng phẳng. Cuộc sống cũng vậy, muốn vượt trội lĩnh vực này phải hy sinh đâu đó những việc khác. Vì thế những người thành công vang dội trong sự nghiệp phải hy sinh nhiều điều nhất định", trong một lần trả lời phỏng vấn Shark Phú giải thích thêm về điều này.

Từ người thành công như shark Phú hay kẻ bình thường như bạn đều bị quy luật kinh điển này chi phối hàng ngày - Ảnh 1.

Theo ông chủ Sunhouse lý giải rằng mỗi người, mỗi ngày đều có 24 giờ giống nhau, chỉ khác nhau cách sử dụng. Ví dụ, nếu một người tiêu dùng kiểu đều đều, 1 tiếng cho gia đình, 1 tiếng chơi thể thao, 1 tiếng học tập,… thì mọi thứ họ có sẽ không nổi bật xuất chúng. Nhưng ngược lại, nếu muốn chơi thể thao giỏi, họ sẽ phải tập trung 10 tiếng/ngày, nghĩa là mất đi 9 tiếng dành cho việc khác.

"Tôi nghĩ cuộc đời là sự công bằng. Ai muốn hài hoà sẽ không có đỉnh cao. Muốn đỉnh cao phải chấp nhận khiếm khuyết. Điều đó là bình thường, do lựa chọn của mỗi người mà thôi".

Thực tế không chỉ những người thành công mới phải đánh đổi như shark Phú chia sẻ, bất cứ ai trong chúng ta đều đối mặt với điều này hàng ngày trong cuộc sống. "Hoa hồng hay bánh mỳ? Tình yêu hay sự nghiệp?" vốn là những câu hỏi kinh điển ai cũng từng có lần đối mặt.

Những quyết định đánh đổi mà bất kỳ ai cũng phải đối mặt, từng được các nhà kinh tế học tổng kết rằng sự đánh đổi – từ bỏ một thứ để có được thứ khác – là nguồn gốc của mọi chi phí cơ hội.

Nó là trọng tâm của hoạt động điều hành và là thứ rất mâu thuẫn. Càng thành công, bạn càng phải đối mặt với nhiều chi phí cơ hội. Thực ra, thước đo thành công chính là khả năng dám đánh đổi của nhà điều hành hay bất kỳ ai, thứ có thể khiến họ sợ hãi và đau khổ.

Vậy chi phí cơ hội là gì? Các nhà kinh tế học có rất nhiều cách kỳ lạ để định nghĩa và tính toán các loại chi phí. Thay vì đưa ra những câu hỏi như: Tôi mất bao nhiêu chi phí cho nó? Hay tôi phải trả bao nhiêu tiền cho nó? Thì họ lại luôn đặt ra câu hỏi: Tôi phải mất gì để có nó?

Câu hỏi tưởng chừng như rất kì lạ này hóa ra lại rất hữu ích đối với những ai thường xuyên sử dụng nó để phân tích chi phí. Mọi chi phí đều là những cơ hội bị mất đi dù theo cách này hay cách khác, nhưng không phải cơ hội bị mất nào cũng rõ ràng. Chi phí cơ hội – thứ bạn phải mất đi để có được một thứ khác – là một khái niệm quan trọng trong thị trường tài chính và đầu tư.

Bạn chọn dành thời gian lướt Facebook cập nhật những tin tức vui vẻ, lướt TikTok giải trí hay chọn đọc một trang sách có ích? Bạn chọn đi chơi cuối tuần hay cày cuốc học một thứ ngoại ngữ mới? Tất cả những quyết định đều đòi hỏi sự đánh đổi và điều bạn cần nhớ là giá trị mình sẽ thu lại được là bao nhiêu.

Thảo Nguyên

Từ khóa:  shark phú
Cùng chuyên mục
XEM