Từ ngành M&A ''lấn sân'' sang thời trang, co- founder thương hiệu túi xách Ther Gab kể chuyện khởi nghiệp với số vốn 150 triệu đồng: Ôm giấc mơ tạo ra mẫu túi quốc dân, ai cũng mua được
Chỉ sau 1,5 năm hoạt động, thương hiệu túi xách Ther Gab đã nhanh chóng trở thành ''hiện tượng'' thời trang được lòng thế hệ Gen Z, mang đến những thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ chất liệu văn hóa dân gian, và còn tạo nên kỳ tích ấn tượng khi "mang chuông đi đánh xứ người’’ tại thị trường Singapore.
Dù là một ‘‘newbie’’ trong ngành thời trang đầy cạnh tranh, nhưng Ther Gab đã thành công khi đặt những bước chân đầu tiên trên chặng đường chinh phục nhóm khách hàng trẻ bằng các sản phẩm được lấy cảm hứng từ chất liệu văn hóa dân gian của Việt Nam.
Trò chuyện với co-founder của Ther Gab - anh Vinh Nguyễn, chúng tôi có thể cảm nhận được ‘‘ngọn lửa’’ đam mê kinh doanh đang rực cháy bên trong con người này. Từ một người làm việc trong lĩnh vực dược phẩm, M&A trở thành co-founder của một thương hiệu thời trang là hành trình không hề dễ dàng đối với anh. Chính đam mê kinh doanh, sự kỷ luật và kiên trì đã biến những thất bại trong quá khứ trở thành động lực chinh phục giấc mơ khởi nghiệp và tạo nên những ‘‘phần thưởng’’ xứng đáng với nỗ lực mà người đàn ông này đã bỏ ra.
Trước khi khởi nghiệp kinh doanh túi xách, anh và các co-founder của Ther Gab là ai, công việc của mọi người là gì?
Team founder của Ther Gab gồm có 3 thành viên là Julia, MT và tôi - Vinh Nguyễn.
Tôi sinh năm 1991, từng học và làm việc tại Hàn Quốc, Pháp và một thời gian ngắn ở Singapore. Trước khi trở về Việt Nam vào năm 2020, tôi làm việc cho tập đoàn dược phẩm lớn thứ 2 của Hàn Quốc. Sau một thời gian, tôi nhận thấy môi trường làm việc tại Hàn Quốc quá khắc nghiệt, khiến bản thân tự hỏi liệu vài năm nữa có thể đạt đến vị trí mong muốn hay không. Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi đã quyết định trở về nước để khởi nghiệp.
Thời điểm mới về nước, tôi làm việc trong lĩnh vực M&A một thời gian, sau đó có lên Đà Lạt để thử kinh doanh homestay, nhà hàng và nông nghiệp. Tuy nhiên, do vấn đề chi phí, cùng với tác động của COVID-19 và nhiều yếu tố trên thị trường, các kế hoạch khởi nghiệp của tôi đã thất bại.
Trở về TP.HCM, tôi gặp MT, hiện là designer chính cho Ther Gab. Khi đó, MT là sinh viên Khoa Thiết kế thời trang của trường Đại học Văn Lang. Bằng trực giác của một người từng làm việc trong lĩnh vực M&A, tôi nhận thấy MT là một bạn trẻ vô cùng tài năng, khiến tôi muốn làm việc cùng.
Về Julia, tôi và cô gái này là bạn học chung trường, đã quen biết nhau hơn 10 năm. Julia từng học và làm việc tại Hàn Quốc, Pháp, Myanmar (khoảng 1 năm) và hiện là giám đốc thị trường của một tập đoàn Singapore. Trong 3 co-founder của Ther Gab, Julia là người duy nhất định cư ở nước ngoài. Tôi và MT thì vẫn đi đi về về Hàn Quốc, một phần vì tôi xem đó như quê hương thứ hai của mình, phần nữa là tôi cũng muốn cập nhật mô hình kinh doanh mới nhất ở Hàn.
Ý tưởng thành lập Ther Gab đến với anh và mọi người như thế nào?
Thực ra ý tưởng kinh doanh thời trang, cụ thể là túi xách đến với chúng tôi khá ngẫu nhiên. Sau khi gặp và nói chuyện với MT, ‘‘business sense’’ mách bảo tôi nên hợp tác với con người này, biết đâu cả hai sẽ tạo nên điều gì đó thú vị. Và thế là ý tưởng xây dựng một thương hiệu túi xách thiết kế ra đời.
Sau khi quan sát thị trường, chúng tôi nhận ra có rất nhiều thương hiệu đã thành công với sản phẩm quần áo, giày dép. Trong khi đó, số thương hiệu túi xách thiết kế không nhiều. Mặt hàng túi xách cũng có nhiều tiềm năng và ‘‘đất diễn’’ hơn, nên chúng tôi quyết tâm tạo ra một thương hiệu túi xách của riêng mình.
Trong giai đoạn ‘‘test’’ thị trường, chúng tôi đặt tên các mẫu túi lần lượt là No.1, No.2, No.3,... Cho đến dịp Tết Nguyên đán, MT nảy ra ý tưởng đặt tên sản phẩm bằng những thứ quen thuộc và gần gũi với người Việt như Bánh Giầy, Bánh Chưng. Cũng từ đó, túi Bánh Giầy - sản phẩm đầu tiên của Ther Gab chính thức được tung ra thị trường.
Với số vốn ban đầu chỉ có 150 triệu đồng nên chúng tôi chỉ sản xuất khoảng 90 chiếc túi Bánh Giầy. Bất ngờ là sản phẩm này bỗng viral vào đúng kỳ nghỉ Tết, chỉ trong 1 - 2 ngày đã bán hết sạch hàng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sau khi kết thúc kỳ nghỉ, chúng tôi lập tức sản xuất thêm 300 - 500 mẫu nữa.
Giữa 3 chúng tôi có rất nhiều điểm chung. Điểm chung đầu tiên có lẽ là sự trung thực. Tôi coi đây là yếu tố nền tảng giúp mọi người thêm thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau, từ đó mới có thể đồng hành trên chặng đường làm kinh doanh.
Điểm chung thứ hai chính là sự chuyên nghiệp. Mỗi nhân sự của Ther Gab đều đảm nhiệm một công việc riêng, nhưng phải đảm bảo mọi thứ vận hành đúng nhịp và theo một quy trình nhất định.
Cuối cùng, cả 3 đều có ‘‘máu kinh doanh’’. Có những hôm, Julia ở tận Hàn Quốc vẫn nhắn tin cho tôi lúc 2-3 giờ sáng để thảo luận công việc. Điều này thể hiện rằng bạn phải có đam mê kinh doanh mãnh liệt như thế nào thì mới tận tâm như vậy.
Việc 2 trong 3 co-founder của Ther Gab là tay ngang rẽ sang mảnh thời trang, theo anh điều này có lợi thế và bất lợi gì?
Dù team founder của Ther Gab có 3 con người với 3 cá tính và background khác nhau, nhưng mình lại nhìn thấy nhiều điểm lợi thế hơn là bất lợi. Đầu tiên là 2 trên 3 thành viên của team đều có kinh nghiệm và sự nhạy bén với kinh doanh. Chúng mình sẽ vận dụng những kiến thức và trải nghiệm của bản thân để đưa ra phương án hoạt động tốt nhất cho brand.
Biết rằng ai cũng có những điểm mạnh và thiếu sót, tuy nhiên việc phát huy cũng như cải thiện chúng ra sao mới là vấn đề quan trọng. Trong team founder của Ther Gab, mỗi người lại có một thế mạnh riêng, người giỏi về thiết kế, lên ý tưởng, có khiếu thẩm mỹ, người lại mạnh trong khoản quản lý, vận hành,... Do đó, mỗi cá nhân giống như một mảnh ghép giúp thương hiệu ngày một tốt hơn và hoàn thiện hơn.
Một team gồm 3 founder cùng làm việc với nhau như vậy, chắc hẳn không thể tránh khỏi những bất đồng?
Bất đồng quan điểm là điều không thể tránh khỏi trong quá trình làm việc của chúng tôi. Cái bất lợi lớn nhất có lẽ xuất phát từ khoảng cách thể hệ. Tôi và Julia thuộc thế hệ Millennials, còn MT là Gen Z. Vì vậy, khi làm việc cùng nhau cũng phát sinh nhiều khác biệt về quan điểm, tầm nhìn và cách tiếp cận.
Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm ra phương án giải quyết những khó khăn này, đó là bằng sự tôn trọng dành cho đối phương. Tôi rất tâm đắc câu thành ngữ ‘‘tương kính như tân’’. Nghĩa là dù đã thân quen nhiều năm nhưng con người vẫn nên tôn trọng nhau như hồi còn mới. Đơn cử như mối quan hệ giữa tôi và Julia. Dù chúng tôi đã quen nhau hơn 10 năm, nhưng khi làm việc vẫn giữ thái độ chừng mực, chuyên nghiệp, không vì quen biết lâu năm mà ứng xử hời hợt với nhau.
Không chỉ cá nhân tôi, Julia hay MT mà mọi thành viên trong gia đình Ther Gab vẫn luôn làm việc với tinh thần ‘‘tương kính như tân’’. Nhờ vậy, mọi khó khăn, khúc mắc đều được giải quyết một cách dễ dàng.
Xây dựng Ther Gab từ con số 0, anh đã gặp những khó khăn gì?
Thật lòng mà nói, tôi không có background về thời trang nên khó khăn đầu tiên có lẽ là việc thấu hiểu insights của thị trường, sau đó là đến tìm kiếm nguyên vật liệu và vấn đề kho xưởng. Tuy nhiên, trong team founder lại có những bạn rất giỏi về các mảng này. Chúng tôi cùng thảo luận, ai mạnh ở mảng nào sẽ đóng góp để tìm ra giải pháp và hướng đi phù hợp nhất.
Tôi nghĩ chữ ‘‘tín’’là yếu tố then chốt giúp bản thân cũng như Ther Gab chiến thắng mọi khó khăn. Khi làm việc, các thành viên của Ther Gab luôn có sự tin tưởng và tín nhiệm lẫn nhau. Và chữ ‘‘tín’’ cũng được chúng tôi đặt lên hàng đầu khi làm việc với đối tác và cả khách hàng.
Bên cạnh đó, tôi cũng có 1 nguyên tắc bất di bất dịch khi làm việc, đó là ‘‘nói được làm được’’. Tinh thần này giúp bản thân tôi và các thành viên khác trong Ther Gab vững niềm tin vào nhau, không ngừng sáng tạo và phấn đấu để chiến thắng khó khăn và đạt được những mục tiêu đặt ra.
Khởi nghiệp trong thị trường thời trang vô cùng cạnh tranh, anh cảm thấy đâu là điều khác biệt làm nên dấu ấn của Ther Gab?
Khi xác định bước chân vào thị trường thời trang đầy cạnh tranh này, tôi và mọi người luôn mong muốn tạo cho thương hiệu một sự khác biệt, ‘‘không giống ai’’. Và sự khác biệt đó được thể hiện đầu tiên qua tên của sản phẩm. Thay vì sử dụng tiếng Anh, mỗi mẫu túi của Ther Gab lại có tên tiếng Việt độc đáo như: Bánh Giầy, Bánh Chưng, Hạt Đậu, Vỏ Sò, Túi Của Tấm,... Nhờ vậy, nhiều khách hàng chưa biết đến thương hiệu Ther Gab, nhưng nói đến túi Hạt Đậu, Vỏ Sò, họ đã có hình dung ra sản phẩm này trong đầu.
Điểm khác biệt thứ hai là thiết kế độc lạ, không trùng lặp. Ví dụ như mẫu túi Hạt Đậu. Đây là một thiết kế độc bản mà Ther Gab vô cùng tự hào. Nó mô phỏng hình dáng của hạt đậu, kết hợp với các hoạ tiết cách điệu để tạo nên một mẫu túi trẻ trung, sành điệu mà không đâu có.
Bên cạnh tên gọi bằng tiếng Việt, chúng tôi cũng ‘‘thổi hồn’’ vào các sản phẩm của Ther Gab bằng một câu chuyện riêng. Ví dụ như chiếc túi Quai Vạc được lấy cảm hứng từ món bánh quai vạc đặc trưng của vùng đất Phan Thiết hay ý tưởng cho mẫu túi Hạt Đậu xuất phát từ loại hạt bình dị và thân thuộc của làng quê Việt Nam.
Tại sao Ther Gab lại sử dụng chất liệu văn hóa dân gian để hướng tới đối tượng GenZ mà không phải những thứ hiện đại và táo bạo hơn?
Hiện 90% khách hàng của Ther Gab thuộc thế hệ Gen Z và đây cũng là đối tượng khách hàng chính của thương hiệu.
Sau nhiều năm làm việc và quan sát những thị trường ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc, tôi nhận ra các yếu tố bản địa đang ngày càng được người trẻ yêu thích. Trong khi đó, thế hệ Millennials lại có xu hướng ‘‘sính ngoại’’, thích sử dụng các thương hiệu đến từ nước ngoài hơn.
Tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy thực tế là xu hướng dùng hàng Việt, ‘‘made in Vietnam’’ ngày một được ưa chuộng trong những năm gần. Với thế hệ Gen Z, họ ý thức được tầm quan trọng của việc ủng hộ các thương hiệu Việt. Đối tượng này cũng rất quan tâm đến những yếu tố truyền thống, dân gian của nước nhà. Đây là một xu hướng có tính bền vững, và là tín hiệu tích cực cho thị trường, cũng như các doanh nghiệp trong nước.
Hiểu được những điều này, Ther Gab mới chọn định vị thương hiệu và sản phẩm của mình gắn liền với yếu tố văn hóa dân gian của Việt Nam.
Vậy theo anh, thế nào là một thương hiệu vì người Việt và dành cho người Việt?
Yếu tố vì người Việt, dành cho người Việt của một thương hiệu thời trang được thể hiện trên nhiều khía cạnh. Với Ther Gab, các sản phẩm đều được lấy cảm hứng từ chất liệu văn hóa dân gian của Việt Nam, từ đó phát triển thành những thiết kế vừa mới mẻ mà vẫn giữ lại nét đặc trưng. Ngoài ra, mỗi sản phẩm còn có một câu chuyện riêng, giúp khơi gợi trí tưởng tượng và ký ức về những sự vật quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam.
Chưa hết, toàn bộ nguyên vật liệu và quá trình sản xuất các sản phẩm của Ther Gab đều diễn ra tại Việt Nam (tại TP.HCM và Đồng Nai, Bình Dương) và do người Việt thực hiện.
Một điều nữa mà Ther Gab luôn quan tâm đó là mức giá phải phù hợp với người Việt. Chúng tôi luôn nỗ lực cải thiện chất lượng và mẫu mã của sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo mức giá nằm trong khoảng 500.000 - 700.000 VNĐ.
Mất bao lâu để Ther Gab có được lợi nhuận đầu tiên, thưa anh?
Chúng tôi bắt đầu Ther Gab với số vốn vỏn vẹn chỉ 150 triệu đồng. Trong những tháng đầu, chúng tôi hoạt động dưới hình thức cung cấp nguyên vật liệu cho xưởng, xưởng sản xuất bao nhiêu thì bán bấy nhiêu. Nhờ vậy, Ther Gab đã có được lợi nhuận từ những sản phẩm đầu tiên và tránh được tình trạng tồn kho.
Tôi từng học được một câu nói rất hay của doanh nhân Lý Gia Thành là ‘‘dòng tiền là điều quan trọng nhất’’. Việc có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính trước đó đã giúp chúng tôi quản lý dòng tiền một cách hiệu quả, vốn được xoay vòng liên tục và không rơi vào tình trạng thua lỗ hay cạn kiệt vốn.
Sau này, khi đã có nguồn vốn ổn định hơn, chúng tôi bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, Ther Gab đã có 2 xưởng sản xuất riêng, tự cung cấp nguyên vật liệu và tự sản xuất nên lợi nhuận cũng cao hơn nhiều so với thời gian đầu khởi nghiệp.
Giá sản phẩm của Ther Gab được đánh giá là hợp lý, mà chất lượng và mẫu mã vẫn có tính sáng tạo. Vậy anh đã tối ưu chi phí như thế nào?
Tôi nhận được rất nhiều ý kiến của bạn bè và khách hàng là nên nâng giá sản phẩm của Ther Gab. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi khi tạo ra Ther Gab chính là mang đến những sản phẩm túi xách không khiến khách hàng phải đắn đo về mức giá, ai cũng có thể mua được.
Về vấn đề tối ưu chi phí, toàn bộ nguyên vật liệu và quy trình sản xuất túi của Ther Gab đều ‘‘made in Vietnam’’. Tức là nguồn nguyên vật liệu từ trong nước và do nghệ nhân tại các làng nghề ở Bình Dương, Đồng Nai thực hiện, không phải nhập vật liệu từ nước ngoài hay thuê nhân công với mức giá cao.
Ngoài ra, việc quản lý tài chính sát sao, chặt chẽ là cũng cách giúp Ther Gab có thể cân đối chi phí một cách tối ưu và hợp lý. Nhờ vậy, Ther Gab vừa có thể mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng với mức giá hợp lý, vừa đảm bảo thương hiệu vẫn ‘‘sống sót’’ trong giai đoạn khởi nghiệp.
Ther Gab là thương hiệu Việt đầu tiên được thông qua trên nền tảng Sift & Pick của Singapore. Tại sao anh lại lựa chọn Sift & Pick mà không phải những nền tảng của các quốc gia khác?
Trong thời gian làm việc cho tập đoàn dược phẩm lớn thứ 2 của Hàn Quốc, tôi đã học được một ‘‘nước đi’’ vô cùng thông minh của họ đó là: Trước khi tự phát triển sản phẩm của riêng mình, hãy biến bản thân trở thành nhà phân phối của những thương hiệu lớn.
Do đó, khi ‘‘lấn sân’’ sang thị trường Singapore, Ther Gab đã chọn hợp tác với Sift & Pick - nhà phân phối túi xách hàng đầu tại quốc gia này. “Trộm vía” là quá trình làm việc giữa 2 bên diễn ra vô cùng suôn sẻ. Màn hợp tác này cũng mở cho Ther Gab thêm những cánh cửa để bước ra thị trường quốc tế, được khách hàng đến từ nhiều quốc gia yêu thích, và nhận được nhiều đề xuất phân phối sản phẩm tại Canada, Úc và Pháp.
Thị trường thời trang đang dần bão hòa và nhiều thương hiệu phải đối mặt với tình trạng đạo nhái thiết kế. Anh có lo ngại Ther Gab sẽ phải đương đầu với những vấn đề này không?
Thực tế là thị trường thời trang đang có rất nhiều thương hiệu, nhưng số thương hiệu có mức độ chuyên nghiệp, chuẩn chỉnh trong tất cả các khâu lại không nhiều. Ngoài ra, thị trường còn khá dễ tính, dẫn đến tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm chưa cao. Vì vậy theo tôi, thị trường có bão hòa, nhưng nó chỉ xảy ra ở phân khúc dễ tính.
Với Ther Gab, chúng tôi nhìn thấy khía cạnh là nếu một thương hiệu dũng cảm đầu tư về mặt sáng tạo, chất lượng và dịch vụ, thì lúc đó họ sẽ ở một ‘‘vùng trời’’ khác. Cách định vị bản thân này không chỉ nâng tầm thương hiệu, mà còn thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Chưa kể, khách hàng ngày nay còn rất nhạy bén và thông minh. Họ biết bản thân nên ủng hộ các sản phẩm chính hãng, uy tín, chất lượng và dành sự ưu ái đặc biệt đối với các thương hiệu của nước nhà.
Về vấn đề đạo nhái thiết kế, bản năng của một người làm kinh doanh là lúc nào cũng phải lo lắng về các rủi ro có thể xảy đến với ‘‘đứa con tinh thần’’ của mình.
Một lời khuyên dành cho những người trẻ cũng đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, thưa anh?
Ther Gab đang đi những bước đầu tiên trên con đường khởi nghiệp, vì vậy những điều tôi sắp chia sẻ là sự động viên chứ không phải lời khuyên hay bài học gì to tát.
Tôi nghĩ sự phát triển của một cộng đồng, một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, tôi hy vọng bất kỳ ai biết đến câu chuyện của Ther Gab, đặc biệt là những bạn trẻ đang ấp ủ đam mê khởi nghiệp sẽ có thêm động lực để thực hiện những ý tưởng của bản thân trong thời gian sớm nhất. Dù chúng ta là những viên gạch nhỏ nhưng đừng ngần ngại hay chần chừ, hãy bắt đầu xây lên những công trình đầu tiên để đóng góp cho nền kinh tế ngày một lớn mạnh.
Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!