Từ một quốc gia nghèo thành “con hổ” mới của châu Á, báo Anh nói gì về câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam?
Bài viết gần dây của Tạp chí Tài chính MoneyWeek (Anh) cho biết, trong những năm gần đây, với nền kinh tế năng động, năng lực sản xuất và sự cởi mở với quốc tế, Việt Nam là một cái tên khác gợi nhớ đến Trung Quốc đầu những năm 2000.
Bài viết gần dây của Tạp chí Tài chính MoneyWeek (Anh) cho biết, kể khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, tăng trưởng GDP của quốc gia này liên tục đạt mức 10%/năm. Đầu tư nước ngoài liên tục được rót vào Trung Quốc và hàng hóa sản xuất từ quốc gia này xuất khẩu ra toàn cầu đã ghi nhận nhưng con số đáng kinh ngạc.
“Thế nhưng, trong những năm gần đây, với nền kinh tế năng động, năng lực sản xuất và sự cởi mở với quốc tế, Việt Nam là một cái tên khác gợi nhớ đến hình ảnh Trung Quốc đầu những năm 2000”, tờ MoneyWeek viết.
Chìa khóa cho phát triển kinh tế Việt Nam
Báo Anh nhận định, câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn ở một số khía cạnh so với Trung Quốc. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người tương đương với Ethiopia vào những năm 1990, Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Thương mại là chìa khóa cho phát triển của kinh tế Việt Nam, được thúc đẩy bởi một loạt các thỏa thuận thương mại. Năm 1995, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2000, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận thương mại song phương đầu tiên. Và đến năm 2007, quốc gia này đã gia nhập WTO.
Nếu năm 1986, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm chưa đến 7% GDP của Việt Nam thì con số này đã tăng lên 93% vào năm 2021. Có thể thấy, Việt Nam đã từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người tăng 3,6 lần trong giai đoạn 2002-2020. Trong giai đoạn đó, Việt Nam đã trải qua ba đợt bùng nổ rõ rệt về đầu tư nước ngoài.
Lần đầu tiên bắt đầu vào giữa những năm 1990 khi Honda Motor của Nhật Bản và các thương hiệu quần áo thể thao toàn cầu bắt đầu đến và thành lập các nhà máy tại Việt Nam.
Sau đó, đầu những năm 2000, các công ty công nghệ từ châu Á cũng bắt đầu đến Việt Nam để thiết lập dây chuyền sản xuất các thiết bị điện tử đơn giản.
Cuối cùng, vào giữa những năm 2010, Việt Nam đã bắt đầu thu hút các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, chẳng hạn như “gã khổng lồ” Aeon của Nhật Bản.
Việt Nam có thể được coi là một cường quốc xuất khẩu, với “hơn một nửa số giày của Nike và 60% số điện thoại của Samsung được sản xuất tại Việt Nam”.
Sự thống trị sản xuất điện thoại thông minh Việt Nam phần lớn là nhờ khoản đầu tư khổng lồ của gã khổng lồ Samsung Hàn Quốc. Theo Business Korea, công ty này tuyển dụng hơn 100.000 người ở Việt Nam. Vào năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Samsung chiếm tới 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nikkei Asia nhận định, điều này cho biết có thể báo trước một làn sóng đầu tư thứ tư đang nổi lên.
Điều gì tiếp theo cho Việt Nam?
Việt Nam nổi lên là người chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm giải pháp thay thế chuỗi cung ứng cho Trung Quốc.
“Lợi thế cạnh tranh của đất nước là điều dễ thấy”, Andy Ho, Giám đốc VinaCapital nói với The Sunday Times.
Cụ thể, lương của các lao động ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, trong khi chất lượng lực lượng lao động tương đương ở nhiều lĩnh vực. Không chỉ vậy, Việt Nam cũng có vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng ở miền Nam Trung Quốc.
Việt Nam đang có ý định chuyển từ các ngành “thâm dụng lao động” như dệt may và lắp ráp điện sang các lĩnh vực có lợi nhuận cao hơn như chất bán dẫn. Đặc biệt, sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, sẽ góp phần tăng cường đầu tư từ các công ty Mỹ.
Xuất khẩu điện thoại của Việt Nam năm ngoái gấp 6 lần Ấn Độ. Thông thường, trong một chiếc điện thoại thông minh, khoảng 75% chi phí vật liệu được tạo thành từ tổng chi phí của các linh kiện như bảng mạch in, mô-đun máy ảnh, màn hình cảm ứng và nắp kính.
Để tìm được hầu hết các bộ phận này, trong khi Ấn Độ phải đối mặt với mức thuế lên tới 22% từ những quốc gia cung cấp linh kiện, thì các nhà sản xuất Việt Nam có thể tìm nguồn cung với mức thuế bằng 0, nhờ vào mạng lưới các thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Đối với các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn là một thị trường đáng để đầu tư. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM), các quỹ theo dõi chỉ số EM chuẩn sẽ đổ vốn mạnh vào Việt Nam, và nhờ đó sẽ đẩy giá trị cổ phiếu trong nước lên cao, ước tính khoảng 5-8 tỷ USD.
Cổ phiếu của Việt Nam là thành tố lớn nhất trong thị trường cận biên và nhiều năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đánh cược rằng việc thăng nâng hạng chỉ là vấn đề thời gian.
Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam Việt Nam gợi nhớ đến sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore trong nửa sau thế kỷ 20. Quốc gia này được mệnh danh là “con hổ” châu Á mới. Các nhà đầu tư chắc chắn hy vọng rằng đất nước có thể noi gương những "con hổ" trước đó để leo lên nhóm thu nhập cao.
Tham khảo: MoneyWeek