Từ một địa phương ‘khó, khô, khổ’, tỉnh nắm giữ báu vật có 1-0-2 của Việt Nam trở thành ngôi sao đang lên của vùng Đông Nam Bộ

20/06/2024 21:48 PM | Kinh tế vĩ mô

Sau 30 năm tái lập, tỉnh Ninh Thuận đã có bước chuyển mình ngoạn mục trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất cả nước.

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận diễn ra vào cuối tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, "tỉnh Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo, với "3 chữ kh" là "khó, khô và khổ", song bằng sức sống mãnh liệt, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã và sẽ vươn lên mạnh mẽ; thể hiện năng lực biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể để vươn lên, tiến kịp, đi cùng".

Ninh Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế khác biệt trong phát triển kinh tế. Cụ thể, Ninh Thuận là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên giao điểm của 3 vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có hệ thống giao thông đồng bộ, đủ loại hình phương thức vận tải; tiềm năng phát triển du lịch rất lớn; có Vườn quốc gia Núi Chúa, nhiều công trình kiến trúc cổ Champa còn nguyên vẹn; có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng, như: Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương.

Đáng chú ý, cảng nước sâu Cà Ná được Ninh Thuận chú trọng phát triển. PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng Cà Ná là báu vật của Việt Nam, sẽ trở thành một trong những tọa độ chính định vị chân dung phát triển của Ninh Thuận và của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Với những lợi thế khác thường, tuy "nhập cuộc" muộn nhưng Cảng Cà Ná bước vào quy hoạch phát triển với tư thế "đi sau – vượt trước" và một triển vọng sáng sủa, rõ ràng.

Vùng biển Ninh Thuận có đặc trưng riêng biệt, là 1 trong 18 vùng nước trồi của thế giới và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Do đó, cảng biển Cà Ná thuộc vùng biển Ninh Thuận có nhiều tiềm năng khác biệt trong phát triển kinh tế.

Hiện nay, Ninh Thuận luôn chú trọng đến việc bảo vệ, phát triển bền vững những nguồn lợi tài nguyên từ biển. Không chỉ có cảng Cà Ná với nhiều tiềm năng phát triển, Ninh Thuận còn có nguồn năng lượng tái tạo lớn. Theo đó, tỉnh hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn nhất của cả nước.

Ninh Thuận có bức xạ mặt trời cao nhất cả nước với lượng bức xạ từ 1780-2015 kWh/m2/năm; sự chênh lệch bức xạ giữa các mùa trong năm không nhiều; tổng số giờ nắng trong năm đạt 2.500-3.100 giờ/năm, cao nhất cả nước, trừ những ngày có mưa rào, có thể nói hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng được năng lượng mặt trời. Cả năm có tới 9 tháng nắng, vì vậy Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất trong nước.

Hơn nữa, nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho biết, Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước. Địa phương có 5 khu vực được quy hoạch để sản xuất điện gió, với tổng cộng suất gần 2.500 MW. Khu vực biển Ninh Thuận cũng phát triển điện gió ngoài khơi với tổng công suất ước tính trên 5.000 MW

Nhờ vào định hướng phát triển kinh tế biển và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo lớn, Ninh Thuận dần trở thành ngôi sao đang lên của vùng Đông Nam Bộ. Năm 2023, Ninh Thuận nằm trong top 10 của cả nước về tăng trưởng GRDP và đứng thứ 2 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. 

Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam.


Theo Minh Tiến

Cùng chuyên mục
XEM